Thứ Ba, 17/01/2023 10:46

Cuộc đua giành thị phần điện toán đám mây ở Đông Nam Á của Alibaba, Huawei

Alibaba Group Holding và Huawei Technologies là hai trong số các công ty công nghệ Trung Quốc đang gấp rút xây dựng các trung tâm dữ liệu ở Đông Nam Á để chiếm lĩnh thị trường điện toán đám mây đang tăng trưởng bùng nổ.

Vào tháng 11/2022, Huawei đã hoàn thành việc xây dựng một trung tâm dữ liệu ở Indonesia, và thu hút khoảng 30 khách hàng địa phương vào cuối năm ngoái. Giám đốc điều hành Huawei Indonesia Jacky Chen cho biết tập đoàn sẽ tiếp tục đổi mới kỹ thuật số ở Indonesia thông qua dự án này.

Indonesia là quốc gia Đông Nam Á thứ ba có đặt trung tâm dữ liệu của Huawei, cùng với Thái Lan và Singapore. Ông Chen cho biết trong 5 năm tới, Huawei sẽ đầu tư 300 triệu USD để phát triển cơ sở hạ tầng đám mây ở Indonesia.

Trong quá trình hướng tới một xã hội kết nối, điện toán đám mây là một ngành then chốt, ngang với chất bán dẫn. Huawei và các công ty công nghệ khác của Trung Quốc rất muốn mở rộng sang Đông Nam Á khi thế giới chuyển hướng mạnh mẽ sang số hóa, đặc biệt là kể từ đại dịch COVID-19.

Theo một báo cáo do Google, Temasek Holdings và Bain & Co thực hiện, quy mô nền kinh tế kỹ thuật số của Đông Nam Á ước tính tăng 20% lên 194 tỷ USD trong năm ngoái.

Ngoài Huawei, Alibaba cũng bận rộn xây dựng trung tâm dữ liệu ở các nước Đông Nam Á, với cơ sở đầu tiên ở Thái Lan vào 2022. Tập đoàn này cho biết họ sẽ chi 1 tỷ USD trong ba năm, bắt đầu từ năm 2021, để phát triển trung tâm dữ liệu thành một hoạt động có quy mô tương đương với hoạt động kinh doanh bán lẻ trực tuyến cốt lõi của họ.

Theo Alibaba, Đông Nam Á sẽ là trọng tâm trong kế hoạch đào tạo 1 triệu công nhân trong lĩnh vực kỹ thuật số, cũng như hỗ trợ 100,000 công ty khởi nghiệp công nghệ.

Alibaba không phải là doanh nghiệp duy nhất đang cố gắng tập hợp nhân công để giành thị phần điện toán đám mây tại khu vực này. Tại Indonesia, Huawei mong muốn đào tạo 100,000 kỹ sư và chuyên gia, đồng thời hỗ trợ 500 công ty khởi nghiệp.

Các “gã khổng lổ” công nghệ của Trung Quốc chuyển hướng sang Đông Nam Á khi tốc độ tăng trưởng của thị trường điện toán đám mây Trung Quốc đã chậm lại. Trong quý 3/2022, thị trường dịch vụ đám mây của Trung Quốc chỉ tăng 8% so với cùng kỳ năm trước lên 7.8 tỷ USD, theo công ty nghiên cứu Canalys.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng đạt mức 50% trong nửa đầu năm 2021, song sự trì trệ của kinh tế trong năm ngoái đã khiến lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc phải cắt giảm đầu tư.

Đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương không tính Trung Quốc, thị trường điện toán đám mây đã tăng 30% lên 8.7 tỷ USD trong cùng kỳ. Khu vực này hiện chiếm 14% thị phần đám mây toàn cầu. Đối với các công ty điện toán đám mây của Trung Quốc, Đông Nam Á là điểm đến đầu tư không thể thiếu để tăng trưởng.

Thị phần của các “tay chơi” lớn trên thị trường điện toán đám mây của Đông Nam Á

Tuy nhiên, họ cũng phải đối đầu với các đối thủ Mỹ đến trước. Theo Canalys, Amazon, Microsoft và Google kiểm soát tổng khoảng 70% thị trường điện toán đám mây của Đông Nam Á. Amazon có kế hoạch chi 5 tỷ USD cho Indonesia trong vòng 15 năm kể từ năm 2021, để xây dựng các trung tâm dữ liệu, từ đó giúp mở rộng hệ sinh thái kỹ thuật số của Amazon.

Các công ty công nghệ Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một thách thức lớn trong việc giành thị phần từ các đối thủ giàu có của Mỹ - những người vốn đã tham gia vào các hệ thống của chính phủ và doanh nghiệp.

Các công ty Trung Quốc đang tìm cách giành thị phần ở Đông Nam Á bằng chính sách giá thấp hơn. Mặc dù việc so sánh trực tiếp về giá không nói lên toàn bộ câu chuyện, song các nhà cung cấp dịch vụ đám mây Trung Quốc thường đưa ra mức giá bằng khoảng một nửa so với báo giá của các công ty Mỹ, một nhà phân tích cho biết.

Narai Intertrade, công ty Thái Lan đứng sau thương hiệu Naraya chuyên về các sản phẩm phong cách sống, hiện đang hoạt động trên đám mây của Alibaba. Một lý do khiến họ sử dụng dịch vụ của Alibaba là nhiều khách hàng của Narai Intertrade đều ở Trung Quốc. “Một lý do khác là nó rẻ hơn so với các dịch vụ đám mây khác”, một nhà quản lý của Narai Intertrade chia sẻ.

Nhưng kinh doanh với một công ty điện toán đám mây của Trung Quốc lại tiềm ẩn rủi ro vì căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang. Bộ Ngoại giao Mỹ đã cảnh báo các công ty Mỹ không được sử dụng các dịch vụ đám mây do các nhà cung cấp Trung Quốc cung cấp vì lo ngại về an ninh quốc gia.

Forrester Research cho rằng các công ty ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương phải tính đến rủi ro ngoại giao khi lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây. Sử dụng các dịch vụ đám mây của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh ở Mỹ, nên các công ty có thể chọn cả dịch vụ đám mây của Mỹ và Trung Quốc để phòng ngừa những rủi ro như vậy.

Kim Dung (Theo Nikkei Asia)

FILI

Các tin tức khác

>   GDP Trung Quốc tăng trưởng 3% trong năm 2022 (17/01/2023)

>   Ủy viên Kinh tế châu Âu: EU có khả năng tránh được suy thoái sâu (17/01/2023)

>   Tình trạng phân mảnh có thể khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại 7% GDP (16/01/2023)

>   Lạm phát đang “ngốn” của người Mỹ thêm 371 USD mỗi tháng (16/01/2023)

>   Lý do Ấn Độ khó thay Trung Quốc để trở thành công xưởng của Apple (15/01/2023)

>   Đà phục hồi kinh tế Trung Quốc vẫn đối mặt với nhiều thách thức (14/01/2023)

>   Giáo sư trường Wharton: Fed đã giải quyết được vấn đề lạm phát (14/01/2023)

>   Bắc Kinh nắm 'cổ phần vàng' ở Alibaba, Tencent (14/01/2023)

>   Nỗi lo lớn nhất của các CEO trên thế giới (14/01/2023)

>   Xuất khẩu Trung Quốc giảm gần 10% trong tháng 12 khi nhu cầu toàn cầu suy giảm (13/01/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật