Quyết liệt với lãi suất
Với việc các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất tiền gửi gần đây, mà có thể dẫn đến những bất ổn kinh tế, cần phải có những giải pháp sớm ổn định biến số vĩ mô cực kỳ quan trọng này.
Cuộc đua không có lợi
Sau hai đợt giảm lãi suất điều hành trong tháng 9 và tháng 10-2022 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong khi lãi suất tái cấp vốn hay cho vay qua đêm thanh toán điện tử liên ngân hàng chỉ mới về lại mức ngang trước với đại dịch Covid-19 (trước thời điểm ngày 17-3-2022), tương ứng tại các mức 6% và 7%, thì trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng đã tiến một bước dài.
Cụ thể, trong năm 2020, để ứng phó với đại dịch, NHNN đã có ba lần giảm trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng với tổng mức giảm là 1 điểm phần trăm. Cụ thể, giảm 0,25 điểm phần trăm từ ngày 17-3-2020, tiếp đến giảm thêm 0,5 điểm phần trăm từ ngày 13-5-2020 và giảm tiếp 0,25 điểm phần trăm từ ngày 30-9-2020. Nhưng trong hai đợt điều chỉnh gần đây, mức tăng mỗi lần lên đến 1 điểm phần trăm, qua đó đã đưa trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng cao hơn 1 điểm phần trăm so với mức trước đại dịch.
Xu hướng tăng lãi suất mạnh mẽ và rõ rệt hơn diễn ra ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, do các kỳ hạn này không bị áp trần theo quy định. Điều này cho thấy áp lực thanh khoản và nhu cầu cạnh tranh vốn mà hệ thống ngân hàng đang phải đối mặt.
Theo thông tin từ Hiệp hội Ngân hàng (VNBA), so với cuối năm 2021, nhìn chung, lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng hiện nay đã tăng khoảng 3- 4 điểm phần trăm ở các kỳ hạn trên 6 tháng và trên 12 tháng.
Mục tiêu kiềm chế, ngăn chặn đà tăng quá nhanh của lãi suất trong thời gian gần đây cần được quan tâm hơn và nên là một nhiệm vụ trọng tâm cần phải đạt được trong nền kinh tế ở giai đoạn cuối năm nay cũng như năm sau.
|
Còn nếu so với mặt bằng lãi suất bình quân giai đoạn tháng 2-2020, thời điểm trước khi nhà điều hành giảm các mức lãi suất điều hành, kỳ hạn 1-5 tháng hiện nay đã cao hơn gần 2,3 điểm phần trăm, cho thấy số lượng ngân hàng hiện đang niêm yết lãi suất tiền gửi ở các khung kỳ hạn này ngay tại mức trần hoặc cận kề mức trần lớn hơn nhiều so với trước.
Trong khi đó, lãi suất bình quân kỳ hạn 6-11 tháng hiện cũng cao hơn 2,8 điểm phần trăm, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên cao hơn 2,6 điểm phần trăm so với cùng thời điểm.
Thực tế, tại thời điểm trước khi đại dịch bùng phát, lãi suất huy động kỳ hạn 12-13 tháng của các ngân hàng cao nhất cũng chỉ ở mức quanh 8%, thì hiện nay đã vượt mốc 10%, thậm chí leo lên đến mốc 11-12% sau khi cộng biên độ tại một số ngân hàng.
So sánh như vậy để thấy mặt bằng lãi suất tiền gửi đã tăng quá nhanh trong những tháng gần đây như thế nào. Nguy hiểm hơn là đã có hiện tượng các ngân hàng đua lãi suất huy động, cạnh tranh không lành mạnh, lôi kéo khách hàng lẫn nhau bằng những chính sách cộng thêm lãi suất ngoài khung niêm yết đối với các kỳ hạn không bị quy định trần lãi suất.
Về nguyên nhân khiến lãi suất huy động tăng vọt gần đây, ngoài ảnh hưởng bởi một số chính sách thắt chặt tiền tệ, một số ngân hàng quy mô nhỏ và vừa buộc phải tăng lãi suất lên mức cao hơn mặt bằng chung của thị trường để giữ chân khách hàng, do người dân có hiện tượng thiếu niềm tin vào ngân hàng quy mô nhỏ sau những thông tin tiêu cực liên quan đến ngân hàng TMCP Sài Gòn gần đây.
Hệ quả là dòng tiền liên tục chạy từ các ngân hàng có lãi suất huy động thấp sang các ngân hàng có lãi suất huy động cao, khiến các ngân hàng đang niêm yết ở mức thấp cũng buộc phải tăng theo để giữ chân khách hàng của mình.
Vòng xoáy cứ thế tiếp tục, đẩy mặt bằng lãi suất tiền gửi cứ thế tăng dần và với tốc độ ngày càng nhanh hơn, nhất là khi việc tiếp cận vốn để hỗ trợ thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng thời gian qua trở nên khó khăn hơn, cùng với lãi suất trên thị trường này cũng leo thang và duy trì ở mức cao.
