Lừa đảo, bịp bợm núp bóng các khoá học làm giàu
Đánh vào ảo tưởng phất lên nhanh chóng, các influencer đăng tải hàng loạt video về kinh doanh, tăng thu nhập. Tuy nhiên, họ từ chối nhận trách nhiệm nếu khán giả thua lỗ.
Nhiều khán giả tin vào lời khuyên tài chính từ TikToker không bằng cấp. Ảnh: Pexels.
|
“Kiếm tiền khi ngủ”, “ngồi không cũng giàu” là những quảng cáo tràn lan trên TikTok và Youtube thời gian gần đây. Các chuyên gia tài chính tự xưng khẳng định sẽ giúp người xem kiếm được hàng trăm, thậm chí hàng nghìn USD mỗi tuần bằng vài bước đơn giản.
Một số gợi ý thường gặp là cho thuê tài sản, giao dịch trong ngày hoặc bán lẻ không cần nhập hàng. Nhóm này liên tục chia sẻ ảnh chụp màn hình biến động số dư trong tài khoản nhằm động viên khán giả bắt đầu “làm giàu”.
Trong bối cảnh lạm phát, nhiều người trẻ ao ước có nguồn thu nhập thụ động khủng như quảng cáo. Họ sẵn sàng bỏ việc và chỉ ngồi ở nhà thực hiện theo hướng dẫn của các TikToker, Youtuber.
Theo khảo sát gần đây của Insider, ít nhất 34% người dùng Internet thuộc Gen Z tin vào hướng dẫn kiếm tiền online. Trong khi đó, chỉ 24% thực sự tìm kiếm lời khuyên từ cố vấn tài chính chuyên nghiệp. Hashtag #PassiveIncome (thu nhập thụ động) và #SideHustle (nghề tay trái) thu hút hơn 10 tỷ lượt xem trên TikTok.
Thực tế, các chuyên gia “rởm” chỉ khiến khán giả ảo tưởng về cuộc sống đủ đầy chứ không cung cấp cái nhìn thực tế về rủi ro trong kinh doanh. Bên cạnh đó, nhiều người chỉ đưa lời khuyên mơ hồ, thậm chí sai lệch vì thiếu kiến thức. Điều họ quan tâm nhất là dụ dỗ người xem mua sách điện tử hoặc khóa học kiếm tiền online của mình.
Ảo tưởng "ngồi mát ăn bát vàng"
Internet là mảnh đất màu mỡ cho các nhà sáng tạo nội dung “rao giảng” kiến thức. Một cách phổ biến để tạo thu nhập thụ động là cho thuê bất động sản, dù họ không thực sự sở hữu chúng.
Nhóm này thường đặt các căn hộ trên Airbnb, sau đó cho khách khác thuê lại nhằm thu phí chênh lệch. Chiến thuật này giúp họ tiết kiệm được khoản lớn, thay vì phải tự bỏ tiền mua nhà.
Ngoài ra, họ còn hướng đến hình thức kinh doanh không kho bãi (dropshipping). Khi có đơn đặt hàng, họ liên hệ và nguồn cung cấp sẽ tự vận chuyển đến khách hàng. Nhiệm vụ chủ yếu của họ là quảng bá sản phẩm.
“Kiếm tiền khi ngủ”, “ngồi không cũng giàu” là cách TikToker quảng cáo cho hình thức kinh doanh của mình. Ảnh: Anna Kim/Insider.
|
“Kiểu bán hàng này nổi như cồn từ sau dịch Covid-19. Tuy nhiên, nó chỉ hiệu quả trong thời gian đầu. Về sau, họ nhận ra các lô hàng mất hàng tuần mới xuất kho, và tiền phục vụ tiếp thị cũng cao ngang ngửa phần thu về. Tất nhiên, các cố vấn ‘rởm’ không chịu trách nhiệm cho khoản này”, Daniel Frampton, chuyên gia tài chính thuộc Acumen Financial Partnership, cho biết.
Nhiều người dùng Internet cũng học theo cách kinh doanh sản phẩm kỹ thuật số.
