Các quỹ quản lý tài sản có năm tồi tệ nhất 100 năm
Các quỹ quản lý tài sản đã trải qua một trong những năm tồi tệ nhất trong 100 năm qua khi lợi nhuận bị ảnh hưởng bởi lạm phát cao và làn sóng bán tháo cổ phiếu, trái phiếu.
Năm 2022, việc lạm phát duy trì ở mức cao trong thời gian dài trở thành thách thức lớn đối với các quỹ quản lý tài sản, đẩy họ vào tình thế chưa từng gặp trong nhiều thập kỷ qua. Những thiệt hại trên thị trường tài chính trong cả năm 2022 đã làm thay đổi hiểu biết thông thường về việc cân bằng danh mục đầu tư giữa cổ phiếu và tài sản có thu nhập cố định.
“Năm nay là một trong những năm tài sản bị huỷ hoại nghiêm trọng nhất trong gần 100 năm qua. Nói một cách đơn giản, nhiều nhà đầu tư cá nhân có thể đã mất hơn 1/4 tài sản thực tế đã điều chỉnh theo lạm phát của họ”, Renaud de Planta, người đứng đầu Pictet – quỹ 217 tuổi của Thuỵ Sĩ quản lý khối tài sản trị giá 635 tỷ USD, dẫn ví dụ về danh mục đầu tư được phân bổ đều vốn cho trái phiếu và cổ phiếu.
Các danh mục đầu tư tiêu chuẩn bị thua lỗ vì cả cổ phiếu và trái phiếu ghi nhận mức giảm hai con số trong năm ngoái. Hai loại tài sản này thường biến động ngược chiều nhau và tạo ra sự đối trọng với nhau trong danh mục.
Theo Stéphane Monier, CEO ngân hàng tư nhân Lombard Odier trị giá 300 tỷ USD, 2022 là một trong 3 năm duy nhất kể từ năm 1926 mà cả cổ phiếu và trái phiếu đều thua lỗ đáng kể.
Chỉ số MSCI World theo dõi thị trường chứng khoán toàn cầu đã giảm 14% kể từ tháng 01/2022, tính theo đồng USD. Chỉ số theo dõi trái phiếu toàn cầu của Bloomberg cũng ghi nhận mức giảm tương tự.
Thị trường cổ phiếu toàn cầu giảm trong năm 2022
Mỗi khách hàng của một quỹ quản lý tài sản thông thường ở Vương quốc Anh sẽ thấy danh mục đầu tư của họ lỗ gần 20%, đã điều chỉnh theo lạm phát, kể từ đầu năm ngoái đến ngày 15/12/2022, theo công ty nghiên cứu Asset Risk Consultants (ARC). Công ty này theo dõi lợi nhuận của các chiến lược đầu tư do hơn 100 quỹ quản lý tài sản tại Vương quốc Anh sử dụng.
Nếu không tính lạm phát, danh mục của các quỹ quản lý tài sản thông thường lỗ 10% trong năm ngoái, theo ARC.
Graham Harrison, Giám đốc điều hành của ARC, cho biết: “Trong bối cảnh hầu hết loại tài sản đều sụt giảm, ngoại trừ năng lượng và hàng hóa, có rất ít cơ hội để các nhà đầu tư tránh được thua lỗ”.
Các quỹ quản lý đã cố gắng tìm kiếm những tài sản không tương quan với cổ phiếu và trái phiếu.
Ông Monier của ngân hàng Lombard Odier cho biết các quỹ phòng hộ, đặc biệt là quỹ có danh mục thu lợi từ sự biến động, đã giúp nhà đầu tư tăng lợi nhuận trong năm nay. Còn các quỹ quản lý khác nói rằng họ đã chuyển sang đầu tư vào hàng hóa và vàng.
Trước đây, nhà đầu tư khôn ngoan thường cho rằng danh mục nặng về trái phiếu sẽ thua lỗ ít hơn trong thời kỳ thị trường đi xuống. Tuy nhiên, trong năm 2022, nhiều danh mục đầu tư có trái phiếu chiếm tỷ trọng lớn lại hoạt động kém hơn danh mục nặng về cổ phiếu. Nói cách khác, việc lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ qua và triển vọng lãi suất lên cao hơn nữa là hai yếu tố đặc biệt tiêu cực đối với trái phiếu.
Ông Monier của Lombard Odier cho biết công ty của ông thích thiết kế các danh mục đầu tư riêng. Ví dụ, một doanh nhân công nghệ vừa bán công ty của anh ta với giá 250 triệu USD. Anh ta muốn có thu nhập hàng năm là 3 triệu USD và muốn mua một bất động sản trị giá hàng triệu USD ở Florida. Ngân hàng sẽ phân bổ một phần tiền của anh ta vào trái phiếu Chính phủ để tạo thu nhập ổn định hàng năm, đồng thời đưa một phần tiền mặt vào các khoản đầu tư rủi ro hơn để tích luỹ tiền cho việc mua bất động sản.
Nếu nhà đầu tư hiểu rõ họ muốn gì từ danh mục của mình, khả năng họ bán tài sản trong thời kỳ suy thoái sẽ ít hơn, theo nhận định từ các quỹ quản lý tài sản.
Ông Monier nói: “Trong một cuộc khủng hoảng tài chính, một khách hàng bình thường, mà không phải là chuyên gia tài chính, sẽ thất vọng vì thua lỗ 8% và cắt lỗ, và như vậy, họ đồng thời bỏ lỡ sự phục hồi”.
Danh mục kém hiệu quả cũng buộc các quỹ quản lý phải dành nhiều thời gian đối mặt với khách hàng để ngăn chặn những động thái hoảng loạn.
Các thị trường có xu hướng bù lỗ trong thời gian dài hơn, song lạm phát tăng đột ngột lại đặt ra một thách thức đặc biệt, một thách thức mà họ chưa từng phải đối mặt một cách nghiêm túc trong nhiều thập kỷ qua. Lạm phát tăng lên gần 10% có nghĩa là các nhà quản lý phải bắt đầu năm 2023 một cách chậm rãi hơn nhưng cần mang lại hiệu suất cao hơn nhiều chỉ để hòa vốn.
Kim Dung (Theo FT)
FILI
|