Toàn cảnh kinh tế xã hội Việt Nam năm 2022
Kinh tế xã hội Việt Nam năm 2022 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phải đối mặt với những thách thức lớn, biến động nhanh, khó lường và tính bất ổn cao; lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ buộc các quốc gia phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, với sự điều hành linh hoạt kịp thời của Chính phủ, kinh tế Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt trội. Nhiều chỉ tiêu kinh tế xã hội hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra.
Về kinh tế, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2022 tăng 8.02% so với năm trước, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022 do nền kinh tế khôi phục trở lại.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2022 duy trì tăng trưởng ổn định, giữ vững vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp cả năm 2022 ước tăng 7.8%, trong đó một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao. Tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường năm 2022 đạt 208.3 ngàn doanh nghiệp, tăng 30.3% so với năm 2021.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành năm 2022 ước đạt 3,219.8 ngàn tỷ đồng, tăng 11.2% so với năm trước, mức tăng này phản ánh đà phục hồi mạnh mẽ của hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đạt gần 22.4 tỷ USD, tăng 13.5% so với năm trước, đạt mức cao nhất từ năm 2018 đến nay.
Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2022 ước đạt 1,784.8 ngàn tỷ đồng, tổng chi ước đạt 1,562.3 ngàn tỷ đồng. Ngân sách Nhà nước bội thu gần 223 ngàn tỷ đồng trong năm.
Năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 732.5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tăng 10.6%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2022 ước tính xuất siêu 11.2 tỷ USD.
Bình quân năm 2022, CPI tăng 3.15%, lạm phát cơ bản tăng 2.59% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.
Nhật Quang
FILI
|