83% doanh nghiệp đang gặp khó vì lãi suất cao, khó tiếp cận vốn
Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) về hoạt động sản xuất kinh doanh đến tháng 2 cho biết các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn.
Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) vừa gửi lên UBND TP.HCM cho biết sau khi khảo sát hơn 100 doanh nghiệp về hoạt động sản xuất kinh doanh đến tháng 2 thì có 83% đơn vị đang gặp khó khăn.
Cụ thể, có 43% doanh nghiệp gặp khó khi lãi suất vay cao; 40% đơn vị khó tiếp cận nguồn vốn và 38,2% doanh nghiệp phản ánh thủ tục vay vốn phức tạp, tốn nhiều thời gian. Bên cạnh đó, có 41,2% doanh nghiệp cho biết thị trường bị thu hẹp; 30,1% doanh nghiệp gặp khó khi hàng tồn kho nhiều; 17,6% đối diện vấn đề nguyên liệu đầu vào tăng.
Hàng loạt doanh nghiệp đang đối diện khó khăn như lãi suất tăng cao, khó vay vốn, tiêu thụ giảm mạnh.
|
Báo cáo cũng cho biết đối với ngành dệt may, khó khăn do bị ảnh hưởng lãi suất tăng cao và biến động của tỷ giá USD, tác động trực tiếp đến việc nhập khẩu nguyên vật liệu để gia công xuất khẩu, dẫn đến sức ép lợi nhuận giảm trong những tháng đầu năm nay. Mặt khác do lãi suất ngân hàng quá cao nên doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, cố gắng vượt qua giai đoạn này và hạn chế đầu tư trong năm nay.
Đối với ngành mỹ nghệ và chế biến gỗ, đơn hàng đầu năm tiếp tục giảm mạnh và dự kiến còn giảm đến hết quý 2/2023 với mức giảm khoảng 50 - 60%. Nguyên nhân do thị trường châu Âu, Mỹ sụt giảm tiêu thụ đồng thời người dân, doanh nghiệp trong nước hạn chế mua sắm, xây dựng công trình hoặc hoạt động sửa chữa.
Thị trường bất động sản hiện rất khó khăn và đi vào suy thoái. Doanh nghiệp đang thu hẹp quy mô kinh doanh, dừng đầu tư, ngưng thi công các dự án mới, thị trường gần như đóng băng trong khi một lượng lớn trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản đáo hạn gây áp lực lên thị trường. Kim ngạch xuất khẩu của ngành vật liệu xây dựng sụt giảm nghiêm trọng như sản lượng xuất khẩu thép giảm 69,3%; xuất khẩu xi măng giảm 55%... Người lao động bị sa thải, ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống an sinh xã hội.
Báo cáo nêu: Do biến động trái phiếu và việc kiểm soát tín dụng chặt chẽ cho thấy nền kinh tế thiếu tính thanh khoản, nhà đầu tư có dấu hiệu bị suy giảm niềm tin nên khả năng huy động vốn sụt giảm, nguồn vốn bị thu hẹp. Chính sách hỗ trợ lãi vay 2% ít khả thi, khó thực hiện vì một số doanh nghiệp lo ngại về thủ tục giấy tờ và thanh kiểm tra.
Các doanh nghiệp dự báo hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý 2/2023 vẫn còn khó khăn khi sức mua của các thị trường toàn cầu ở mức thấp. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, lãi suất cao là cản trở lớn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có biện pháp hạ lãi suất, khống chế tỷ lệ biên lãi ròng (NIM) ở mức 3% cũng là giải pháp để các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn với nền kinh tế; cần khống chế trần lãi suất, giữ lãi suất cho vay khoảng 8 - 8,5%/năm.
Ngân hàng Nhà nước cần sớm có hướng dẫn doanh nghiệp kinh doanh nhà ở xã hội thủ tục vay vốn từ gói hỗ trợ 120.000 tỉ đồng; thúc đẩy thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%; quan tâm cơ cấu nợ, giữ nhóm nợ giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn...
Song song đó, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ xem xét miễn giảm thuế thu nhập cá nhân trong năm 2023 bởi người làm công ăn lương là những cá nhân và gia đình ảnh hưởng rất nhiều từ dịch bệnh Covid-19 đến nay nhưng thuế thu nhập cá nhân chưa được ưu đãi như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất. Đồng thời để giải quyết tình hình hết sức khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, nhà nước tiếp tục thực hiện áp dụng thuế giá trị gia tăng 8% cho tất cả các ngành kinh tế tới hết năm 2023...
Mai Phương
Thanh niên
|