Dù vì lý do gì đi nữa, rõ ràng cuộc đua lãi suất huy động leo thang và duy trì ở mức cao không chỉ tác động tiêu cực và gây nhiều khó khăn hơn lên hoạt động của các ngân hàng, mà còn có thể tàn phá nền kinh tế và sự phát triển của các doanh nghiệp, kéo theo những bất ổn vĩ mô, tiềm ẩn rủi ro nợ xấu và nguy cơ suy thoái trong nền kinh tế như nhiều phân tích đã chỉ ra gần đây.
Quyết liệt kiềm chế lãi suất
Trước tình hình này, mục tiêu kiềm chế, ngăn chặn đà tăng quá nhanh của lãi suất trong thời gian gần đây cần được quan tâm hơn và nên là một nhiệm vụ trọng tâm cần phải đạt được trong nền kinh tế ở giai đoạn cuối năm nay cũng như năm sau. Mới đây VNBA đã tổ chức hội nghị giữa các hội viên và cho biết các hội viên đã đồng thuận giảm lãi suất.
Cụ thể, 100% hội viên của VNBA đồng thuận ở cả hai nội dung: thứ nhất, đồng thuận huy động lãi suất tiền gửi cao nhất chỉ ở mức 9,5%/năm trên tất cả các kỳ hạn (bao gồm tất cả các khoản khuyến mại cộng thêm lãi suất). Điều này sẽ ngăn chặn tình trạng cạnh tranh lãi suất huy động giữa các ngân hàng.
Thứ hai, bên cạnh đó, đồng thuận giảm lãi suất cho vay tối đa 0,5-2 điểm phần trăm tùy theo khả năng tài chính của mỗi đơn vị và tiết giảm chi phí hoạt động. Ngoài ra, một số ngân hàng đã khẳng định không để thiếu vốn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đủ điều kiện, kể cả cá nhân.
Thực tế thời gian gần đây, ngân hàng đã phát tín hiệu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng. Đơn cử mới nhất có OCB đã triển khai gói tín dụng ngắn hạn 3.000 tỉ đồng dành cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ngành hàng thiết yếu với mức lãi suất ưu đãi đặc biệt chỉ từ 8%/ năm. VPBank cũng thông báo giảm lãi suất cho vay tới 1,5 điểm phần trăm cho khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, áp dụng với cả các khoản vay ngắn và trung hạn. Tuy nhiên, chính sách giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng gần đây dường như nhằm mục đích để được nới thêm tăng trưởng tín dụng cao hơn trong năm nay cũng như năm sau.
Nhìn lại quá khứ, không ít lần hệ thống ngân hàng cũng đạt được các đồng thuận về việc giữ lãi suất ổn định, tuy nhiên thực tế sau đó cho thấy việc duy trì các đồng thuận này không phải là điều dễ dàng, không chỉ do bối cảnh vĩ mô liên tục biến động khó lường mà còn vì thực trạng nguồn vốn và áp lực thanh khoản cục bộ tại mỗi ngân hàng là khác nhau, trong khi việc tiếp cận vốn thông qua vay mượn trên thị trường liên ngân hàng cũng thay đổi theo từng thời kỳ.
Dù vậy, với diễn biến thị trường ngoại tệ, tỷ giá đã bớt căng thẳng, lạm phát vẫn được kiểm soát tốt, thanh khoản hệ thống ngân hàng đã được cải thiện hơn khi tiền gửi dân cư liên tục chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng trong thời gian gần đây, có không ít kỳ vọng đồng thuận lần này sẽ được duy trì, nhất là khi NHNN mới đây cũng cam kết luôn sẵn sàng cung ứng ứng vốn đầy đủ cho hệ thống.
Ngân hàng nào khó khăn về thanh khoản thì NHNN sẽ có giải pháp hỗ trợ thông qua các công cụ như cho vay qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO), nghiệp vụ hoán đổi ngoại tệ (SWAP ngoại tệ), cho vay tái cấp vốn.
Cụ thể, tại Hội nghị bàn thống nhất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh sáng ngày 15-12-2022, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN hôm nay đã có chỉ đạo yêu cầu các ngân hàng đều phải giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay theo quy mô và tiềm lực để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
Ông cũng cho biết “Đây là chỉ đạo chứ không phải kêu gọi. Tinh thần tiết giảm chi phí, giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp là chỉ đạo của Thủ tướng và NHNN. Còn ngân hàng nào khó khăn không làm được thì báo cáo NHNN để chúng tôi có biện pháp hỗ trợ”.
Về phần mình, chia sẻ tại hội nghị, đại diện nhiều ngân hàng đề nghị NHNN có các biện pháp hỗ trợ thanh khoản hệ thống thông qua cho vay cầm cố giấy tờ có giá kỳ hạn dài trên thị trường mở, hoán đổi ngoại tệ hay cho vay tái cấp vốn. Đồng thời, các ngân hàng cũng mong muốn NHNN có thể nới lỏng hơn quy định về cho vay/huy động (LDR) trong bối cảnh huy động vốn khó khăn.
Tuệ Nhiên
TBKTSG
|