Thứ Hai, 09/01/2023 13:30

Bộ Công Thương không muốn bỏ quỹ bình ổn xăng dầu

Theo Bộ Công Thương, quỹ bình ổn giá xăng dầu là công cụ linh hoạt duy nhất để Nhà nước điều hành mức tăng giảm giá. Nếu bỏ quỹ này đồng nghĩa với việc bỏ điều hành giá xăng dầu.

Nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu vì không hiệu quả. Ảnh: Việt Linh.

Trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2013 về kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến, cơ quan này có đề cấp đến vấn đề quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Bộ này cho biết có một số ý kiến cho rằng nên bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu vì không hiệu quả. Tuy nhiên, theo ý kiến của Bộ Công Thương, do quỹ bình ổn giá mặt hàng này là công cụ linh hoạt duy nhất để Nhà nước có thể điều hành mức tăng giảm giá xăng dầu trong từng kỳ điều hành.

Nếu bỏ quỹ bình ổn giá sẽ đồng nghĩa với việc bỏ điều hành giá xăng dầu. Bộ Công Thương cho rằng quỹ này vừa qua đã phát huy hiệu quả tác dụng trong việc tạo nên một "bước đệm" góp phần bình ổn giá, kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô.

Duy trì quỹ bình ổn giá nhưng có sửa đổi

Theo đó, cơ quan quản lý chọn phương án vẫn duy trì quỹ bình ổn giá xăng dầu, tuy nhiên có sửa đổi theo hướng quy định nguyên tắc sử dụng quỹ. Theo đó, cơ quan quản lý chỉ can thiệp điều hành giá thông qua trích lập, chi quỹ khi giá xăng dầu tăng từ 10% trở lên hoặc giảm 7% trở lên so với kỳ công bố giá liền trước.

Bộ Công Thương đánh giá ưu điểm của phương án này là Nhà nước vẫn có công cụ điều hành khi cần thiết nhưng giảm dần sự can thiệp vào giá xăng dầu, đưa mặt hàng này dần vận hành theo thị trường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn phải trích lập, chi quỹ bình ổn theo chỉ đạo điều hành của Nhà nước...

Bên cạnh đó, công thức tính giá cơ sở thay đổi theo hướng Nhà nước chỉ công bố giá định hướng, gồm các yếu tố như giá thế giới, thuế, lợi nhuận định mức, các chi phí khác do doanh nghiệp tự xác định và chịu trách nhiệm trước cơ quan kiểm toán.

quỹ bình ổn xăng dầu ảnh 1

Năm 2022 là năm biến động lớn của giá, nguồn cung xăng dầu trong nước. Ảnh: Duy Hiệu.

Về công tác điều hành giá xăng dầu, trong dự thảo, Bộ Công Thương muốn trao lại quyền điều hành giá xăng dầu về Bộ Tài chính.

Theo đó, cơ quan này cho biết hiện nay theo chức năng nhiệm vụ được giao tại các Luật và Nghị định liên quan đến công tác quản lý với mặt hàng xăng dầu gồm: Quản lý về lĩnh vực giá do Bộ Tài chính chủ trì; Quản lý về chất lượng, tiêu chuẩn xăng dầu do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì; Quản lý về phòng chống cháy nổ do Bộ Công an chịu trách nhiệm...

Theo ý kiến của Bộ Công Thương, nếu giữ nguyên các quy định hiện hành, cơ quan này cho rằng quản lý với xăng dầu sẽ đúng với phân công nhiệm vụ của các bộ từ nhiều năm qua. Trong điều hành giá xăng dầu, Bộ Tài chính rà soát, hướng dẫn xác định các chi phí và công bố cho Bộ Công Thương tính toán giá cơ sở.

Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là khi có vấn đề phát sinh cần có sự phối hợp giữa các Bộ, ngành để cùng xử lý.

Do đó, Bộ Công Thương cho rằng nên giao toàn bộ việc điều hành giá xăng dầu và tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu cho Bộ Tài chính chủ trì thực hiện. Bộ Công Thương sẽ phối hợp theo chức năng nhiệm vụ được giao nhằm tập trung việc quản lý điều hành giá về một đầu mối.

