Làm sao để bảo vệ tài chính trước nguy cơ suy thoái?
Candy Valentino hồi tưởng về những lúc bản thân rơi vào tình trạng bất ổn tài chính. Cô kể rằng lúc đó cô chỉ là một bé gái, cha mẹ cô vẫn còn trong độ tuổi thanh thiếu niên - cha cô là thợ máy xe hơi, còn mẹ cô là người giúp việc - do vậy tiền bạc thường xuyên túng thiếu.
Khi còn ở tuổi vị thành niên, “tôi nhìn thấy ba mẹ mình làm việc rất vất vả, thế là lúc đó tôi bắt đầu suy nghĩ về việc trở thành người sở hữu tòa nhà hơn là người đi thuê hay làm việc ở đó”.
Sau đó Valentino phấn đấu trở thành một nhà đầu tư bất động sản và doanh nhân, cũng như là người hướng dẫn cho những ai có nhu cầu làm giàu. Quyển sách gần đây của cô “Wealth Habits” (Tạm dịch: Những thói quen để giàu có”) đưa ra hướng dẫn để đạt được sự độc lập tài chính, và không lâu nữa cô sẽ cung cấp một khóa đào tạo online cùng nội dung.
Nhưng Valentino cũng biết rằng nếu như nền tảng tài chính của bạn không vững chãi thì rất khó để làm giàu. Nếu như xảy ra suy thoái kinh tế, bạn có thể sẽ nhận ra bản thân đang đi sai hướng nếu như không có sự chuẩn bị trước đó.
“Điều quan trọng nhất chúng ta có thể làm để giúp bản thân vượt qua bất kỳ cuộc suy thoái hay khủng hoảng kinh tế nào chính là chú tâm đến những quyết định nhỏ để bản thân không bao giờ rơi vào tình huống phải lo lắng đến việc chi tiêu cho những điều bạn cần”, cô chia sẻ.
Đây là những gì bạn có thể làm ngay để bảo vệ tài chính của bạn trước nguy cơ khủng hoảng kinh tế.
Đa dạng hóa nguồn thu nhập của bản thân
Một trong những nỗi đe dọa của sự khủng hoảng chính là các công ty buộc phải sa thải một phần lực lượng lao động. Valentino khuyên bạn nên kiếm cách tạo ra nhiều nguồn thu nhập ổn định để dự phòng cho nguy cơ mất việc sẽ ảnh hưởng đến bức tranh tài chính của bạn.
Và hãy đảm bảo chúng đến từ nhiều nguồn khác nhau. Cùng một nguyên tắc khi bạn xây dựng một danh mục đầu tư: Bằng việc chia trứng vào nhiều rổ, bạn giảm thiểu xác suất kế hoạch của mình bị ảnh hưởng khi bất kỳ ngành nghề nào đó tụt dốc.
Điều đó cũng giống như tìm thêm một công việc tay trái không bị ảnh hưởng bởi cùng những yếu tố như công việc chính của bạn.
“Mấu chốt là hãy đảm bảo rằng mọi nguồn thu nhập của bạn không ở trong cùng một lĩnh vực hay ở những lĩnh vực liên quan để nếu như một thị trường đi xuống - ví dụ như bạn làm trong ngành bất động sản, và khi thị trường bất động sản bắt đầu đi xuống - thì bạn cũng còn một nguồn thu nhập từ nguồn khác”, Valentino khuyến nghị.
Sống tối giản
Valentino đề xuất bạn nên dành 20% thu nhập của bạn vào việc tiết kiệm và đầu tư.
“Nếu bạn nghĩ, ‘Trời ạ, không tài nào tôi làm được việc đó’, thì đó chính là dấu hiệu đầu tiên cho thấy bạn đang sống vượt chuẩn. Nếu như bạn không thể tiết kiệm và đầu tư cho bản thân trước, thì tất cả những tiêu sản như túi xách, xe hơi, giày hiệu chính là những minh chứng hữu hình cho thấy bạn đang sống hơn mức cần thiết”.
Thông điệp của Valentino là nếu như phát hiện ra bạn đang tiêu gần hết tiền lương mỗi tháng, thì bạn đang “bước đi trên dây”. Lỡ như nền kinh tế suy thoái, có khả năng bạn sẽ lâm vào cảnh nợ nần để tiếp tục duy trì lối sống của mình.
Tất nhiên, thậm chí ngay cả khi bạn không mua giày dép hay đi du lịch châu Âu thì bạn vẫn có thể gặp khó khăn trong việc tiết kiệm. Trong trường hợp đó, bạn có 2 lựa chọn: “Một là bạn giảm thiểu chi tiêu, hai là tăng thu nhập để cải thiện tình hình”.
Nếu như bạn đã làm việc vất vả rồi mà ngân sách vẫn eo hẹp thì tiềm năng tăng thu nhập của việc bạn đang làm gần như không hứa hẹn lắm. Trong trường hợp đó, thử suy nghĩ khác đi về việc kiếm thêm một công việc tay trái.
“Kinh doanh kiến thức là một điều tuyệt vời. Có những khóa học về cho con bú và làm sao để giúp con bạn biết đi sớm hơn”, cô nói. “Hầu hết mọi người thường nghĩ rằng ‘tôi không có khiếu, tôi không làm được chuyện đó đâu’. Nhưng chỉ cần bạn sống đủ lâu thì chắc chắn sẽ có kinh nghiệm ở một khía cạnh nào đó”.
Tuệ Nhiên (Theo CNBC)
FILI
|