IEA: Thị trường dầu có thể nhận cú huých nhu cầu từ Trung Quốc
Kinh tế Trung Quốc có thể hồi phục mạnh hơn dự báo và từ đó thúc đẩy nhu cầu dầu và khí thiên nhiên, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Trong một cuộc phỏng vấn, Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết có một số "dấu hiệu" từ Trung Quốc cho thấy tăng trưởng sẽ tăng tốc nhanh hơn so với kỳ vọng trước đó và quốc gia này dự kiến đóng góp khoảng một nửa mức tăng dự báo về nhu cầu dầu mỏ toàn cầu, gần 2 triệu thùng/ngày trong năm nay.
“Nhu cầu có thể cao hơn nếu nền kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh hơn chúng ta nghĩ”, Birol cho biết trước thềm diễn đàn năng lượng kéo dài 3 ngày dự kiến khai mạc vào ngày 06/02. “Nhu cầu dầu và LNG toàn cầu sẽ tăng lên.”
Ông cho biết mức tiêu thụ nhiên liệu máy bay ở Trung Quốc đã “rất mạnh” và điều đó có khả năng làm tăng nhu cầu dầu nói chung nếu nó tiếp tục tăng với tốc độ hiện nay.
Birol cho biết, nhu cầu tăng của Trung Quốc cũng sẽ có tác động lớn đến khí đốt tự nhiên hóa lỏng vì nguồn cung hiện đang được đưa ra thị trường đang ở một trong những mức thấp nhất trong lịch sử theo dữ liệu của IEA.
Giá dầu giảm 3 tháng liên tiếp vì lo ngại về các kho dự trữ của Mỹ gia tăng và sự không chắc chắn về nhu cầu. Cũng có một số lo ngại về tốc độ phục hồi của Trung Quốc, với dữ liệu cho thấy sự suy yếu vẫn tồn tại giữa các nhà sản xuất cũng như doanh số bán ô tô và nhà ở.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh của họ sẽ vẫn “cực kỳ thận trọng” về việc tăng sản lượng dầu cho thị trường cho đến khi có bằng chứng về nhu cầu tăng cao, RBC Capital Markets LLC cho biết trong một báo cáo tuần trước.
Theo ông Birol, mức giá trần mới đối với dầu Nga, bao gồm cả dầu diesel, đã được G7 và EU áp đặt vào ngày 05/02/2023 có thể tạo ra một số khó khăn ban đầu về nguồn cung khi dòng chảy thương mại bị điều chỉnh. Ông cho biết, Ấn Độ sẽ có cơ hội tăng xuất khẩu dầu diesel trong những tháng tới.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|