"Tuy nhiên, nếu Bộ Tài chính là đầu mối cũng có nhược điểm là việc điều hành giá sẽ tách xa việc điều hành cung cầu xăng dầu nên sẽ có những bất ổn khi lợi ích giữa các chủ thể trên thị trường không được hài hòa. Đồng thời không có sự độc lập khách quan trong xác định, phản ánh các chi phí kinh doanh xăng dầu trong giá cơ sở", cơ quan soạn thảo nhìn nhận.

Doanh nghiệp tự đàm phán về mức chiết khấu

Liên quan đến mức chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đề xuất không quy định cụ thể mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu để doanh nghiệp chủ động đàm phán với nhau cho phù hợp và linh hoạt với biến động cung cầu của thị trường trong từng giai đoạn.

"Ưu điểm của phương án này là đảm bảo sự chủ động giữa các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, không làm tăng giá cơ sở mặt hàng xăng dầu ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, khi kinh doanh gặp khó khăn, các đại lý sẽ tiếp tục kiến nghị về quyền lợi của họ bất chấp việc các đơn vị cấp hàng đang bị lỗ", Bộ đánh giá.

quỹ bình ổn xăng dầu ảnh 2

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ thua lỗ nặng khi chiết khấu về mức thấp. Ảnh: Việt Linh.

Cơ quan quản lý cho rằng phương án này sẽ đảm bảo hài hòa lợi ích trong từng giai đoạn, phù hợp với cung cầu xăng dầu trên thị trường trong từng thời điểm, có sự chia sẻ khó khăn giữa các đại lý và đơn vị cung cấp xăng dầu.

Trường hợp nhằm đảm bảo lợi ích của các cửa hàng bán lẻ, khi ký kết hợp đồng, các đại lý cần đưa ra các điều khoản về mức chiết khấu tối thiểu với đơn vị cấp hàng.

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ cho biết chỉ khi mức chiết khấu khoảng 700-800 đồng/lít thì họ mới có thể có lãi. Bởi cửa hàng bán lẻ phải gánh thêm chi phí vận chuyển, nhân công, hao hụt, thuê mặt bằng giá cao...

Về nội dung cho phép đại lý bán lẻ được lấy từ nhiều nguồn, cơ quan soạn thảo của Bộ Công Thương đề xuất giữ nguyên phương án đại lý chỉ được lấy từ một nguồn nhằm phù hợp với Luật Thương mại, giúp kiểm soát chất lượng, giá bán xăng dầu.

Đại lý là đơn vị bán hàng cho bên giao đại lý theo giá do bên giao đại lý quyết định và hưởng hoa hồng. Nếu đại lý lấy từ nhiều nguồn với mức giá khác nhau, đại lý không có quyền quyết định giá bán và không biết bán theo giá của đơn vị nào.

Thanh Thương

ZING

Các tin tức khác

>   Có nên giao doanh nghiệp quyết giá bán lẻ xăng dầu? (09/01/2023)

>   Bộ Công Thương muốn chuyển việc điều hành giá xăng dầu cho Bộ Tài chính (08/01/2023)

>   TTVN Group cùng 2 đối tác Nhật nghiên cứu đầu tư nhà máy LNG tại Thái Bình (09/01/2023)

>   Đề xuất rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu (07/01/2023)

>   Điện gió ngoài khơi Việt Nam - "mỏ vàng" hút vốn ngoại (07/01/2023)

>   Bộ trưởng Công Thương: 3 tháng liền, doanh nghiệp nhập xăng dầu giá cao, bán giá thấp (07/01/2023)

>   Dầu suy giảm trong tuần đầu tiên của năm 2023 (07/01/2023)

>   Dự báo thiếu hụt 120.000 mét khối xăng dầu từ nay đến tết Nguyên đán (06/01/2023)

>   Dầu tăng gần 2% sau 2 phiên giảm đầu năm (06/01/2023)

>   Bộ Công Thương chỉ đạo khẩn về việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường (05/01/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật