Bao giờ mới ngã ngũ chuyện đầu mối quản lý xăng dầu?
Quản lý giá cả và cung ứng xăng dầu là chuyện sống còn của nền kinh tế đất nước. Nhưng hiện hai bộ Công Thương và Tài chính cứ đẩy trách nhiệm qua lại, không bộ nào chịu nhận. Trong khi đó, chủ sở hữu của hàng ngàn cửa hàng xăng dầu trên toàn quốc đã phải kêu cứu lần thứ nhì đến Chính phủ.
Trước tình hình biến động xăng dầu về nguồn cung, giá cả và các bất cập trong hệ thống phân phối, Chính phủ đã giao các bộ ngành rà soát để sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu cho phù hợp với tình hình mới.
Trong quá trình soạn dự thảo các văn bản pháp quy này – do Bộ Công Thương chủ trì – “trách nhiệm” làm đầu mối quản lý xăng dầu được hai bộ Công Thương và Tài chính có ý kiến qua lại từ cuối năm ngoái đến nay và chưa rõ bao giờ mới ngã ngũ.
Đầu tháng 11-2022, Bộ Tài chính đề nghị giao toàn diện vấn đề xăng dầu về cho Bộ Công Thương quản lý, kể cả quyết định giá và chi phí định mức. Theo Bộ Tài chính, việc chuyển quản lý xăng dầu về một đầu mối sẽ tránh được sự chồng chéo, tạo sự chủ động hơn trong điều hành.
Sau đề nghị này, đến đầu năm 2023, trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu đang được lấy ý kiến, Bộ Công Thương đề xuất trao lại quyền điều hành xăng dầu về Bộ Tài chính còn Bộ Công Thương sẽ phối hợp thực hiện.
Vài ngày sau đề xuất của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính tiếp tục nêu ý kiến cho rằng nên giao về đầu mối là Bộ Công Thương và Bộ Tài chính chỉ kiểm tra theo quy định.
Đến đầu tháng 2 năm nay, trong dự thảo tờ trình sửa đổi hai nghị định nói trên, Bộ Công Thương tiếp tục giữ quan điểm giao toàn bộ điều hành giá xăng dầu và tính toán các chi phí kinh doanh cho Bộ Tài chính(*).
Mới đây nhất, hôm 4-2, trong văn bản gửi tới Bộ Công Thương, Bộ Tài chính tiếp tục bảo lưu quan điểm giao thống nhất đầu mối quản lý giá xăng dầu về Bộ Công Thương.
Trong khi đó, đầu tháng 2 này, 250 doanh nghiệp gửi đơn kêu cứu lần thứ hai đến Thủ tướng Chính phủ. Các đơn kiến nghị khẩn cấp về những bất ổn của thị trường và nêu rõ một số quy định về kinh doanh xăng dầu đang khiến họ lỗ nặng, thậm chí kiệt quệ. Đây là những doanh nghiệp bán lẻ đang sở hữu gần 9.000 cửa hàng xăng dầu trên cả nước.
Trước đó, hồi tháng 7-2022, đơn kêu cứu lần thứ nhất của 36 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở TPHCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã được gửi đến Chính phủ. Không chỉ phản ánh tình hình kinh doanh xăng dầu thời gian qua, các doanh nghiệp còn đề xuất nhiều giải pháp để chấm dứt tình trạng bất ổn của thị trường xăng dầu.
Trước những kiến nghị của doanh nghiệp và bất cập của thị trường xăng dầu, trong năm 2022 Chính phủ đã giao các bộ ngành rà soát để sửa đổi Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu. Thế nhưng cho đến nay, bản dự thảo sửa đổi vẫn chưa thể hoàn thành vì trách nhiệm đầu mối quản lý xăng dầu vẫn chưa có bộ nào chịu nhận.
Nếu tình hình này cứ tiếp tục thì không biết đến bao giờ bản dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu mới hoàn thành để trình lên Chính phủ, Quốc hội phê duyệt. Và quan trọng hơn, đến lúc đó không biết có thêm bao nhiêu doanh nghiệp xăng dầu phải bỏ cuộc vì không còn sức chịu đựng lỗ lã do những bất cập như họ đã trình bày trong đơn “kêu cứu.
Song Nghi
TBKTSG
|