Có nên giao doanh nghiệp quyết giá bán lẻ xăng dầu?
Nhà nước chỉ công bố giá định hướng, còn lại doanh nghiệp sẽ tự xác định, đưa ra giá bán lẻ xăng dầu sau khi cộng chi phí kinh doanh thực tế.
Đó là một trong những quy định mới được nêu trong dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu, đang được Bộ Công thương lấy ý kiến.
Sẽ có nhiều mức giá khác nhau
Theo dự thảo, Bộ Công thương đưa ra hai phương án liên quan giá xăng dầu. Đó là vẫn giữ cách điều hành giá xăng dầu như hiện nay, nhưng sửa công thức giá cơ sở theo hướng bổ sung một số chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp (DN) chưa được tính, như premium trong nước. Các quy định về phương thức, tần suất xác định chi phí... sẽ được rà soát để đảm bảo tính đúng, đủ vào giá cơ sở xăng dầu. Phương án 2, Bộ cho là khả thi hơn, đó là nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá, gồm giá thế giới (giá Platt’s), các loại thuế, lợi nhuận định mức, mức trích, sử dụng quỹ bình ổn giá... Từ đó, các DN sẽ dựa vào các dữ liệu trên, cộng các chi phí kinh doanh, vận chuyển, premium... để tự xác định và công bố giá bán lẻ của mình. DN tự kê khai khi thay đổi giá bán, báo cáo liên bộ Công thương - Tài chính để giám sát. Nghĩa là với phương án này, công thức tính giá cơ sở thay đổi theo hướng nhà nước chỉ công bố giá định hướng gồm các yếu tố nói trên.
|
Thị trường xăng dầu cần được thiết lập lại gần với cơ chế thị trường và tháo bỏ tư duy bao cấp trong quản lý. Đào Ngọc Thạch
|
Bộ Công thương cũng cho rằng để DN tự quyết giá bán lẻ có thể khiến thị trường có nhiều mức giá khác nhau, đặc biệt tại các thị trường có ít nhà cung ứng hoặc vùng sâu, vùng xa sẽ phát sinh chi phí, đẩy giá bán lẻ xăng dầu cao hơn. Tuy nhiên, phương án này là hướng để dần dần đưa giá xăng về sát với thị trường, giảm dần sự can thiệp của nhà nước. Bên cạnh đó, phương án này đảm bảo các chi phí trong giá xăng dầu theo thực tế phát sinh của từng DN, hạn chế đầu cơ, găm hàng và khuyến khích các DN tạo nguồn cung ổn định cho thị trường. Bộ Công thương nêu quan điểm: khi DN đầu mối được tự quyết định các chi phí kinh doanh, họ sẽ cân đối, duy trì chiết khấu trong hệ thống phù hợp với thực tế cung - cầu trên thị trường, nên vấn đề bất cập về chiết khấu được giải quyết.
Ngoài ra, dự thảo nghị định của Bộ Công thương vẫn giữ quan điểm là tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu, chỉ cần sửa quy định về nguyên tắc sử dụng quỹ. Đó là cơ quan quản lý chỉ can thiệp điều hành giá thông qua trích lập, chi quỹ khi giá xăng dầu giảm đến 7% trở lên hoặc tăng từ 10% trở lên so với kỳ công bố giá liền trước.
Không thể giao DN thống lĩnh thị trường quyết giá
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, ủng hộ để DN tự quyết giá bán lẻ xăng dầu với kỳ vọng sự bất cập về lợi nhuận tối thiểu cho DN bán lẻ sẽ được giải quyết. Tuy nhiên theo ông Việt, ngay các quy định đưa ra trong dự thảo đã có sự mâu thuẫn nhất định. Chẳng hạn cho DN tự quyết giá, vậy duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu để làm gì? Nếu vẫn duy trì quỹ là quá vô lý và hoàn toàn đi ngược kỳ vọng đưa giá xăng dầu tiến sát thị trường theo quan điểm của nhà quản lý.
Giá cả theo cơ chế thị trường phải đi đôi với tự do cạnh tranh cung - cầu và đặc biệt là tự do lựa chọn bạn hàng, đối tác. DN đầu mối tự quyết giá bán, nhưng nếu DN thống lĩnh thị trường đưa ra mức giá bán mang tính áp đặt thì phần thiệt thòi là người tiêu dùng, DN bán lẻ.
