Sau họp giải cứu thị trường bất động sản, doanh nghiệp, chuyên gia nói gì?
Cuộc họp nóng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày hôm qua 8/2, kết thúc khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản thất vọng. Theo các doanh nghiệp và chuyên gia họ cần những giải pháp cứu thị trường thực tế hơn.
Cuộc họp không được như kỳ vọng?
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Anh Quê - Chủ tịch Tập đoàn G6 - cho biết, sáng 8/2 ông không tham dự cuộc họp, nhưng theo dõi thông tin thấy rằng về cơ bản chưa có giải pháp gì đột phá cho thị trường thời điểm hiện tại.
"Cuộc họp hôm qua không được như kỳ vọng của doanh nghiệp cũng như người dân. Theo thông điệp của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), những dự án có pháp lý, chủ đầu tư có uy tín mới được vay vốn. Bên cạnh đó, người mua muốn vay cũng phải chứng minh khả năng trả nợ và mua dự án có tính thanh khoản tốt... Như vậy, việc vay vẫn là khó khăn với cả chủ đầu tư và người mua nhà", ông Quê nói.
Thị trường bất động sản vẫn cần giải pháp mạnh để gỡ khó sau cuộc họp về vốn của NHNN.
|
Để gỡ khó cho thị trường bất động sản, ông Quê cho rằng, NHNN hạ lãi suất 2 đầu cả tiết kiệm và cho vay. Bởi hiện, lãi suất tiết kiệm đang hấp dẫn hơn nhiều kênh đầu tư khác nên dòng tiền chảy vào ngân hàng lớn. Khi lãi suất tiết kiệm không còn hấp dẫn, dòng tiền sẽ chảy sang bất động sản. Đồng thời, ngân hàng cũng nên hạ lãi suất cho vay để gỡ khó cho cả chủ đầu tư và người mua nhà.
Tham dự cuộc họp ngày 8/2 nhưng không được phát biểu, một chủ đầu tư lớn ở Hà Nội bày tỏ: "Tôi cho rằng, những động thái từ Chính phủ, các bộ, ngành như NHNN và Bộ Xây dựng rất tốt cho thị trường. Tuy nhiên, cuộc họp hôm qua chưa được như mong muốn của nhiều doanh nghiệp vì nhiều kiến nghị còn bỏ ngỏ".
Theo vị này, các biện pháp gỡ khó cho thị trường bất động sản cần được “tăng tốc” và quyết liệt hơn trong bối cảnh hàng nghìn doanh nghiệp bất động sản đang cực khó khăn như “nắng hạn chờ mưa rào”.
Với vai trò của nhà đầu tư bất động sản kinh nghiệm 15 năm cũng chờ mong cuộc họp của NHNN để giải quyết vấn đề vốn cho thị trường, ông Nguyễn Văn Định (ở Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: "Ngân hàng phải rốt ráo phân loại các dự án và ưu tiên các dự án nào được vay. Kể cả với chủ đầu tư uy tín nhưng phải xem dự án nào có pháp lý, khả thi chứ không phải tất cả các dự án của cùng một chủ đầu tư. Không nên đánh đồng các dự án và cũng không nên ưu ái cho một chủ đầu tư nào nhất định bởi có những chủ đầu tư lớn nhưng dư nợ ngân hàng hiện nay đang ở mức báo động".
Tín dụng không ách tắc nhưng cần đồng bộ
Chia sẻ sau cuộc họp, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM - cho rằng, tín dụng bất động sản là vấn đề cấp thiết, cần phải được tháo gỡ. Ông Châu hy vọng sau cuộc họp này sẽ có những giải pháp hiệu quả ngay, tránh tình trạng doanh nghiệp không thể tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng, khó khăn phải giải thể hàng loạt.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực khẳng định, Chính phủ cần có những giải pháp khẩn trương, kịp thời để giải quyết 4 khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay là pháp lý, vốn, quan hệ cung cầu và quy hoạch.
Ông Lực cho rằng, vấn đề quan trọng cần phải tháo gỡ được pháp lý cho các dự án, từ đó mới có thể tăng nguồn cung. Về vốn cho bất động sản, ông Lực cho biết tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 vẫn ở mức 25%. Như vậy, tín dụng không ách tắc nhưng cần đồng bộ bởi vì nguồn vốn từ thị trường chứng khoán, từ trái phiếu cũng đứt gãy dẫn đến doanh nghiệp khó khăn.
“Theo tôi, NHNN nên chủ động cấp hạn mức tín dụng ngay từ đầu năm. Chậm nhất là trong tháng 2 này. Quan trọng hơn, cần tháo điểm nghẽn trái phiếu với Nghị định 65 để doanh nghiệp có sức khỏe tốt vẫn có thể phát hành trái phiếu. Cùng với đó, tổ công tác về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cần sớm báo cáo về tình trạng thực tại, có giải pháp kịp thời”, ông Lực nhấn mạnh.
Ông Lực lưu ý, bản thân doanh nghiệp bất động sản cũng cần có những giải pháp quyết liệt trong tái cơ cấu, có phương án thanh toán trái phiếu đến hạn, chủ động đàm phán với trái chủ để giãn nợ, thậm chí hoãn đổi trái phiếu sang bất động sản.
Ngọc Mai
Tiền phong
|