'Ẩn số' lạm phát cơ bản
Việc kiểm soát lạm phát trong giai đoạn cuối năm 2022 – đầu năm 2023 gần như ở trong “tầm tay”, nhưng các chuyên gia vẫn lo ngại khi lạm phát cơ bản vẫn đang tiếp tục tăng nhanh.
Lạm phát được nhận định là thách thức lớn đối với Việt Nam trong năm sau. Ảnh minh họa: L.V.
|
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục vượt mức trần 4% trong tháng 11, nhưng con số cả năm 2022, sắp được công bố trong tuần cuối cùng này, nhiều khả năng sẽ nằm dưới mức mục tiêu, theo đánh giá của các chuyên gia.
Điều này cho thấy điểm sáng của việc kiểm soát lạm phát toàn phần, tuy nhiên, nếu nhìn sâu vào chỉ số này thì lạm phát cơ bản lại trở thành điểm đáng lưu tâm hơn vì tốc độ tăng vẫn ở mức cao.
Lạm phát cơ bản tính loại trừ các yếu tố thực phẩm, năng lượng vì tính biến động giá nhanh và mạnh, khi đó chỉ còn tác động của yếu tố tiền tệ cơ bản.
Lạm phát cơ bản tiếp tục tăng theo chiều dốc lên. Nguồn: TPS.
|
Cập nhật trong tháng 11, lạm phát cơ bản tăng 0,43% so với tháng và 4,81% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng CPI chung của tháng 11 (lần lượt là 0,39% và 4,37%).
Còn nếu tính chung 11 tháng thì lạm phát cơ bản tăng 2,38%, thấp hơn CPI chung là 3,02%), cho thấy sự tăng giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm và giá xăng dầu gây ra.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) chia sẻ tại tọa đàm hồi đầu tháng 12, tốc độ tăng của lạm phát cơ bản hiện nay là một thách thức đối với nhà điều hành chính sách tiền tệ.
Sự dè chừng này nằm ở “tác động vòng 2” của giá hàng hóa. Đại diện NHNN cho biết cho đến nay vẫn chưa xuất hiện tác động nhập khẩu, trong khi nền kinh tế Việt Nam hiện có độ mở thương mại rất lớn. “Không thể chủ quan với lạm phát”, ông Quang khẳng định.
Đánh giá tương tự, khối nghiên cứu của HSBC cho rằng bên cạnh những rủi ro ảnh hưởng đến tăng trưởng ngày một gia tăng, lạm phát gia tăng cũng là một vấn đề cần lưu tâm, đặc biệt là lạm phát cơ bản.
Yếu tố lương thực, thực phẩm tiếp tục “kéo” CPI tăng cao.
|
Trong năm 2022, Việt Nam đối mặt với áp lực lạm phát toàn phần khi giá năng lượng tăng cao, đồng thời đối mặt với tình trạng thiếu năng lượng. Bên cạnh đó, chi phí nguyên liệu đầu vào cũng tăng trên diện rộng.
Đến quí 4, giá xăng dầu giảm đáng kể, cộng hưởng với các chính sách tăng lãi suất, giữ “phòng tuyến tỷ giá” đã phần nào giúp kéo lùi chỉ số giá tiêu dùng, ổn định tâm lý kỳ vọng lạm phát.
Tuy nhiên, áp lực lạm phát năm sau vẫn là không nhỏ, khi nhìn vào con số mục tiêu lạm phát đã nâng từ mức 4% lên 4,5%. Đi cùng đó, hàng loạt các tổ chức dự báo nâng lạm phát trong năm sau.
Trong báo cáo kinh tế Việt Nam tháng 12 cập nhật mới đây, HSBC giảm dự báo lạm phát năm 2022 (từ mức 3,4% xuống còn 3,2%), nhưng nâng dự báo lạm phát năm 2023 từ mức 3,7% lên 4%.
Tương tự, kết quả điều tra kỳ vọng lạm phát của các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam công bố giữa tháng 12, cho thấy mức lạm phát năm 2023 kỳ vọng là 3,96%, tăng đáng kể so với kỳ khảo sát hồi tháng 10 là 3,47%.
Giá xăng dầu giảm tác động tích cực đến chỉ số giá tiêu dùng.
|
Ngoài những điểm sáng kiểm soát giá cả trong nước, Việt Nam vẫn sẽ phải đối mặt với những yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến lạm phát.
Yếu tố đầu tiên là giá cả năng lượng vẫn khó đoán định, đặc biệt là phụ thuộc vào tình hình địa chính trị thế giới, cuộc chiến Nga và Ukraine, độ mở và kiểm soát dịch Covid-19 ở Trung Quốc, nguồn cung dầu từ OPEC và động thái của các quốc gia lớn.
Một vấn đề lớn khác nữa ảnh hưởng đến câu chuyện lạm phát là tỷ giá. Điều này còn phụ thuộc vào dòng tiền ngoại chảy vào Việt Nam, câu chuyện thương mại và tốc độ tăng lãi suất đồng đô la Mỹ. Một điểm sáng là kỳ vọng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm tốc tăng lãi suất, góp phần giảm áp lực tỷ giá của các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Một ảnh hưởng lớn đến lạm phát Việt Nam phải kể đến là câu chuyện mở cửa thị trường Trung Quốc.
Theo nghiên cứu của VinaCapital, sự sụt giảm của đồng đô la gần đây giúp giảm bớt áp lực mất giá tiền đồng, nhưng đồng nhân dân tệ tăng giá được xem là yếu tố chính thúc đẩy tiền đồng phục hồi trong thời gian qua. Từ khi Trung Quốc thay đổi chính sách “zero Covid” vào ngày 7-12, đồng nhân dân tệ và Việt Nam đồng đều ghi nhận sự tăng giá đáng kể (hơn 5%).
Tuy nhiên, việc đối tác thương mại lớn nhất mở cửa cũng sẽ gây áp lực lên giá lương thực và năng lượng ở Việt Nam (vốn chiếm gần một nửa trong rổ tính CPI của Việt Nam), bên cạnh lợi ích chính mà Việt Nam sẽ có được là hỗ trợ cho tăng trưởng GDP khi du khách Trung Quốc quay trở lại, theo ông Michael Kokalari, chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital.
Bên cạnh đó, áp lực lạm phát còn đến từ câu chuyện trong nước. Theo TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính, Đại học UEH, trong năm sau có sự kiện quan trọng là tăng lương cơ sở, thường là yếu tố kéo theo lạm phát trong quá khứ.
Khối nghiên cứu HSBC đánh giá những thách thức nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn trong năm 2023, đặc biệt sau khi những hiệu ứng do mở cửa trở lại “nhạt dần” và tác động của lạm phát cao bắt đầu ảnh hưởng dù chậm trễ.
“Cộng thêm hiệu ứng cơ sở không thuận lợi, chúng tôi dự báo áp lực lạm phát sẽ còn tăng trong vài quí tới, Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng phải tiếp tục có những biện pháp tiền tệ để “hãm phanh”, báo cáo HSBC nhận định.
Còn ông Huân cho rằng thị trường cần chuẩn bị kịch bản xấu nhất để có sự ứng phó cho phù hợp. “Lạm phát có nhiều biến số mà chúng ta không dự báo được, nên rủi ro về sự bất ổn kinh tế vĩ mô thế giới vẫn rất căng thẳng trong năm 2023”, ông Huân nhận định.
Dũng Nguyễn
TBKTSG
|