Ủy viên Kinh tế châu Âu: EU có khả năng tránh được suy thoái sâu
Ủy viên Kinh tế châu Âu Paolo Gentiloni lạc quan khi cho rằng EU có khả năng tránh được suy thoái sâu nhờ giá năng lượng giảm đáng kể và lạm phát của khu vực đã đạt đỉnh cuối năm 2022.
Biểu tượng đồng euro phía trước trụ sở ECB tại Frankfurt am Main, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Ủy viên Kinh tế châu Âu Paolo Gentiloni bày tỏ lạc quan khi cho rằng các quốc gia thuộc khu vực đồng euro sẽ tránh được suy thoái sâu.
Theo phóng viên thường trú tại Brussels, phát biểu với báo giới hôm 16/1 khi tham dự cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính và Kinh tế khu vực đồng euro (Eurogroup), ông Gentiloni cho biết châu Âu đã đạt được những tiến bộ đáng khích lệ vì đã cố gắng giảm sự phụ thuộc vào năng lượng.
Giá năng lượng đã giảm đáng kể và lạm phát của Liên minh châu Âu (EU) đã đạt đỉnh vào cuối năm 2022. Ông Gentiloni nói: "Vì vậy, có khả năng chúng tôi sẽ tránh được suy thoái sâu và có thể bước vào một thời kỳ suy thoái hạn chế hơn và sự thu hẹp nông của nền kinh tế."
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng điều này phần lớn phụ thuộc vào các chính sách của các quốc gia khu vực đồng euro, khi họ sẽ phải nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận về các quy tắc để hỗ trợ khả năng cạnh tranh và đầu tư, đồng thời điều phối các chính sách tài khóa để đối phó với giá năng lượng cao.
Ủy viên Paolo Gentiloni nhắc lại vào năm 2023, các chính sách đối phó với giá năng lượng cao nên được nhắm mục tiêu nhiều hơn vào những người dễ bị tổn thương nhất để tránh tăng chi tiêu công.
Nhận định của Ủy viên Kinh tế Paolo Gentiloni đã được Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Valdis Domvrobskis bổ sung bằng những bằng chứng về một số dấu hiệu "tích cực", chẳng hạn như sức mạnh của thị trường lao động, hoặc các dấu hiệu cho thấy lạm phát đã đạt đến "đỉnh điểm," mặc dù ông vẫn "cảnh giác" và tiếp tục đấu tranh với giá năng lượng cao và xây dựng kho dự trữ để vượt qua mùa Đông sắp tới.
Hơn nữa, ông Domvrobskis ủng hộ việc củng cố thị trường châu Âu trước khi bắt đầu điều chỉnh các quy tắc về viện trợ của nhà nước để đối phó với sự leo thang giá năng lượng, giá cả hoặc tác động của luật trợ cấp của Mỹ đối với khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp châu Âu, tất cả đều không ảnh hưởng cho quá trình chuyển đổi xanh.
Về phần mình, Bộ trưởng Kinh tế Pháp, Bruno Le Maire, đồng ý với nhu cầu được Brussels nhấn mạnh là tái công nghiệp hóa EU đồng thời ủng hộ các dự án xanh, mà theo ông, nên đi đôi với cải cách thị trường năng lượng, tách giá năng lượng xanh và hóa thạch và đó là lợi ích của 27 quốc gia thành viên.
Theo Bộ trưởng Tài chính Bỉ, Vicent van Peteghem, châu Âu phải "tự đưa ra quyết định, không để người khác quyết định thay mình và hành động, đầu tư là cần thiết". Ông kết luận, tất cả những điều này cũng sẽ mang lại phản ứng tích cực cho châu Âu đối với chương trình trợ cấp xanh của Mỹ./.
Hương Giang
Vietnam+
|