Khối ngoại trở lại với chứng khoán Trung Quốc, mua ròng 9.5 tỷ USD
Nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh mua cổ phiếu Trung Quốc trong năm 2023, khi đà tăng kéo dài nhiều tuần buộc các nhà quản lý quỹ rút lại các vị thế giảm giá.
Trong 9 phiên giao dịch đầu năm 2023, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 64 tỷ Nhân dân tệ (9.5 tỷ USD), cổ phiếu Trung Quốc thông qua kênh liên kết chứng khoán với Hồng Kông. Trong khi đó, cả năm 2022, khối ngoại chỉ mua ròng 90 tỷ Nhân dân tệ, mức thấp nhất kể từ năm 2017.
Các nhà phân tích cho biết nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn lo lắng về triển vọng của Trung Quốc nhưng đã “quay xe” vì đợt phục hồi kéo dài của thị trường kể từ đầu tháng 11/2022. Một số quỹ đang chốt các vị thế bán khống. Những chuyên gia khác đang nâng sở hữu ở những cổ phiếu có tỷ trọng thấp.
“Tôi không nói là tâm lý nhà đầu tư hay vị thế của họ đã trở lại mức trung lập”, Jian Shi Cortesi, người quản lý khối tài sản 400 triệu USD tại GAM Investment (có trụ sở ở Zurich), cho hay.
Bà cho biết khối ngoại vẫn “duy trì tỷ trọng rất thấp với cổ phiếu Trung Quốc. Nhưng khi cổ phiếu Trung Quốc bắt đầu hồi phục và bạn vẫn giữ tỷ trọng thấp, bạn sẽ bị tổn thương”.
Tâm lý bi quan về cổ phiếu Trung Quốc lên đến đỉnh điểm quanh khoảng thời gian Chủ tịch Tập Cận Bình tái cử nhiệm kỳ thứ 3 trong tháng 10/2022. Hồi tháng 9/2022, khoản nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc giảm xuống dưới 4% tổng vốn hóa toàn thị trường, theo dữ liệu mới nhất từ NHTW Trung Quốc.
Sau đó, tâm lý nhà đầu tư đã chuyển hướng sau khi chính sách Zero COVID đột ngột thay đổi vì trước đó, các nhà đầu tư cho rằng Trung Quốc sẽ không mở cửa kinh tế trong nhiều tháng. Nhà đầu tư cũng tỏ ra phấn khởi khi Bắc Kinh phát tín hiệu chấm dứt chiến dịch chấn chỉnh lĩnh vực Internet.
CSI 300 của Trung Quốc đã tăng khoảng 16% kể từ khi chạm mức thấp nhất năm 2022 là 3,541.33 vào cuối tháng 10/2022 (tại mức này, chỉ số đã giảm gần 40% so với đầu năm 2022). Sau khi rơi xuống đáy hồi tháng 10, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông đã tăng trở lại khoảng 48%.
Cũng đã có dấu hiệu tan băng trên thị trường chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) ở Hồng Kông – một địa điểm niêm yết phổ biến của các công ty Trung Quốc. Kể từ cuối tháng 12, 4 trong số 6 đợt IPO của các công ty Trung Quốc đại lục ở Hồng Kông được nhà đầu tư đăng ký mua vượt mức dự kiến, một điều hiếm thấy vào năm 2022.
Robert Buckland, Giám đốc chiến lược cổ phiếu toàn cầu tại Citi Investment Research, nói trong một hội thảo trực tuyến vào tuần trước rằng các khách hàng của ông ở Singapore bớt lo lắng hơn về việc Trung Quốc trở thành một thị trường "không thể đầu tư”.
Buckland cho biết mặc dù ông thận trọng về nền kinh tế Trung Quốc, nhưng "điều đó không có nghĩa là không thể có 6 tháng tốt cho thị trường tài sản Trung Quốc".
Nicholas Yeo, Trưởng bộ phận cổ phiếu Trung Quốc tại Abrdn, cho biết vẫn còn nhiều hoài nghi từ các nhà đầu tư đối với chứng khoán Trung Quốc - bao gồm cả tác động từ dịch COVID. Trong một chuyến đi tới châu Âu gần đây, ông cho biết các nhà đầu tư bị mất tiền vì các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm đáp trả việc Nga tiến quân vào Ukraine cũng tỏ ra lo ngại về mối quan hệ của Bắc Kinh với Moscow.
Hugues Rialan, Giám đốc đầu tư và Trưởng bộ phận quản lý danh mục đầu tư khu vực châu Á tại Pictet Wealth Management, cho biết công ty của ông sẽ không lập tức tăng cường tỷ trọng cổ phiếu Trung Quốc mặc dù kỳ vọng Trung Quốc có thể mang lại lợi nhuận tốt nhất so với bất kỳ thị trường chứng khoán lớn nào vào năm 2023.
Rialan chỉ ra rằng giai đoạn hồi phục đầu tiên của thị trường Trung Quốc được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư đảo ngược vị thế từ bán sang mua. Ông cho biết các nhà đầu tư dài hạn đang "dần dần quay trở lại."
Chris Leung, Chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ngân hàng DBS, cho biết con đường phục hồi của Trung Quốc còn nhiều điều chưa biết, bao gồm khả năng hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng đã thay đổi theo cách có thể kìm hãm giá cổ phiếu.
Trước đó, một báo cáo nghiên cứu của ngân hàng ANZ cho biết khó có khả năng việc Trung Quốc tái mở cửa sẽ khuyến khích những người tiêu dùng né tránh rủi ro chi tiêu nhiều hơn tiền gửi ngân hàng của họ – vốn đã tăng thêm 7 ngàn tỷ Nhân dân tệ vào năm 2022. Họ là những người bị tác động bởi sự suy giảm của lĩnh vực bất động sản trong giai đoạn áp dụng các biện pháp chống dịch COVID.
Khách du lịch Trung Quốc cũng không đổ xô đến Hồng Kông, một điểm đến mua sắm nổi tiếng, sau khi các hạn chế kiểm dịch được dỡ bỏ ở Trung Quốc đại lục. Nhiều người đã đi từ Hông Kông đến Trung Quốc đại lục hơn là theo chiều ngược lại. Theo dữ liệu nhập cư của Hồng Kông, hơn 32,000 người đã đi từ Hồng Kông đến Trung Quốc đại lục sau khi cửa khẩu biên giới mở cửa trở lại vào ngày 08/01.
"Đó là một quan niệm sai lầm khi đánh đồng sự phục hồi nhanh chóng của chứng khoán với tốc độ phục hồi tương tự trong nền kinh tế”, Leung nói.
Vũ Hạo (Theo Nikkei Asia)
FILI
|