Room tín dụng và mô hình phát triển của các quốc gia châu Á
Đã có rất nhiều thảo luận xoay quanh việc đã đến lúc NHNN nên bỏ công cụ room tín dụng để cho hoạt động ngân hàng theo hướng thị trường hơn. Tự do hóa là điều gì đó chúng ta luôn hướng đến. Tuy nhiên, bài học từ sự thịnh vượng của các quốc gia Đông Bắc Á cho thấy việc kiểm soát tín dụng cũng có giá trị của nó.
Các thảo luận được đưa ra rằng, để phù hợp với quá trình phát triển của thế giới và tự do hóa thị trường tài chính, Việt Nam nên từ bỏ công cụ hạn mức tín dụng như một biện pháp hành chính nhằm kiểm soát hoạt động cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng cho nền kinh tế. Các lập luận cho rằng có thể quản lý năng lực tài chính của các ngân hàng thông qua hệ số CAR. Trong phạm vi bài viết này, chúng ta sẽ không bàn về vấn đề bỏ hay nên giữ room mà sẽ đi ngược dòng lịch sử để xem lại quá trình phát triển kinh tế của các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc giai đoạn ban đầu sau Chiến tranh Thế giới Thứ II hay Trung Quốc những năm sau này.
Nền tảng cho sự phát triển thần kỳ của các quốc gia châu Á
Sự phát triển của các nền kinh tế Đông Bắc Á như Nhật Bản (1950 - 1970), Hàn Quốc (1960 - 1990) hay Trung Quốc (1980 đến nay) là chủ đề nghiên cứu của không biết bao nhiêu học giả trong suốt nhiều thập niên qua. Trong rất nhiều lý giải về sự phát triển của các quốc gia này thì những giải thích về việc lựa chọn cấu trúc phát triển của nền kinh tế vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn cho đến ngày nay. Sự phát triển thần kỳ của các nền kinh tế châu Á chỉ trong một thời gian ngắn được lý giải thành một mô hình kinh tế chung ở các quốc gia này, trong đó Nhà nước giữ vai trò rất quan trọng trong việc điều phối dòng vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng vào các nhóm ngành nghề khác nhau, tùy vào từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế.
Trong thời kỳ trước khi tự do hóa thị trường tài chính, trong giai đoạn đầu định hình nền kinh tế, Nhật Bản và Hàn Quốc sử dụng công cụ được gọi là công cụ phân bổ tín dụng (Credit rationing) để phân bổ dòng vốn vào các lĩnh vực Chính phủ ưu tiên phát triển. Các quốc gia châu Á trong giai đoạn đầu phát triển đặt trọng tâm vào việc xuất khẩu để giải quyết vấn đề tăng trưởng cao và liên tục trong nhiều thập niên. Các doanh nghiệp xuất khẩu có kết quả hoạt động tốt sẽ được ưu tiên phân bổ tín dụng với mức lãi suất ưu đãi hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp thông thường.
Trong giai đoạn này, nhờ vào việc tích lũy vốn và định hướng từ chính sách của Chính phủ, các ngành công nghiệp nặng với định hướng xuất khẩu (Export-oriented industry) được đẩy mạnh sản xuất với quy mô lớn, nhờ đó mà có được lợi thế trên thị trường xuất khẩu. Các tập đoàn kinh tế sẽ đóng vai trò thực thi các định hướng này. Mặt khác, nguồn ngoại tệ thu được từ hoạt động xuất khẩu sẽ được giữ lại nhằm duy trì một chính sách tỷ giá ổn định, qua đó tiếp tục hỗ trợ cho xuất khẩu. Hướng đi này đã tạo nên các tập đoàn với quy mô khổng lồ chi phối toàn bộ nền kinh tế như các Chaebol ở Hàn Quốc hay các Keiretsu tại Nhật Bản, tại Trung Quốc là những tập đoàn xuất khẩu lớn về ô tô, thiết bị điện tử hay nguyên liệu công nghiệp.
Tính hợp lý của những chính sách định hướng tín dụng và trợ cấp lãi suất này cho thấy chỉ những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả mới có thể tiếp cận các ưu đãi. Do đó, các doanh nghiệp trong nước sẽ phải nỗ lực không ngừng trong việc cải tiến hiệu quả hoạt động để có thể cạnh tranh với nhau. Thậm chí, có những giai đoạn, các doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc phải đẩy mạnh hoạt động ở thị trường nước ngoài do mức độ cạnh tranh trong nước quá khốc liệt.
