Đối tác ép đơn hàng phải rẻ hơn Trung Quốc, nỗi lo thua trên sân nhà
Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ đang đối mặt với nhiều thách thức, nếu không được hỗ trợ về cơ chế sẽ không thể cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI.
Doanh nghiệp nhỏ rất thiệt thòi
Dịch Covid-19 và tình hình chính trị thế giới biến động, chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị đứt gãy. Gần như các hoạt động về cung ứng bị gián đoạn, đặc biệt là linh kiện điện tử và linh kiện cơ khí.
Đây được xem là cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) công nghiệp phụ trợ trong nước.
Tuy vậy, tại hội thảo “Hỗ trợ DN vừa và nhỏ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu” do Báo Tuổi trẻ phối hợp với Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) và Sở Công Thương TP.HCM tổ chức chiều 28/2, đại diện các DN đã nêu ra nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Trí – TGĐ Công ty TNHH Lập Phúc, DN chuyên chế tạo khuôn mẫu công nghệ cao xuất khẩu sang thị trường Mỹ, cho biết công ty được hưởng 4 đợt trong gói kích cầu của TP.HCM. Nhờ đó, công ty đã nhập thêm thiết bị tiên tiến và mở rộng nhà máy.
Theo ông Trí, khi đặt hàng sản xuất, DN Mỹ thường yêu cầu “giá phải rẻ hơn Trung Quốc”. Nếu muốn giành thị phần thì giá cả phải rẻ hơn họ.
“Để có giá rẻ hơn DN Trung Quốc, công ty phải mua máy móc đã qua sử dụng từ Nhật Bản về rồi cải tiến lại. Mua máy móc cũ phải đóng thuế nhập khẩu rất cao. Nếu công ty chế tạo được thân máy nhưng phụ tùng vẫn phải nhập thì không thể cạnh tranh với máy của Đài Loan (Trung Quốc). Giải quyết được vấn đề thuế, ngành công nghiệp chế tạo máy trong nước mới phát triển, từ đó DN nội sẽ có nguồn máy rẻ phục vụ sản xuất”, ông Trí nói.
Ông Nguyễn Văn Trí nêu những khó khăn của DN. (Ảnh: Hữu Hạnh)
|
Ông Trí cho rằng, các DN công nghiệp phụ trợ quy mô nhỏ hiện nay rất thiệt thòi. Vấn đề lớn nhất là “chảy máu” lao động. Nhiều lao động được DN nhỏ đào tạo, khi lành nghề lại “nhảy việc” sang các DN lớn và DN FDI.
DN FDI tuyển dụng được bao nhiêu lao động thì DN trong nước mất bấy nhiêu. DN sản xuất có hai nguồn vốn: Một là tiền và trang thiết bị, nguồn này không mất đi; thứ hai là nguồn nhân lực, đây là vốn cực kỳ quý và có thể mất bất cứ lúc nào. Nguồn nhân lực về cơ khí ở nước ta rất thiếu.
Về chính sách thuế, ông Đỗ Phước Hưng – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Công nghệ cao Điện Quang cho biết, hầu hết các sản phẩm điện tử hiện nay không chịu thuế hoặc rất thấp. Tuy nhiên, một số linh kiện điện tử tham gia vào quá trình sản xuất ra thành phẩm lại có thuế. Vô hình trung, chính sách thuế này không khuyến khích các DN sản xuất đi lên từ sản xuất linh kiện.
“Điện Quang đang hợp tác sản xuất máy tính bảng thương hiệu Việt. Khi sản xuất bo mạch điện tử thì bo mạch này tính thuế bằng 0, trong khi linh kiện để ráp vào bo mạch thì có thứ thuế bằng 0, có thứ lại có thuế. Tính trung bình, thuế cho các linh kiện này khoảng 3%. Như vậy, tự sản xuất lại bị đánh thuế 3%, còn mua ở nước ngoài về thì không mất thuế”, ông Hưng lấy ví dụ.
