Ai làm chao đảo tập đoàn Adani?
Tập đoàn đa ngành Adani rất nổi tiếng ở Ấn Độ; ông chủ tập đoàn, Gautam Adani là một trong những tỉ phú giàu nhất thế giới. Thế nhưng một báo cáo của một công ty nghiên cứu nhỏ, Hindenburg Research, đã làm tập đoàn này chao đảo, giá trị thị trường bay mất 100 tỉ đô la Mỹ chỉ trong vòng hai tuần ngắn ngủi.
Tỉ phú Gautam Adani.Hindenburg có trụ sở đóng tại New York, Mỹ tự cho mình có nhiệm vụ vạch trần các công ty làm ăn gian dối và song song với các cuộc điều tra do họ tiến hành, công ty này “bán khống” cổ phiếu các tập đoàn trong tầm ngắm để hưởng lợi khi các báo cáo của họ đẩy giá cổ phiếu bán khống xuống thấp.
Chẳng hạn, họ từng cáo buộc hãng xe tải điện Nikola là lừa đảo, không sản xuất được chiếc xe tải điện nào mà cứ quảng bá bằng các video giả mạo. Giá cổ phiếu Nikola sụt tận đáy và Hindenburg thu được những khoản lãi lớn.
Cuối tháng trước, Hindenburg tung ra một báo cáo dài 106 trang, vạch ra các điểm bất thường và không nhất quán liên quan đến tình hình tài chính của tập đoàn Adani với một nhan đề gây sốc: “Người giàu thứ ba trên thế giới đã có cú lừa đảo lớn nhất lịch sử kinh doanh như thế nào”.
Báo cáo buộc tội Adani thao túng giá chứng khoán, gian dối sổ sách kế toán, kéo dài trong nhiều năm trời. Chỉ trong vòng hai ngày sau đó, giá cổ phiếu tập đoàn Adani tụt dốc không phanh, 7 công ty con mất hết gần 40 tỉ đô la giá trị thị trường.
Hindenburg Research được Nathan Anderson thành lập năm 2017 nhằm cung cấp dịch vụ phân tích thị trường tài chính. Cái tên Hindenburg là lấy từ chiếc khinh khí cầu cùng tên bị bốc cháy vào năm 1937 giết chết nhiều người.
Trên trang web của mình, Hindenburg tự cho mình nhiệm vụ đi tìm các “thảm họa do con người gây ra” gồm kế toán bất thường, quản lý gian dối, các giao dịch không trong sáng… nhằm cảnh báo cho mọi người khỏi bị biến thành nạn nhân”. Cho đến nay Hindenburg đã điều tra 16 công ty trong khi nhân sự chỉ có 10 người, chủ yếu là cựu nhà báo và chuyên viên phân tích.
Trên thị trường chứng khoán, “bán khống” là đi vay cổ phiếu người ta nghĩ sẽ sụt giá mạnh rồi bán ngay. Đợi đến khi giá sụt như dự đoán, họ sẽ mua lại cổ phiếu rồi trả lại cho nơi cho vay, bỏ túi phần chênh lệch, giá càng sụt thì chênh lệch càng lớn.
Thay vì chỉ dự đoán, Hindenburg chủ động chọn công ty theo họ có vấn đề, vừa ra chiêu “bán khống” vừa điều tra và tung ra các báo cáo tấn công trực diện vào công ty họ “bán khống”. Vì cách làm này mà giới tài chính, chứng khoán e ngại tránh xa Hindenburg; nhiều công ty dè chừng, lo sợ nhưng thị trường lại nghe ngóng để ăn theo Hindenburg.
Trong báo cáo về tập đoàn Adani, Hindenburg cho biết họ đã điều tra trong hai năm để thu thập bằng chứng tập đoàn trị giá 218 tỉ đô la này đã “trắng trợn thao túng giá cổ phiếu và gian dối kế toán trong nhiều thập niên liền”.
Nhà sáng lập và Chủ tịch tập đoàn Gautam Adani có tổng tài sản chừng 120 tỉ đô la, trong đó 100 tỉ đô la là mới kiếm được trong ba năm gần đây nhờ giá cổ phiếu của 7 công ty con niêm yết tăng bình quân đến 819% trong cùng thời kỳ.
Hindenburg nhấn mạnh, cho dù thị trường bác bỏ kết luận của cuộc điều tra, họ cũng không thể ngó lơ sự thật: 7 công ty con này có khả năng mất đi 85% giá trị chỉ dựa vào các số liệu tài chính cơ bản do được định giá trên trời.
Tại Ấn Độ, Adani là một tập đoàn khổng lồ, có nhiều dự án và hoạt động kinh doanh, từ sản xuất dầu ăn, trái cây đến mở sân bay, bến cảng, nhà máy điện, mỏ than và các công trình hạ tầng cơ sở.
Năm ngoái Gautam Adani có lúc vượt qua Jeff Bezos để trở thành người giàu thứ nhì trên thế giới, chỉ sau Elon Musk. Khi báo cáo Hindenburg được tung ra, người phát ngôn tập đoàn Adani cho rằng đây là nỗ lực bôi xấu tên tuổi của họ và đáp trả bằng một báo cáo dài đến 413 trang, bác bỏ từng cáo buộc trong báo cáo Hindenburg.
Tuy nhiên, sau đó họ phải hủy kế hoạch phát hành cổ phiếu mới trị giá 2,5 tỉ đô la. Cho đến nay giá cổ phiếu của Adani và các công ty liên quan đã bốc hơi đến 100 tỉ đô la; tài sản Gautam Adani giảm mất chừng 60 tỉ đô la.
Nguyễn Vũ
TBKTSG
|