Dầu tăng 3% lên cao nhất trong 1 tuần
Giá dầu tăng hơn 3% lên mức cao nhất trong 1 tuần vào ngày thứ Tư (11/01), khi hy vọng về triển vọng kinh tế toàn cầu được cải thiện và lo ngại về tác động của các biện pháp trừng phạt đối với sản lượng dầu thô của Nga lấn át sự gia tăng bất ngờ dự trữ dầu thô của Mỹ.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng dầu Brent tiến 2.46 USD (tương đương 3.1%) lên 82.56 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 2.33 USD (tương đương 3.1%) lên 77.45 USD/thùng.
Cả 2 hợp đồng dầu đều khép phiên ở mức cao nhất kể từ ngày 30/12/2022, với dầu WTI có 5 phiên tăng liên tiếp lần đầu tiên kể từ tháng 10/2022 và dầu Brent có 3 phiên tăng liên tiếp lần đầu tiên kể từ tháng 12/2022.
Chứng khoán toàn cầu tăng điểm nhờ hy vọng rằng lạm phát tại Mỹ và số liệu lợi nhuận công bố vào ngày thứ Năm (12/01) sẽ cho thấy một nền kinh tế có khả năng phục hồi và tốc độ nâng lãi suất sẽ chậm hơn.
Các chuyên gia phân tích cho biết nếu lạm phát thấp hơn kỳ vọng, điều đó sẽ khiến đồng USD suy yếu, điều này có thể thúc đẩy nhu cầu dầu vì nó làm hàng hoá này trở nên ít đắt đỏ hơn đối với người mua đang nắm giữ những đồng tiền khác.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ nâng lãi suất mục tiêu lần cuối tại cuộc họp ngày 31/01 – 01/02, tăng 50 điểm cơ bản lên phạm vi 4.75% - 5.00%, HSBC cho biết.
Phần lớn sự lạc quan trên thị trường là do quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế sau khi chấm dứt các biện pháp kiểm soát COVID-19 nghiêm ngặt.
Trong khi đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô tại Mỹ vọt 19.0 triệu thùng trong tuần trước, đánh dấu tuần tăng mạnh thứ 3 từ trước đến nay và cao nhất kể từ khi ghi nhận kỷ lục dự trữ dầu vọt 21.6 triệu thùng hồi tháng 02/2021. Dự trữ dầu thô tại Mỹ bất ngờ tăng mạnh vào tuần trước là do các nhà máy lọc dầu chậm khôi phục sản xuất sau khi bị tạm ngừng hoạt động vì thời tiết đóng băng lạnh giá vào cuối tháng 12/2022.
Dữ liệu công bố hoàn toàn trái ngược với dự báo giảm 2.2 triệu thùng từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones và cao hơn nhiều so với dự báo tăng 14.9 triệu thùng từ Viện Xăng dầu Mỹ (API).
Mức trần giá quốc tế áp đặt đối với dầu thô Nga có hiệu lực vào ngày 05/12/2022 và nhiều biện pháp hạn chế khác nhằm vào doanh số bán sản phẩm dầu của Nga sẽ có hiệu lực vào tháng tới khi Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục thực hiện thêm nhiều biện pháp trừng phạt đối với Moscow về cuộc xung đột Ukraine.
Dẫu vậy, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak phát biểu các nhà sản xuất dầu của Nga không gặp khó khăn gì trong việc đảm bảo các thoả thuận xuất khẩu bất chấp các lệnh trừng phạt và trần giá dầu của phương Tây.
An Trần (theo CNBC)
FILI
|