Chỉ với vài thao tác đơn giản trên Photoshop, Canva hoặc Microsoft Word, ai cũng có thể tạo ra các tác phẩm nghệ thuật, bảng kế hoạch hoặc mẫu sơ yếu lý lịch. Thành phẩm thường được rao bán trên các kênh bán hàng online, và người dùng sẽ trả tiền cho mỗi lượt tải về.
“Thoạt nghe có vẻ đơn giản, nhưng không phải sản phẩm nào cũng được quan tâm. Hàng loạt người đã bỏ cuộc sau khi chẳng kiếm được đồng nào dù hao phí công sức. Thực tế, rất ít cá nhân thực sự có nguồn thu thụ động nhờ các kiểu kiếm tiền này”, Frampton nói thêm.
Chối bỏ trách nhiệm
Thay vì quan tâm các phương pháp kém hiệu quả, influencer tập trung vào mong muốn tự chủ tài chính của giới trẻ. Sau khi có lượng fan trung thành, họ mở bán khóa học làm giàu. Một số TikToker thừa nhận đây là cách giúp họ phất lên đáng kể.
Nghiên cứu gần đây của công ty dịch vụ tài chính CMC Markets cho thấy nhóm này kiếm được 1.000 USD cho “bài giảng” dài 1 phút. Khi kết hợp với ứng dụng tiền tệ, vài influencer hàng đầu dễ dàng thu về 275.000-750.000 USD mỗi năm.
Đáng nói, nếu khán giả mải mê chạy theo giấc mơ “ngồi mát ăn bát vàng”, họ dễ quên đi những rủi ro trong chiến thuật kiếm tiền. Đây cũng là điều TikToker cố gắng che giấu.
Tài khoản @SaraFinance thường xuyên đăng tải video cho thiếu niên học kinh doanh. Tuy nhiên, ít ai để ý dòng tuyên bố từ chối trách nhiệm với nội dung: "Thông tin được cung cấp trên trang web và trong các video chỉ là kiến thức chung. Đừng xem chúng là lời khuyên chuyên nghiệp”.
Hashtag #PassiveIncome phủ sóng TikTok với hàng nghìn video. Ảnh: TikTok.
|
Tương tự, @Biaheza, chủ kênh sở hữu 240.000 người theo dõi, cũng nổi tiếng nhờ dẫn đầu xu hướng bán hàng không kho bãi và hướng dẫn fan làm theo. Trên trang web cá nhân, anh ta cố tình ghi một dòng cảnh báo nhỏ, khẳng định không tác động, xúi giục hay đảm bảo mức thu nhập của bất kỳ ai.
Đa số “chuyên gia” như Sara hay Biaheza đều không có bằng cấp hay chứng chỉ chuyên môn. Bí quyết thành công của họ chỉ đơn giản là lợi dụng lòng tham của khán giả, Insider khẳng định.
Theo tổng hợp của Paxful với 1.212 video chứa lời khuyên tài chính trên TikTok, cứ 7 clip lại có 1 nội dung phi lý, nhảm nhí. Đồng thời, báo cáo cũng chỉ ra thất bại của những phương pháp tăng thu nhập thụ động kể trên.
“Vấn đề đáng lo ngại là chúng vẫn xuất hiện tràn lan. Chính nền tảng cũng không xác minh, quản lý tốt được các video độc hại. Trong khi đó, hàng nghìn khán giả tiếp tục tin, làm theo và mất tiền của, thời gian”, cố vấn kinh tế Rebecca Robertson nói.
Robertson cũng khẳng định “ngồi mát ăn bát vàng” là điều rất khó xảy ra. Thành công lớn nhất của các influencer này là tạo ra một lối sống mới.
“Thu nhập thụ động hoạt động tốt nhất khi nó nhất quán, dễ quản lý và ít biến động. Thay vì tiếp tục ảo tưởng, các bạn nên tập trung kiếm tiền theo cách truyền thống. Nó không dễ dàng, nhưng lại đáng tin cậy và phù hợp cho mọi kiểu người”, nữ chuyên gia nói thêm.
Hoàng Kỳ
ZING
|