Ngân hàng nào “hào phóng” với nhân viên nhất trong năm 2022?
Chi phí cho nhân viên có thể cho thấy phần nào “sức khỏe” của ngân hàng đó có tốt hay không và cả chế độ đãi ngộ dành cho những nhân viên tại nhà băng đó.
Năm 2022 được xem là dấu mốc hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, trong năm qua cũng cho thấy mức ảnh hưởng của một số sự kiện đến nền kinh tế chung như bất động sản, trái phiếu… Những yếu tố này cũng ảnh hưởng lên hoạt động của trung gian thanh toán - ngân hàng thương mại và vô hình trung ảnh hưởng lên chi phí cho nhân viên.
Nhân sự ngân hàng tăng 7%
Dữ liệu từ VietstockFinance cho thấy, tổng số nhân viên tại 26 ngân hàng trên sàn chứng khoán, tính đến 31/12/2022, là 248,492 người, tăng nhẹ 7% so với đầu năm. Trong đó, chỉ có 4/26 ngân hàng cắt giảm nhân sự với tỷ lệ rất thấp, dưới 2%.
Có đến 10 ngân hàng tăng trưởng quy mô nhân sự trên 10% và tất cả đều là ngân hàng thương mại tư nhân. Tăng trưởng cao nhất là tại ngân hàng mẹ VPBank (VPB, +29,12%), số nhân viên lên 13,017 người; kế đến là MSB (+21.71%) và BAB (+20.43%).
Xét về giá trị tuyệt đối, VPBank cũng tăng thêm nhân sự nhiều nhất với 2,936 người trong năm, kế đến là LPB (1,554 người), TPBank (1,478 người).
Ở chiều ngược lại, Sacombank (STB) cắt giảm 223 nhân sự, tương đương giảm 1.2%. Tiếp sau đó là Techcombank (TCB) giảm 167 nhân sự, ứng với giảm 1.34%.
VietinBank (CTG) là ngân hàng duy nhất trong nhóm Big 4 cắt giảm 35 nhân lực, tương đương giảm 0.14% tổng quy mô, còn lại 25,119 người tại thời điểm cuối năm.
Trong khi đó, BIDV (BID) là ngân hàng đang có quy mô lớn nhất hệ thống với 28,435 người (+4.45%). Vị trí thứ 2 thuộc về VietinBank, thứ 3 là Vietcombank (VCB) với số lượng 22,619 nhân sự, tăng 4.37%.
Nguồn: VietstockFinance
|
Chi phí cho nhân viên tăng cao theo quy mô
Lợi nhuận trong năm 2022 của các ngân hàng tăng trưởng khả quan so với năm trước, quy mô nhân sự tăng, dĩ nhiên chi phí cho nhân viên cũng tăng tương ứng.
Tính về tỷ lệ, HDBank là nhà băng tăng chi phí cho nhân viên nhiều nhất (+61%) với 4,123 tỷ đồng, chỉ tính trên ngân hàng mẹ. Xếp sau đó là BAB, tăng 43%, với 1,084 tỷ đồng chi phí cho nhân viên.
Số lượng nhân sự đông cũng đồng nghĩa với việc chi phí chi ra phải cao. Với số nhân viên cao nhất hệ thống, BIDV cũng trở thành nhà băng dành chi phí cho nhân viên nhiều nhất, gần 12,837 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với năm trước. Xếp sau đó là VietinBank và Vietcombank, lần lượt chi 11,087 tỷ đồng và 10,705 tỷ đồng.
Xếp sau nhóm quốc doanh, MB (MBB) dẫn đầu nhóm TMCP khi chi 8,154 tỷ đồng cho nhân viên trong năm và con số này đã tăng đến 22% so với năm trước. Tiếp sau là Sacombank và Techcombank (TCB) chi lần lượt 6,969 tỷ đồng và 6,515 tỷ đồng.
Chi phí cho nhân viên trong năm 2022 (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
|
Techcombank tiếp tục dẫn đầu về độ “hào phóng” cho nhân viên
Techcombank tiếp tục dẫn đầu hệ thống khi có chi phí bình quân cho nhân viên cao nhất, đạt 43.71 triệu đồng/người/tháng. Xếp ngay sau đó là 2 ngân hàng tư nhân khác: MBB (42.41 triệu đồng/người/tháng) và HDBank (41.74 triệu đồng/người/tháng).
Các nhà băng này đẩy các Big 4 ra khỏi top 3, đưa Vietcombank xuống vị trí thứ 4 với 40.28 triệu đồng/người/tháng. ACB cũng tăng lên 40.23 triệu đồng/người/tháng.
Các nhà băng có mức chi phí cho nhân viên bình quân từ 30 đến dưới 40 triệu đồng/người/tháng như MSB, VietinBank, VIB, TPBank, Sacombank…
Nhận về ít hơn một chút, bình quân từ 20 - 25 triệu đồng/người/tháng là nhân viên của các nhà băng SHB, BVB, KLB…
Được chi thấp nhất trong năm qua là nhân viên ABB, chỉ 18.79 triệu đồng/người/tháng.
Nguồn: VietstockFinance
|
Cát Lam
FILI
|