Góc nhìn 01/03: Khó lòng phục hồi?
TVSI dự báo tháng 3/2023, thị trường vẫn sẽ gặp rất nhiều khó khăn và chỉ số sẽ khó lòng chạm lại được vùng đỉnh 1,085-1,125 điểm trước đó. Xu hướng ngắn hạn của chỉ số vẫn là giảm điểm.
Bật lên vùng 1,030-1,040 trong ngắn hạn
CTCK Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (VCBS): Với diễn biến hiện tại VN-Index trong ngắn hạn có thể bật nảy lên quanh vùng điểm 1,030-1,040 nhưng rủi ro áp lực bán bất ngờ xuất hiện trở lại và vẫn tiềm ẩn rất lớn.
Dòng tiền đang co hẹp
CTCK Đông Á (DAS): Thanh khoản thị trường giảm xuống mức thấp nhất hai năm qua trong khi VN-Index có chuỗi giảm điểm sáu phiên liên tiếp và đã xuống dưới vùng hỗ trợ 1,030 điểm. Dòng tiền vào thị trường chứng khoán đang co hẹp khi hiện tượng suy giảm khối lượng khớp lệnh trở thành có xu hướng, những nhịp phục hồi khá ngắn, khó tìm kiếm lợi nhuận.
Tìm điểm cân bằng trong vùng 1,020-1,030
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC): Trong những phiên giao dịch tiếp theo, BSC kỳ vọng VN-Index có thể tìm được điểm cân bằng trong vùng 1,020-1,030.
Cân bằng tại vùng hỗ trợ 1,000-1,018
CTCK Bảo Việt (BVSC): Trong bối cảnh thanh khoản thấp như hiện tại, BVSC cho rằng thị trường sẽ tạm thời tìm được trạng thái cân bằng tại vùng hỗ trợ 1,000-1,018 điểm trong các phiên tuần này.
Rủi giảm điểm vẫn còn
CTCK Tiên Phong (TPS): Phiên 28/02, VN-Index đã chững lại đà giảm sau chuỗi 5 phiên giảm liên trước đó. Tuy nhiên, áp lực giảm điểm là vẫn còn khi sắc xanh của thị trường nhanh chóng bị thu hẹp khi chỉ số chung test lại đường SMA 100 ngày đã bị vượt qua. Cùng với đó, phiên hồi phục chưa có sự đồng thuận của thanh khoản và điều này phản ánh tâm lý e ngại của bên mua trong giai đoạn thị trường còn nhiều biến động. Ngoài ra, việc chỉ báo MACD và Relative Strength Index (RSI) duy trì tín hiệu tiêu cực phản ánh rủi ro giảm điểm trong ngắn hạn vẫn còn.
Tiếp tục giảm điểm
CTCK Yuanta Việt Nam (Yuanta): Chỉ số VN-Index vẫn có thể tiếp tục giảm và kiểm định lại vùng 985-1,000 điểm trong vài phiên tới. Ngoài ra, rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao và chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục giảm cho thấy các nhà đầu tư vẫn còn rất bi quan với diễn biến hiện tại.
Nhịp giảm ngắn hạn tiếp diễn
CTCK MB (MBS): Phiên 28/02 vẫn là phiên có mức thanh khoản thấp nhất kể từ đầu năm cho thấy nhịp giảm ngắn hạn của thị trường vẫn có thể tiếp diễn để tìm lực cầu bắt đáy.
Khó lòng phục hồi
CTCK Tân Việt (TVSI): Dự báo tháng 3 vẫn sẽ gặp rất nhiều khó khăn và chỉ số sẽ khó lòng chạm lại được vùng đỉnh 1,085-1,125 điểm trước đó. Xu hướng ngắn hạn của chỉ số vẫn là giảm điểm.
Nhà đầu tư hiện tại không nên mua mới và nên canh hạ tỷ trọng cổ phiếu ngắn hạn khi có nhịp hồi phục. Kháng cự ngắn hạn trong tuần này của chỉ số là vùng cân bằng trước đó quanh 1,030-1,035 điểm.
Trong vùng rủi ro cao
CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Trạng thái hiện tại rõ ràng thị trường đang trở nên xấu đi, xu hướng hồi phục đang yếu dần và biên độ của vùng dao động cũng rộng hơn. Xét về xu hướng ngắn hạn thị trường đang trong khu vực rủi ro cao và có nguy cơ thoát khỏi kênh hồi phục để trở lại xu hướng downtrend trung hạn, các cơ hội đầu tư ngắn hạn sẽ không đáng tin cậy trong giai đoạn này nếu như VN-Index không tiếp tục hồi phục trong các phiên tới.
Với góc nhìn trung - dài hạn, toàn bộ giai đoạn phục hồi vừa qua chỉ là một đợt phục hồi với biên độ rộng sau khi VN-Index hình thành đáy trung hạn (vùng 920-950 điểm), SHS vẫn dự báo thị trường đang trong giai đoạn hướng tới khu vực cân bằng mới để tích lũy trở lại.
Thế Mạnh
FILI
|