Thứ Sáu, 02/12/2022 08:25

Trung Quốc nhờ tới Alibaba, Tencent để làm "chìa khóa" trong cuộc chiến chip với Mỹ

Bắc Kinh đã nhờ tới những “gã khổng lồ” công nghệ, gồm Alibaba và Tencent, để hỗ trợ việc thiết kế chip bán dẫn, một động thái chuẩn bị cho tình huống Mỹ có thể ban hành các lệnh trừng phạt tiếp theo nhằm vào năng lực máy tính của Trung Quốc.

Đối phó với lệnh cấm vận của Mỹ

Chính phủ Trung Quốc đã thành lập Viện nghiên cứu chip mã nguồn mở Bắc Kinh (BOSCRI), gồm các công ty và viện nghiên cứu, trong đó có cả Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, để tạo ra một loại chip mới. Bắc Kinh muốm giảm phụ thuộc vào Arm (được tập đoàn SoftBank hậu thuẫn), công ty sở hữu công nghệ giúp chế tạo phần lớn chất bán dẫn cho khắp thế giới.

Nhóm đang sử dụng Risc-V, một kiến trúc thiết kế chip mã nguồn mở được tạo ra vào năm 2010 bởi Đại học California. Risc-V đang được xem như một đối thủ cạnh trạnh của Arm trong những năm gần đây.

Bắc Kinh ngày càng quan tâm tới Risc-V trong bối cảnh Washington gia tăng áp lực lên lĩnh vực công nghệ của nước này bằng cách hạn chế doanh nghiệp Trung Quốc tiếp cận các linh kiện và máy móc sản xuất chip tiên tiến. Mỹ đã vận động các đồng minh, gồm Hà Lan và Nhật Bản, để loại bỏ các công ty công nghệ của Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng của họ, như những gì đã làm với Huawei vào năm 2019. Điều này buộc Trung Quốc phải chuẩn bị cho kịch bản chuỗi cung ứng chất bán dẫn bị gián đoạn nhiều hơn.

Arm, có trụ sở chính ở Vương quốc Anh nhưng phần lớn hoạt động ở Mỹ, được đánh giá là dễ bị tổn thương bởi bất kỳ lệnh trừng phạt nào của Mỹ nhằm vào Trung Quốc, vì công ty này lâu nay vẫn cung cấp thiết kế chip cho các công ty công nghệ Trung Quốc.

Theo một quan chức Trung Quốc, việc chính phủ nước này tập hợp các nguồn lực để phát triển thiết kế chip dựa trên Risc-V sẽ đưa nước này đi đúng hướng. “Trong bối cảnh các biện pháp hạn chế xuất khẩu của Mỹ có thể gia tăng, chúng tôi cần chuẩn bị cho tình huống tồi tệ nhất”, ông nói.

BOSCRI đã phát triển “Xiangshan”, một con chip xử lý máy tính Risc-V hiệu suất cao, phù hợp với IP bán dẫn của Arm và giúp thúc đẩy sự phát triển của thị trường thiết kế chip ở Trung Quốc.

Thị phần của Risc-V dự kiến tăng từ 1% lên 16% vào năm 2027

Ý tưởng đằng sau Risc-V được khơi dậy bởi các tiêu chuẩn và phần mềm mã nguồn mở, thứ đã tạo ra cuộc cách mạng cho thế giới số. Khi kiến trúc mã nguồn mở này bắt đầu gây được sự chú ý từ bên ngoài giới học thuật, Risc-V Foundation đã chuyển trụ sở chính từ Mỹ sang Thụy Sĩ vào năm 2019 để giữ vị trí trung lập về mặt địa chính trị trong hệ sinh thái chip.

Trước khi Bắc Kinh thúc đẩy việc kết hợp các nguồn lực, “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc Alibaba và ByteDance đã thành lập đội ngũ sử dụng kiến ​​trúc Risc-V để phát triển chip hiệu suất cao nhằm xử lý các thuật toán trí tuệ nhân tạo và trung tâm dữ liệu, các nguồn tin nói với Financial Times.

“Mục tiêu của chúng tôi là phát triển chip Risc-V để thay thế các loại chip hiện có của Arm vốn được sử dụng trong những sản phẩm tiên tiến nhất của chúng tôi”, một kỹ sư cấp cao của T-head, công ty chip của Alibaba, cho biết. Tuy nhiên, một giám đốc điều hành chia sẻ mục tiêu này vẫn còn nhiều năm nữa mới trở thành hiện thực do T-head phải đối mặt với nguồn vốn hạn chế khi lợi nhuận của công ty mẹ giảm.

ByteDance cho biết công việc của họ đang ở giai đoạn sơ bộ, trong khi Alibaba cho biết khả năng phát triển của họ chủ yếu là trong lĩnh vực IoT.

Sức hút của Risc-V

Risc-V tạo được sức hút ở phương Tây kể từ năm 2020, khi Arm đề xuất bán mình cho hãng sản xuất chip Nvidia của Mỹ trong thương vụ trị giá 66 tỷ USD gây chấn động cả ngành công nghiệp bán dẫn và khiến một số công ty bắt đầu nghiêm túc xem xét các lựa chọn thay thế cho Arm. Thỏa thuận sau đó đã sụp đổ và SoftBank nhảy vào mua lại Arm với kế hoạch niêm yết công ty sản xuất chip này tại New York vào năm tới.

Đầu năm 2022, “gã khổng lồ” chip Intel đã đầu tư một phần quỹ đổi mới trị giá 1 tỷ USD của họ vào Risc-V và cho biết các xưởng đúc của họ sẽ có thể chế tạo ra những con chip mới dựa trên ba kiến ​​trúc thiết kế chip chính: Arm, X86 của Intel và Risc-V.

