Triệu phú tự thân chỉ ra lỗi tư duy khi muốn tiết kiệm để giàu
Ramit Sethi cho rằng thay vì cố tằn tiện từng khoản nhỏ như bớt một ly cà phê, hãy tư duy lớn hơn và có kế hoạch chi tiêu có ý thức.
Nhiều người thường nghe về lý thuyết tiết kiệm hiệu quả nhờ bớt mua cà phê mỗi ngày. Ảnh minh họa: Mart Production/Pexels.
|
Theo cuộc khảo sát "Make It: Your Money" được CNBC thực hiện gần đây với sự hợp tác của Momentive, khoảng 1/5 người thuộc thế hệ Millennials và gần 1/4 số Gen Z tham gia tin rằng phải kiếm được 1 triệu USD trở lên hàng năm để cảm thấy giàu có.
Ramit Sethi, một triệu phú tự thân và là tác giả của cuốn sách bán chạy nhất của New York Times "I Will Teach You To Be Rich", cho biết: "Nếu làm giàu là mục tiêu của bạn, thì bạn không cần phải cắt bỏ những chi phí nho nhỏ để đạt được điều đó".
Khi đề cập tới chuyện làm giàu, nhiều người thường nói về "câu hỏi 3 USD" - chỉ việc tiết kiệm từng khoản nhỏ, như 3 USD cho một ly latte. Chúng ta cũng từng nghe lý thuyết về "tiết kiệm một ly cà phê mỗi ngày có thể giúp bạn trở thành triệu phú".
Sethi nói rằng anh không phải kiểu người hô khẩu hiệu kiểu như: "Hãy cắt tiền uống cà phê đi. Và nếu tiết kiệm khoản đó trong 360.000 năm tới, bạn sẽ đủ tiền cọc cho một căn nhà".
Theo triệu phú 40 tuổi, tiết kiệm kiểu đó là không hiệu quả.
"Người ta cứ đắn đo liệu có nên bỏ qua việc mua một ly latte cho hôm nay, hoặc mình có nên lấy thêm chiếc bánh tráng miệng để tiết kiệm. Tuy nhiên, những khoản '3 USD' đó không tạo ra sự khác biệt nào trong đời sống tài chính của chúng ta", Sethi nói.
Thay vào đó, Seith cho rằng chúng ta nên tập trung vào đặt "câu hỏi 30.000 USD". Điều bạn cần phải suy nghĩ nên là "Tôi có khoản tự động đầu tư hàng tháng không?", "Hoặc tôi đã thương lượng lại mức lương của mình cho đúng chưa?".
"Những câu hỏi ấy trị giá hàng chục nghìn đô, nhưng chúng ta cứ ở trong tình trạng mù quáng và tìm cách tằn tiện với những khoản nhỏ nhặt", Sethi phân tích về lối tư duy sai lầm trong cách tiết kiệm.
Vị triệu phú tự thân cho rằng thay vì cố tằn tiện từng khoản nhỏ, hãy tư duy lớn hơn và có kế hoạch chi tiêu có ý thức. Ảnh: Todd Henry.
|
Vị triệu phú tự thân cho biết một trong những quan niệm sai lầm lớn nhất của mọi người về làm giàu là nghĩ rằng nó phải là quá trình thú vị và diễn ra nhanh chóng.
"Sự giàu có thực sự hầu như luôn được tạo ra một cách nhất quán trong thời gian dài. Quá trình đó rất nhàm chán, như nó phải vậy".
Theo đó, thay vì chờ đợi và hy vọng trúng số, dưới đây là 2 điều mà Sethi khuyên bạn làm ngay để bắt đầu xây dựng sự giàu có bền vững:
1. Tập trung vào tỷ lệ tiết kiệm
Theo Sethi, câu hỏi quan trọng cần được trả lời là: Tỷ lệ tiết kiệm của bạn là bao nhiêu? Nó có liên quan đến tỷ lệ phần trăm thu nhập mà bạn có thể dành cho tương lai.
Mỗi phần trăm thu nhập sẽ tạo ra cách biệt hàng nghìn USD khi bạn tích lũy cả cuộc đời. Tuy nhiên, không phải vấn đề lớn khi bạn không tiết kiệm đủ nhiều ngay lập tức.
Hãy bắt đầu bằng việc tiết kiệm ở mức bạn có thể, chẳng hạn 5% thu nhập hàng tháng, sau đó tăng lên khoảng 1% mỗi năm. Số tiền tích lũy sẽ là mức khiến bạn bất ngờ nếu duy trì trong thời gian dài.
2. Tạo kế hoạch chi tiêu có ý thức
Thay vì phụ thuộc vào ngân sách, Sethi khuyên bạn nên lập một "kế hoạch chi tiêu có ý thức".
Theo đó, bạn sẽ theo dõi 4 con số theo thứ tự ưu tiên:
- Chi phí cố định: chẳng hạn tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt phí cố định, khoản lãi cần phải trả hàng tháng.
- Tiền tiết kiệm: bao gồm quỹ khẩn cấp và tiền cho các kỳ nghỉ.
- Đầu tư: chẳng hạn khoản đóng bảo hiểm hàng tháng hoặc khoản mua chứng chỉ quỹ.
- Chi tiêu "không có lỗi": khoản mua sắm cá nhân, ăn uống ở nhà hàng.
Khi phân bổ tiền của mình theo thứ tự này sẽ đảm bảo trách nhiệm tài chính của bạn được đặt lên trước, cuối cùng bạn được phép tiêu số tiền còn lại cho các khoản "không có lỗi".
Sam Palmer, người đứng đầu bộ phận tư vấn và lập kế hoạch tài sản kỹ thuật số tại JP Morgan Wealth Management, nói với CNBC Make It rằng theo dõi dòng tiền của bạn đang đi đâu là một bước quan trọng để tạo ra kế hoạch xây dựng giàu có lâu dài.
Quan điểm của từng người về ý nghĩa của sự giàu có là rất khác nhau và độc nhất, vì vậy lập kế hoạch tài chính dựa trên mục tiêu cá nhân là quan trọng.
Palmer nói thêm rằng kế hoạch làm giàu là linh hoạt, khi ưu tiên trong cuộc sống của bạn thay đổi, các mục tiêu tài chính bạn mong muốn cũng biến chuyển theo.
Đinh Phạm
ZING
|