Trung Quốc cấm ChatGPT
Các cơ quan điều hành Trung Quốc chỉ đạo các ông lớn công nghệ không cung cấp dịch vụ ChatGPT cho công chúng, vì lo ngại về thông tin sai lệch.
Tencent Holdings và Ant Group – công ty con của Alibaba – đã nhận được chỉ thị không cung cấp dịch vụ ChatGPT trên nền tảng của mình, cả trực tiếp hoặc thông qua bên thứ ba, dựa trên nguồn tin thân cận.
Bên cạnh việc cấm ChatGPT, Trung Quốc cũng yêu cầu các công ty công nghệ trong nước muốn ra mắt chatbot hoặc dịch vụ trí tuệ nhân tạo (AI) giống như ChatGPT phải báo cáo và xin phép cơ quan quản lý. Không tổ chức hoặc cá nhân nào được tự ý khởi chạy các dịch vụ kiểu siêu AI của OpenAI.
Dưới áp lực từ các nhà điều hành, Tencent đã tạm ngưng một vài dịch vụ cung cấp ChatGPT từ bên thứ ba, cho dù họ có liên kết với ChatGPT hay chỉ là phiên bản nhái, dựa trên nguồn tin thân cận.
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc chặn các trang web hoặc ứng dụng nước ngoài. Bắc Kinh đã cấm hàng chục trang web và ứng dụng nổi tiếng của Mỹ. Giữa năm 2009 và 2010, Trung Quốc chặn Google, Facebook, YouTube và Twitter. Trong năm 2018-2019, nước này đã ban hành lệnh cấm Reddit và Wikipedia.
Động thái mới nhất của các cơ quan quản lý diễn ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều dữ dội chính thức đối với ChatGPT.
Hôm thứ Hai (21/02), hãng truyền thông Nhà nước China Daily cho biết trong một bài đăng trên Weibo rằng ChatGPT “có thể giúp Chính phủ Mỹ truyền bá thông tin sai lệch và thao túng các câu chuyện toàn cầu cho mục đích của họ. lợi ích địa chính trị của riêng mình."
Các nguồn tin trong ngành công nghệ cho biết họ không bất ngờ trước động thái kiểm soát từ Chính phủ.
“Chúng tôi đã đoán ngay từ đầu rằng ChatGPT không bao giờ có thể vào thị trường Trung Quốc do các vấn đề về kiểm duyệt nội dung. Trung Quốc sẽ cần phiên bản ChatGPT cho riêng mình”, giám đốc ở một công ty công nghệ hàng đầu cho hay.
Giám đốc của một công ty công nghệ khác cho biết ngay cả khi không có cảnh báo trực tiếp, công ty của ông cũng không dùng ChatGPT.
"Chúng tôi đã lọt vào tầm ngắm của cơ quan quản lý Trung Quốc [trong bối cảnh ngành công nghệ bị kiểm soát chặt trong những năm gần đây], vì vậy ngay cả khi không có lệnh cấm như vậy, chúng tôi sẽ không bao giờ chủ động thêm ChatGPT vào nền tảng của mình vì không thể kiểm soát những thứ đằng sau đó", vị giám đốc này cho biết. "Chắc chắn sẽ có một số người dùng hỏi ChatGPT những câu hỏi nhạy cảm về mặt chính trị, nhưng nền tảng sẽ phải chịu trách nhiệm về kết quả phản hồi của nó".
Trong thời gian qua, ChatGPT dù không xuất hiện chính thức nhưng cũng đã trở thành cơn sốt, thu hút được rất nhiều người dùng tại Trung Quốc. Để truy cập dịch vụ qua nền tảng web nhiều người đã sử dụng VPN (mạng riêng ảo). Để phục vụ nhu cầu của người dùng, một số nhà phát triển tại đây cũng ra mắt ứng dụng kết nối để sử dụng API từ ChatGPT.
ChatGPT là chatbot được phát triển bởi OpenAI của Mỹ, ra mắt vào tháng 11/2022. Công cụ chatbot AI này được phát triển từ mô hình GPT-3.5, được đào tạo để đưa ra câu trả lời giống như một cuộc trò chuyện với người thật. Đây là phần mềm có tốc độ phát triển người dùng nhanh nhất khi đạt 57 triệu người dùng sau một tháng ra mắt và cán mốc 100 triệu tính đến 31/1/2023.
Một số công ty công nghệ Trung Quốc cho biết đang phát triển các ứng dụng chatbot AI cho riêng mình. Đơn cử như Baidu - nhà điều hành công cụ tìm kiếm phổ biến nhất của Trung Quốc, đặt mục tiêu hoàn thành thử nghiệm nội bộ Ernie Bot vào tháng 3 này, trong khi Alibaba cũng đang thử nghiệm một dịch vụ giống ChatGPT. Các công ty công nghệ của nước này cũng đã đảm bảo với Chính phủ Trung Quốc rằng, các ứng dụng của họ sẽ không liên quan đến ChatGPT của OpenAI.
Vũ Hạo (Theo Nikkei Asia)
FILI
|