Mô hình phát triển của các quốc gia châu Á
(Asian Capital Development – ACD)
Mô hình này đã giúp chính phủ các quốc gia châu Á từng bước dịch chuyển nền kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp rồi dịch vụ. Mấu chốt của việc cải tổ nông nghiệp xoay quanh việc giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền sử dụng đất, từ đó khơi thông dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp. Sự gia tăng năng suất và hiệu suất sản xuất nông nghiệp tạo tiền đề cho việc phát triển nền công nghiệp ở giai đoạn sau. Theo công thức thì nền công nghiệp sẽ được chuyển dịch từ nền công nghiệp với mức độ tập trung tư bản cao sang nền công nghiệp nhẹ phụ thuộc nhiều hơn vào khả năng cải tiến, năng suất lao động và phát triển thị trường. Trong các giai đoạn này, dòng vốn tín dụng được kiểm soát rất chặt chẽ vào các ngành nghề mục tiêu, đóng vai trò đầu tàu cho nền kinh tế. Nguồn nguyên liệu ổn định từ giai đoạn phát triển nông nghiệp ở giai đoạn trước giúp cho quá trình chuyển dịch sang công nghiệp của các quốc gia được thuận lợi.
Bước cuối cùng trong giai đoạn phát triển là dòng vốn tín dụng sẽ tập trung vào lĩnh vực dịch vụ, việc khai thác nhu cầu tiêu thụ trong nước. Đây chính là những gì chúng ta đã nhìn thấy từ nền kinh tế Trung Quốc trong giai đoạn từ năm 2015 trở về đây khi họ bắt đầu giảm nhẹ vai trò của xuất khẩu sản phẩm công nghiệp mà tập trung nhiều hơn cho thị trường tiêu dùng nội địa. So với việc kiểm soát chặt trong giai đoạn trước thì trong giai đoạn này, các yếu tố tự do của nền kinh tế sẽ được rộng mở hơn, đặc biệt là về dòng vốn.
Tóm lại, với mô hình tăng trưởng của các quốc gia châu Á, việc hạn chế sự tự do của các nhân tố thị trường đã mang lại những kết quả rất tích cực, là yếu tố đóng góp rất lớn vào tiến trình phát triển thần kỳ của châu Á trong thế kỷ 20. Việt Nam cũng là một quốc gia có quá trình phát triển kinh tế đặc trưng của mô hình phát triển chung nói trên và quá trình phát triển khó có thể tách rời khỏi định hướng của Chính phủ thông qua các công cụ hành chính mang tính định hướng như hạn mức tín dụng.
Thực tế ở Việt Nam
Những công cụ điều hướng dòng vốn tín dụng từ hệ thống ngân hàng được thảo luận ở trên rất tương đồng với công cụ “room” tín dụng đang vận hành ở Việt Nam, vì cơ bản nó đóng vai trò như một hạn ngạch tín dụng, nhưng thay vì cấp cho các ngân hàng thì tín dụng sẽ được trợ cấp cho các ngành nghề thiên về xuất khẩu. Thậm chí room tín dụng ở Việt Nam còn cho các ngân hàng thương mại một không gian lựa chọn rộng hơn về điều hướng của dòng vốn tín dụng vì các ngân hàng sẽ có thể tự cân đối dựa trên các phân khúc khách hàng mục tiêu.
Không chỉ nợ vay mà cách điều hướng nợ vào các khu vực kinh tế đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi cấu trúc nền kinh tế, theo quan điểm của các quốc gia phát triển theo mô hình này. Trên thực tế, việc định hướng tăng trưởng dựa trên nguồn vốn giúp Chính phủ có thể sử dụng hiệu quả nguồn lao động sẵn có của nền kinh tế ở từng khu vực. Bên cạnh đó là điều hướng dòng vốn thông qua hệ thống ngân hàng thương mại vào các ngành nghề mục tiêu, các khu vực kinh tế đã được hoạch định phát triển theo một kế hoạch dài hạn.
Mối quan hệ giữa nợ vay và sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam được thể hiện rất rõ thông qua mối tương quan giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong mỗi giai đoạn khác nhau, dòng vốn tín dụng sẽ được điều hướng vào các khu vực kinh tế hoặc các nhóm ngành nghề khác nhau để duy trì động lực tăng trưởng kinh tế. Nếu trong giai đoạn trước năm 2014, động lực tăng trưởng kinh tế chính đến từ việc dòng vốn tín dụng được đưa vào các doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế lớn thì trong giai đoạn sau đó, dòng vốn tín dụng chủ yếu được đẩy vào các mục tiêu tiêu dùng của các hộ gia đình. Điều đó cũng góp phần giải thích tại sao các ngân hàng có tỷ trọng cho vay bán lẻ cao, đặc biệt là các phân khúc mà NHNN đang muốn tác động kích thích trong giai đoạn này sẽ nhận được mức ưu tiên về room tín dụng cao hơn.
Không ai thích từ “kiểm soát” và “bao cấp”, tuy nhiên sự phát triển đặc thù của nền kinh tế châu Á khiến cho các quy luật vận hành theo cơ chế thị trường từ các nước phương Tây sẽ cần phải được áp dụng một cách linh hoạt. Lịch sử phát triển các quốc gia châu Á đã cho thấy việc kiểm soát chặt luồng vốn tín dụng từ hệ thống ngân hàng đóng vai trò quan trọng như thế nào trong việc duy trì tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế.
Lê Hoài Ân, CFA
FILI
|