20 năm nói về chính sách thuế
Nói về những bất cập của chính sách thuế, ông Đỗ Phước Tống – Chủ tịch HĐTV Công ty cơ khí Duy Khanh cho biết đã nói vấn đề này trong 20 năm rồi và đến nay vẫn chưa có thay đổi.
Theo ông Tống, tại Khoản 5 Điều 10 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016 quy định nguyên tắc ban hành biểu thuế, thuế suất là “thuế suất thuế nhập khẩu giảm dần từ thành phẩm đến nguyên liệu thô”.
“Lâu nay các DN vẫn gặp vướng mắc là vì sao nhập sản phẩm về thì thuế bằng 0 mà mua linh kiện thì lại bị tính thuế? Luật quy định thuế giảm dần từ thành phẩm đến nguyên liệu thô, tại sao thuế thành phẩm bằng 0 rồi mà nguyên liệu lại bị tính thuế? Luật quy định rõ ràng nhưng sau đó mọi chuyện vẫn đâu vào đấy”, ông Tống thẳng thắn nói.
Một DN cơ khí tại TP.Thủ Đức đã mở rộng quy mô sản xuất nhờ gói kích cầu của TP.HCM. (Ảnh: Anh Phương)
|
Làm sao để các DN vừa và nhỏ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu? Trả lời câu hỏi này, ông Tống cho rằng, trước tiên, các DN phải chủ động. Nếu bệ đỡ chính sách tốt, DN có thể đầu tư mạnh hơn, nâng cao năng lực hơn.
“Hội DN Cơ khí - Điện TP.HCM đang thực hiện chương trình Made By Việt Nam. Chúng tôi muốn mang một tâm thế khác, tạo ra những sản phẩm được sản xuất bởi chính các DN Việt, bằng năng lực Việt. Để làm được điều này rất cần bệ đỡ chính sách”, ông Tống hy vọng.
Cũng theo ông Tống, TP.HCM có các gói kích cầu kịp thời và một số DN cũng được thụ hưởng. Nhờ đó, các DN đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô. Hai năm qua là giai đoạn DN cần đầu tư để phát triển nhưng vì lý do pháp lý, chính sách này bị tạm dừng. Hy vọng trong năm nay, chính sách này được khởi động lại.
Ông Bùi Tá Hoàng Anh – Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, sau quá trình hội nhập, đã đến lúc cần xem lại ngành sản xuất công nghiệp phụ trợ. Nếu không, các DN trong nước vẫn chỉ dừng lại ở khâu gia công, giá trị gia tăng trong quá trình tham gia xuất khẩu của DN vẫn thấp.
“Với trách nhiệm của một cơ quan quản lý Nhà nước về công nghiệp, chúng tôi luôn suy nghĩ và tự hỏi mình phải làm gì? Với những thông tin vừa góp ý vừa gợi của đại diện các DN, chúng tôi sẽ tiếp thu và thực hiện”, ông Hoàng Anh chia sẻ.
Thời gian tới, theo ông Hoàng Anh, TP.HCM đang thực hiện quy hoạch để định vị lĩnh vực công nghiệp của thành phố là gì? Quy mô đất đai bao nhiêu? Chuẩn bị nguồn lực như thế nào? Mô hình tổ chức hoạt động của TP.HCM trong mối liên kết vùng?
Giám đốc Sở Công thương TP.HCM thông tin, nếu nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 được Quốc hội thông qua, TP.HCM sẽ được giao nhiều quyền hơn để giải quyết các vấn đề tồn tại hiện nay. Trong lĩnh vực đầu tư cần khuyến khích và tạo điều kiện đã đề xuất có ngành công nghiệp phụ trợ.
Về gói kích cầu cho DN, ông Hoàng Anh cho biết, TP.HCM sẽ khởi động lại chương trình này trong thời gian sớm nhất.
Anh Phương
Vietnamnet
|