Xuất nhập khẩu năm 2022 cán đích sau 11 tháng
Theo tin từ Bộ Công Thương, 11 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 673,82 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, vượt kết quả năm 2021 (668,5 tỷ USD).
11 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 673,82 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, vượt kết quả năm 2021 - Ảnh minh họa
|
Trong đó, xuất khẩu ước đạt 342,21 tỷ USD tăng 13,4%; nhập khẩu ước đạt 331,61 tỷ USD, tăng 10,1%.
Tính riêng tháng 11/2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 57,58 tỷ USD, giảm 1,2% so với tháng trước và giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất siêu 10,6 tỷ USD
Như vậy, với kết quả trên, tính chung 11 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 10,6 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 0,6 tỷ USD); trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 27,97 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 38,57 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 11/2022 ước đạt 29,18 tỷ USD, giảm 3,9% so với tháng trước.
Tính chung 11 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 342,21 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 87,46 tỷ USD, tăng 10,1%, chiếm 25,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 254,75 tỷ USD, tăng 14,6%, chiếm 74,4%.
35 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD
Có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,7% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 70,1%).
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 11 tháng, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,4%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89%, bằng cùng kỳ năm trước; nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 6,6%, giảm 0,5 điểm phần trăm; nhóm hàng thủy sản chiếm 3%, tăng 0,3 điểm phần trăm.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 11/2022 ước đạt 28,4 tỷ USD, tăng 1,8% so với tháng trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,16 tỷ USD, tăng 6,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 18,24 tỷ USD, giảm 0,6%.
Tính chung 11 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 331,61 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 115,42 tỷ USD, tăng 11,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 216,19 tỷ USD, tăng 9,6%.
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 11 tháng, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,6%, tỷ trọng bằng cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 44,7%, giảm 1,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 48,9%, tăng 1,8 điểm phần trăm. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6,4%, bằng cùng kỳ năm trước.
Kết quả xuất nhập khẩu là minh chứng cho thấy các doanh nghiệp đã và đang tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA)
|
Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam
Đối với thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 101,5 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 109,9 tỷ USD. Trong 11 tháng, xuất siêu sang EU ước đạt 29,4 tỷ USD, tăng 42,4% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 56,9 tỷ USD, tăng 14,1%; nhập siêu từ Hàn Quốc 35,7 tỷ USD, tăng 16,1%; nhập siêu từ ASEAN 12,2 tỷ USD, tăng 9,4%; nhập siêu từ Nhật Bản 139 triệu USD (cùng kỳ nhập siêu 2,3 tỷ USD).
Trước đó, năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt kỷ lục 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Bộ Công Thương nhận định, kết quả xuất nhập khẩu trong thời gian qua là minh chứng cho thấy các doanh nghiệp đã và đang tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Đơn cử, với Hiệp định CPTPP, bà Võ Hồng Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương) nhận định: Sau 3 năm thực thi CPTPP, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường trong khối tăng trưởng lên đến 75-100%. Nhóm điện thoại và linh kiện, nhóm điện tử và máy vi tính, máy móc, phụ tùng, dệt may, da giày… là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang khu vực này.
Hoặc với EVFTA, Hiệp định EVFTA có tác động rất lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu vì EU là thị trường tiêu thụ rất nhiều sản phẩm của Việt Nam; trong đó, có các sản phẩm như thủy sản, lúa gạo và cũng là thị trường đa dạng sản phẩm công nghiệp tiêu thụ lớn. Đa số mặt hàng xuất khẩu sang EU đều có mức tăng trưởng cao, đặc biệt với một số nhóm hàng như: Sắt thép, mức tăng trưởng lên đến 200%, hoặc nhóm cà phê tăng 75,2%, hạt tiêu tăng trưởng 55,8%.
Để thúc đẩy xuất khẩu tháng cuối năm, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường quản lý nhập khẩu phù hợp, bảo đảm cán cân thương mại hài hoà, bền vững; đẩy mạnh khai thác các hiệp định thương mại tự do đã ký kết; đồng thời, phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để mở rộng, đa dạng hoá thị trường và mặt hàng xuất khẩu; thúc đẩy tạo thuận lợi hoá thương mại, hỗ trợ thông tin thị trường; tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới; cảnh báo sớm nguy cơ các vụ kiện phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp.
Phan Trang
báo chính phủ
|