Thậm chí, trong một cuộc phỏng vấn với FT vào đầu năm nay, Rene Haas, giám đốc điều hành của Arm, cũng thừa nhận rằng Risc-V là mối đe dọa thực sự đối với hoạt động kinh doanh của họ. Tuy nhiên, ông cho rằng Arm có một lợi thế rất lớn vì họ cung cấp phần mềm bên cạnh các thiết kế của mình và có một cộng đồng gồm 50 triệu lập trình viên, điều này khiến việc giảm phụ thuộc vào Arm ngày càng khó.

Semico Research dự báo 62.4 tỷ chip dựa trên Risc-V sẽ xuất xưởng vào năm 2024.

Semico ước tính Risc-V chỉ chiếm 80 triệu USD trong tổng 2.2 tỷ USD của thị trường IP bán dẫn cho lõi xử lý máy tính vào năm 2020. Tuy nhiên, họ kỳ vọng con số này sẽ tăng lên 687 triệu USD vào năm 2027, nâng thị phần toàn cầu từ 1% lên 16%.

Risc-V dự kiến tăng trưởng mạnh trên thị trường trí tuệ nhân tạo

Sự quan tâm tới Risc-V ngày càng tăng còn được thể hiện qua việc Apple đã chuyển một số lõi xử lý nhúng (được dùng cho các công nghệ như WiFi, Bluetooth và điều khiển touchpad) từ bộ vi xử lý của Arm sang Risc-V, theo hai nguồn tin thân cận. Apple cũng đã đăng một số quảng cáo tuyển dụng trong những tháng gần đây để tìm kiếm các kỹ sư quen thuộc với Risc-V.

Các công ty quan tâm đến việc phát triển thiết kế Risc-V có hai lựa chọn: xây dựng một nhóm nội bộ có thể sử dụng kiến ​​trúc nguồn mở hoặc xin cấp phép sử dụng từ một trong những công ty bán thiết kế chip sử dụng Risc-V, như SiFive ở Mỹ, Codasip ở châu Âu và Andes Technology ở Đài Loan (Trung Quốc). T-head, Xiangshan và ByteDance cũng đang tự phát triển chip Risc-V của riêng họ.

Cho đến nay, Risc-V chủ yếu được sử dụng để thực hiện các tác vụ tương đối đơn giản, trong các quy trình “nhúng” cũng như cho các ứng dụng IoT. Nhưng gần đây, cấu trúc này cũng bắt đầu thu hút được sự chú ý ở một số thị trường chip với mục đích nâng cao hiệu suất của thiết bị hoặc có thể kích hoạt “trí tuệ”, bao gồm bộ vi xử lý máy chủ trung tâm dữ liệu và chip trí tuệ nhân tạo.

Ron Black, giám đốc điều hành của Codasip, cho biết công ty của ông đã phải huy động tiền để thiết kế bộ vi xử lý cao cấp vì nhiều khách hàng nói rằng họ cần có giải pháp thay thế cho Arm.

Intel cho biết Risc-V rất có sức hút trong thị trường lõi nhúng và ​​sẽ thâm nhập vào thị trường IoT, ô tô, di động và trung tâm dữ liệu trong 3-5 năm tới. Tuy nhiên, hãng sản xuất chip này nói thêm rằng kiến ​​trúc nguồn mở vẫn còn ở giai đoạn sơ khai và cần sự hỗ trợ của hệ sinh thái để đổi mới hơn nữa và thúc đẩy việc tính ứng dụng.

Tuy nhiên, một số khách hàng lớn nhất của Arm vẫn chưa bị thuyết phục về tiềm năng của Risc-V.

Cristiano Amon, giám đốc điều hành của Qualcomm, nói với Financial Times trong năm nay rằng công ty đã bắt đầu làm việc với Risc-V để thiết kế các bộ vi xử lý nhúng công suất thấp, như một động thái phòng thủ. Song, ông cho rằng kiến ​​trúc mở này vẫn chưa đủ phức tạp để sử dụng cho các tính năng hiệu suất cao.

Ở Trung Quốc, động cơ sử dụng Risc-V lại lớn hơn.

“Bạn không biết khi nào Mỹ sẽ tung các biện pháp hạn chế tiếp theo, nên sử dụng kiến ​​trúc của Arm bây giờ là quá rủi ro, nó giống như để lộ điểm yếu lớn nhất của bạn cho kẻ thù vậy”, một kỹ sư của Tencent làm việc cho dự án Xiangshan cho biết.

Jack Ma đang sống ở Tokyo

Kim Dung (Theo FT)

FILI

Các tin tức khác

>   Trung Quốc báo hiệu sắp nới lỏng chính sách COVID? (01/12/2022)

>   IMF dự báo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng cao hơn vào năm 2023 (01/12/2022)

>   Citigroup hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 (01/12/2022)

>   ILO: Lạm phát gia tăng khiến tiền lương thực tế giảm đáng kể (01/12/2022)

>   Chủ tịch Fed phát tín hiệu nâng lãi suất chậm lại trong tháng 12 (01/12/2022)

>   WTO: Tăng trưởng thương mại toàn cầu có thể chậm lại thời gian tới (30/11/2022)

>   Công ty của Elon Musk 'quay xe' (30/11/2022)

>   UNCTAD: Ngành vận tải biển toàn cầu sẽ gặp khó trong năm 2023 (29/11/2022)

>   Cuộc chiến chống lạm phát của Fed có thể kéo dài tới năm 2024 (29/11/2022)

>   Số ca mắc Covid-19 ở Trung Quốc lập kỷ lục mới (28/11/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật