Anh: Số công ty vỡ nợ cao kỷ lục kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2009
Số liệu của Cơ quan dịch vụ phá sản (IS) của Anh cho thấy nước này có tới 22.100 công ty đăng ký mất khả năng thanh toán trong năm 2022, tăng hơn 57% so với năm 2021 và là con số cao nhất kể từ 2009.
Trung tâm tài chính London. (Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Theo số liệu công bố ngày 31/1, số lượng các công ty vỡ nợ tại Anh đã đạt mức cao kỷ lục kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009 khi lạm phát và lãi suất tăng cao và kinh tế trì trệ tác động nặng nề đến các doanh nghiệp.
Số liệu của Cơ quan dịch vụ phá sản (IS) của Chính phủ Anh cho thấy nước này có tới 22.100 công ty đăng ký mất khả năng thanh toán trong năm 2022, tăng hơn 57% so với năm 2021 và là con số cao nhất kể từ năm 2009.
Bà Christina Fitzgerald, Chủ tịch tổ chức tái cơ cấu và phá sản R3, cảnh báo "2022 là năm bùng nổ phá sản" sau khi kết thúc thời kỳ các công ty được chính phủ hỗ trợ để duy trì hoạt động trong thời gian đại dịch.
Theo dữ liệu của IS, ngành xây dựng, bán lẻ và khách sạn đặc biệt chịu tác động nặng nề do kinh tế trì trệ và niềm tin tiêu dùng giảm sút. Ngày 31/1, nhà bán lẻ Paperchase trở thành công ty mới nhất mất khả năng thanh toán và phải chịu sự kiểm soát từ cơ quan chức năng. Thương hiệu của công ty này đã được chuỗi siêu thị Tesco mua lại.
Theo bà Catherine Atkinson, Giám đốc tái cơ cấu, tập đoàn PwC, số đơn các chủ nợ yêu cầu tòa án đóng cửa doanh nghiệp đã tăng 4 lần trong năm 2022 so với năm 2021.
Cũng trong ngày 31/1, các tập đoàn đại diện cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực khách sạn và sản xuất đưa ra cảnh báo trước một Ủy ban Quốc hội rằng nhiều doanh nghiệp Anh sẽ phá sản khi gói hỗ trợ năng lượng của chính phủ bị cắt giảm vào tháng Tư.
Bà Samantha Keen, Chủ tịch Hiệp hội hành nghề phá sản (IPA), cho biết áp lực chuỗi cung ứng, lạm phát và giá năng lượng cao đã tạo ra thách thức mà nhiều nhà quản lý doanh nghiệp lần đầu tiên phải đối mặt cùng một lúc, nhấn mạnh vấn đề này hiện đang trở nên sâu sắc và lan rộng ra tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế khi niềm tin giảm sút ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư, gia hạn hợp đồng và khả năng tiếp cận tín dụng.
Trong năm 2022, tình trạng vỡ nợ cá nhân cũng đạt mức cao nhất trong vòng ba năm do cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và tiền lương thực tế giảm ảnh hưởng đến tài chính cá nhân.
Một dấu hiệu khác cho thấy nền kinh tế Anh đang chững lại khi số liệu của Ngân hàng trung ương Anh (BoE) công bố ngày 31/1 cho thấy số đơn thế chấp mua nhà được các tổ chức cho vay phê duyệt trong tháng 12/2022 giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2020.
Theo BoE, các tổ chức cho vay phê duyệt 35.600 đơn thế chấp mua nhà vào tháng 12/2022, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 45.000 đơn và thấp hơn mức 46.200 đơn trong tháng 11/2022, đồng thời là mức giảm hàng tháng thứ tư liên tiếp. Số đơn thế chấp mua nhà tại Anh đã giảm gần một nửa kể từ khi đạt 74.300 đơn vào tháng 8/2022 và thấp hơn nhiều so với mức 107.095 đơn vào tháng 11/2020.
BoE cho biết ngoại trừ thời điểm bắt đầu lệnh phong tỏa phòng dịch COVID-19 vào tháng 5/2020 khiến thị trường nhà đất ở Anh đình trệ, tỷ lệ phê duyệt đơn thế chấp đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2009.
BoE cho biết tỷ lệ lãi suất thực tế trả cho các khoản thế chấp mới đã tăng gần 3,7% vào tháng 12/2022, mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ khi ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 12/2021.
Chi phí thế chấp gia tăng theo sau các đợt tăng lãi suất của BoE trong nỗ lực kiềm chế lạm phát. BoE dự kiến sẽ tiếp tục nâng lãi suất lên mức 4% vào ngày 2/2, sau khi quyết định tăng lãi suất lên 3,5% vào tháng 12/2022, mức cao nhất trong 14 năm.
Chuyên gia kinh tế tại công ty tư vấn R$M UK, Thomas Pugh, cho biết tỷ lệ vay giảm cho thấy sau một thời gian hồi phục, chi tiêu tiêu dùng có thể đã yếu đi vào cuối năm, nhận định điều này làm tăng khả năng nguy cơ tăng trưởng kinh tế giảm trong quý 4/2022 và rơi vào suy thoái./.
Minh Hợp
Vietnam+
|