Chi phí giao nhận tăng mạnh, doanh nghiệp cần thêm 500 tỷ USD vốn lưu động
Lãi suất cao, giá cả biến động mạnh và xung đột Nga – Ukraine leo thang khiến chi phí giao nhận hàng hoá tăng đang kể, buộc các doanh nghiệp trong ngành phải tìm cách huy động thêm 300 – 500 tỷ USD vốn lưu động để duy trì việc vận chuyển nguyên liệu thô trên khắp thế giới.
Theo một nghiên cứu mới của công ty tư vấn McKinsey, các mô hình thương mại đang thay đổi, khiến dòng chảy nguyên liệu thô toàn cầu trở nên kém hiệu quả hơn và đắt đỏ hơn, đồng thời có thể đẩy giá hàng hóa đến tay người tiêu dùng lên cao.
Roland Rechtsteiner, đối tác của McKinsey và là tác giả chính của nghiên cứu này, cho biết: “Kể từ cuối năm 2020, chúng tôi nhận thấy yêu cầu về vốn lưu động tăng gấp đôi trong lĩnh vực giao nhận hàng hóa. Chúng ta có thể thấy mức tăng tương tự vào cuối năm 2024, nếu dòng chảy thương mại tiếp tục thay đổi”.
Lĩnh vực giao nhận hàng hóa, tức là hoạt động vận chuyển các nguyên liệu thô như dầu, khí đốt, đường và vàng trên khắp thế giới, là động lực của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, chi phí tài chính (gồm giá, lãi suất và các chi phí liên quan tới việc vay vốn) cần thiết để vận chuyển những hàng hóa này đã tăng lên đáng kể do giá cả biến động và lãi suất tăng.
Quan trọng nhất là cuộc xung đột Nga - Ukraine đã gây ra sự thay đổi sâu sắc trong dòng chảy thương mại toàn cầu, khiến các tuyến đường vận chuyển dài hơn, kém hiệu quả hơn.
Một ví dụ là than đá, với giá đã tăng gần gấp 3 lần trong năm qua. Châu Âu đang nhập khẩu than từ Colombia, Nam Phi, Australia và những nơi khác, thay thế nguồn than trước đây được nhập khẩu từ Nga. Khi hàng hóa phải đi xa hơn, chi phí tài chính cũng tăng lên.
Ông Rechtsteiner cho biết: “Năm nay, các tuyến thương mại truyền thống đã thay đổi. Điều đó đẩy chúng tôi vào tình thế dưới mức tối ưu về mặt hiệu quả và làm tăng chi phí”.
Báo cáo của McKinsey dự đoán thời gian vận chuyển trung bình sẽ tăng 8%, giá năng lượng tăng gấp 3 lần và chi phí lãi vay sẽ tăng gấp 7 lần từ cuối năm 2020 đến năm 2024. Kết quả, yêu cầu vốn lưu động cho giao dịch hàng hóa trên toàn cầu sẽ tăng 300 - 500 tỷ USD.
Trong năm qua, ngay cả những công ty thương mại lớn nhất thế giới cũng phải tăng hạn mức tín dụng và tìm kiếm các nguồn tài chính mới. Trafigura đã tăng hạn mức tín dụng thêm 7 tỷ USD lên khoảng 73 tỷ USD vào cuối năm 2021.
Trong khi đó, Glencore tiết lộ rằng nửa đầu năm 2022, họ phải gửi thêm 2 tỷ USD để đáp ứng các yêu cầu ký quỹ trên các sàn giao dịch hàng hóa. Việc này làm tăng đáng kể vốn lưu động trong giai đoạn đó.
Các chính phủ đã phải hỗ trợ khẩn cấp hạn mức tín dụng cho các công ty điện, đặc biệt là ở châu Âu, nơi giá điện và khí đốt biến động mạnh trong năm qua. Từ Đức đến Áo và Phần Lan, các chính phủ đã can thiệp để hỗ trợ cấp hạn mức tín dụng cho các nhà sản xuất và nhà cung cấp điện vốn phải đáp ứng yêu cầu ký quỹ cao hơn do biến động giá.
Theo ông Rechtsteiner, quá trình chuyển đổi từ dầu khí sang điện và năng lượng tái tạo có thể làm trầm trọng thêm quá trình “khu vực hóa” dòng chảy thương mại hàng hóa.
Kim Dung (Theo FT)
FILI
|