Kinh tế chưa hạ nhiệt, giới đầu tư sợ Fed sẽ nâng lãi suất mạnh hơn
Những dữ liệu gần đây cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh và chưa có dấu hiệu nào cho thấy gần bước vào suy thoái. Giới đầu tư lo ngại đây có thể là tin xấu với thị trường chứng khoán.
Trong nhiều tháng qua, Phố Wall đã kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể giúp nền kinh tế “hạ cánh mềm” hoặc một kịch bản nào đó mà Mỹ sẽ tránh được suy thoái nghiêm trọng.
Chính sự vững chãi của nền kinh tế, cùng với các dấu hiệu cho thấy lạm phát đang dần hạ nhiệt, đã giúp trái phiếu và các tài sản rủi ro như cổ phiếu tăng mạnh vào đầu năm nay. Tuy nhiên, loạt dữ liệu nóng gần đây đã khiến một số nhà đầu tư tin rằng sẽ không có “đợt hạ cánh nào”.
Tuần trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và giá sản xuất (PPI) tháng 1/2023 đều tăng mạnh hơn dự đoán của các chuyên gia kinh tế. Trong khi đó, doanh số bán lẻ ghi nhận tháng tăng mạnh nhất trong gần hai năm.
Thị trường lao động cũng đang tăng nóng, với tỷ lệ thất nghiệp đã tụt xuống mức thấp nhất trong 53 năm trong tháng 1. Trong khi đó, nền kinh tế có thêm hơn nửa triệu việc làm, theo Bộ Lao động Mỹ.
Ở giai đoạn bình thường, các dữ liệu trên là tin tốt cho thị trường. Tuy nhiên, trong suốt năm qua, các nhà đầu tư xem xét các dữ liệu này thông qua góc nhìn về tác động tới chính sách lãi suất của Fed.
Họ ngày càng lo ngại rằng nếu nền kinh tế Mỹ vẫn quá nóng, Fed sẽ buộc phải tăng lãi suất lên cao hơn và duy trì ở mức đó trong khoảng thời gian dài hơn. Điều này càng làm gia tăng khả năng suy thoái và kéo theo đó là tác động tới thị trường.
Tuần trước, chỉ số S&P 500 đã giảm 0.3%, nhưng vẫn còn tăng hơn 6% so với đầu năm. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm, vốn rất nhạy với kỳ vọng của nhà đầu tư về chính sách tiền tệ, khép tuần ở mức 4.621%.
“Dù Fed đã nâng lãi suất nhiều đến thế, dữ liệu vẫn chưa lay chuyển”, ông Michael Farr, Giám đốc phụ trách đầu tư của Farr, Miller & Washington, cho biết.
Ông lo ngại rằng nhiều người đang quá tự tin rằng Fed sẽ có thể nhanh chóng kiềm chế lạm phát mà không đẩy nền kinh tế vào suy thoái.
“Có thể lần này, Fed sẽ thực hiện được một cuộc hạ cánh hoàn hảo và điều chỉnh lãi suất một cách chính xác”, ông Farr nói. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy Fed có thành tích rất kém trong khoản này, ông lưu ý.
Trong những ngày tới, nhà đầu tư sẽ tập trung chú ý vào biên bản cuộc họp gần nhất của Fed, cũng như số liệu về doanh số bán nhà hiện có và chi tiêu tiêu dùng cá nhân - thước đo lạm phát ưa thích của các nhà hoạch định chính sách.
Loạt dữ liệu kinh tế khả quan được công bố trong vài tuần qua đã khiến nhà đầu tư tin rằng Fed sẽ kéo lãi suất lên cao hơn đáng kể so với dự báo của thị trường.
Ông Steven Englander, Trưởng bộ phận nghiên cứu ngoại hối tại Standard Chartered, đã nâng dự báo về mức đỉnh lãi suất của Fed. Theo ông, vào cuối chu kỳ thắt chặt, lãi suất sẽ đạt mức cao nhất khoảng 5.25%, cao hơn so với dự báo trước đó là 4.75%.
Trong khi đó, ông Matthew Luzzetti, Chuyên gia kinh tế trưởng của Deutsche Bank tại Mỹ, cũng điều chỉnh dự báo, cho rằng vào tháng 7 năm nay, lãi suất chuẩn của Fed sẽ đạt đỉnh 5.6% - cao hơn dự báo trước là 5.1%.
Các nhà giao dịch trái phiếu cũng kỳ vọng lãi suất sẽ được nâng lên mức cao hơn. Các thị trường phái sinh cho thấy nhà đầu tư dự đoán mức đỉnh lãi suất vào tháng 8 tới là 5.25%, theo FactSet. Trước đó, vào đầu tháng 2, các nhà đầu tư đã đặt cược rằng lãi suất quỹ liên bang sẽ đạt đỉnh khoảng 4.88% vào tháng 6.
“Lãi suất chính sách cao hơn và duy trì trong thời gian dài hơn chắc chắn sẽ đè nặng lên các tài sản rủi ro và làm gia tăng nguy cơ suy thoái”, ông Brett Ryan, chuyên gia kinh tế cấp cao của Deutsche Bank, cảnh báo.
Suy thoái có thể là tin xấu cho thị trường chứng khoán Mỹ. Theo Deutsche Bank, từ năm 1946 cho đến nay, chỉ số S&P 500 đã giảm trung bình khoảng 24% trong các cuộc suy thoái.
Dù vậy, một số nhà kinh tế vẫn tin rằng Fed vẫn còn cơ hội để giúp Mỹ tránh được suy thoái, dù khá mong manh.
Ông Torsten Slok, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Apollo Global Management, cho hay: “Sau kịch bản không hạ cánh là kịch bản hạ cánh mềm. Tất cả phụ thuộc vào thời điểm và tốc độ mà toàn bộ nền kinh tế sẽ phản ứng với việc lãi suất lên cao hơn”.
Vũ Hạo (Theo WSJ)
FILI
|