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách
|
Thứ hai, song song với việc tự quyết giá, phải nới cho DN bán lẻ xăng dầu có thể lấy nguồn hàng từ nhiều hơn một nhà phân phối, đầu mối khác nhau. Không thể bắt buộc chủ cây xăng chỉ ký với một đơn vị phân phối, đầu mối lấy hàng như hiện nay được. “Giá cả theo cơ chế thị trường phải đi đôi với tự do cạnh tranh cung - cầu và đặc biệt là tự do lựa chọn bạn hàng, đối tác. DN đầu mối tự quyết giá bán, nhưng nếu DN thống lĩnh thị trường đưa ra mức giá bán mang tính áp đặt thì phần thiệt thòi là người tiêu dùng, DN bán lẻ. Dự thảo nghị định tháo chỗ này, giữ chỗ khác và vẫn còn nặng tư duy bao cấp là vậy. Ngoài ra, với lo ngại về việc giá cả xăng dầu tại vùng sâu, vùng xa có thể tăng khi cho DN tự quyết giá bán vì chi phí vận chuyển, cần có quy định và phải có kiểm tra tính hợp lý của các chi phí tự khai của DN. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ giá cả trực tiếp cho từng lít xăng bán ra tại thị trường vùng xa, sâu… cũng có thể áp dụng được. Theo tôi biết, việc chia giá bán lẻ xăng dầu theo 2 giá thuộc vùng 1 (gần cảng, kho) và vùng 2 (xa cảng, kho), giá xăng cũng do DN đầu mối lớn quy định và áp giá bán. Giá bán ở vùng 2 luôn cao hơn giá vùng 1, địa phương đang mua xăng dầu giá cao (vùng 2) hơn giá cơ sở của nhà nước quy định chiếm hơn 48/63 tỉnh thành”, TS Nguyễn Quốc Việt nêu quan điểm.
Trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công thương cũng đề xuất trao lại quyền điều hành giá xăng dầu về… Bộ Tài chính. Cơ quan này cho rằng, xăng dầu là mặt hàng do nhiều bộ ngành cùng quản lý theo chức năng, nhiệm vụ được phân giao. Trong điều hành giá, Bộ Tài chính rà soát, hướng dẫn xác định các chi phí và công bố cho Bộ Công thương tính toán giá cơ sở. Vì thế, nên đưa về một đầu mối điều hành giá xăng dầu, cũng như rà soát, hướng dẫn và tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu là Bộ Tài chính. Bộ Công thương chỉ phối hợp thực hiện theo chức năng nhiệm vụ được giao. Trước đó không lâu, chính Bộ Tài chính lại… đề nghị chuyển đầu mối điều hành xăng dầu về Bộ Công thương.
|
Tuy nhiên, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), lại cho rằng phương án cho DN tự quyết giá bán là “không có ý nghĩa gì khi một mặt hàng vẫn còn có DN thống lĩnh, nắm 50% thị phần”. DN chỉ tự quyết giá khi mặt hàng này không có DN thống lĩnh thị trường. Ở đây, phương án “Nhà nước chỉ đưa ra các yếu tố cấu thành giá” chính là giá nhà nước định hướng ban đầu, nhưng không nói rõ. Và giá định hướng hoàn toàn không có tính pháp lý. “Cách đây hơn 20 năm đã có giá định hướng đối với mặt hàng xăng dầu nhưng không khả thi. Nhà nước sau đó mới có công thức tính giá cơ sở xăng dầu theo giá trần như hiện nay, giá DN bán ra không cao hơn giá liên bộ công bố”, ông Long nói.
Ngoài ra, quy định DN muốn bán giá nào lại trình cho liên bộ, theo ông Long, chỉ là hình thức thay vì cơ quan quản lý tính giá cơ sở xăng dầu như trước, nay để DN đầu mối tính. Về bản chất, giá định hướng của nhà nước cũng chính là giá cơ sở, nhưng giá cơ sở thì DN bắt buộc phải tuân theo, giá định hướng không rõ ràng, việc tuân theo hay không là quyền của DN. “Một mặt hàng đặc biệt như xăng dầu mà trao quyền vào tay DN thống lĩnh thị trường ra giá bán thì khó thuyết phục và nghiêm trọng hơn, làm như vậy là sai thể chế định giá trong nền kinh tế thị trường. Cơ chế quản lý giá của nhà nước trong kinh tế thị trường phụ thuộc vào tính chất của loại hình thị trường đó, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan nhà nước hay của DN thống lĩnh thị trường được”, PGS-TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Nguyên Nga
Thanh niên
|