Việc tăng lãi suất của Fed gần đây có ý nghĩa thế nào với Việt Nam?
ACBS duy trì kỳ vọng lãi suất chính sách chính có thể tăng dần 50 điểm cơ bản vào cuối năm 2022 và tăng thêm 100-200 điểm cơ bản vào năm 2023.
Bất chấp lạm phát cao ở Mỹ, cùng với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương lớn khác tăng lãi suất và chương trình thắt chặt định lượng của Fed, trong báo cáo cập nhật mới phát hành, Chứng khoán ACB (ACBS) duy trì kỳ vọng CPI năm 2022 của Việt Nam sẽ tăng trong khoảng 3.2-4% và vẫn nằm trong mục tiêu 4% của Chính phủ. Tuy nhiên, ACBS dự kiến những tác động gián tiếp của việc tăng giá xăng dầu và các chi phí điện, nước, y tế và giáo dục tăng trong năm 2023 sẽ gia tăng áp lực lên lạm phát và ACBS dự kiến lạm phát năm 2023 có thể đạt mức cao nhất 4.5% (vẫn trong mục tiêu 4.5% của Chính phủ cho năm 2023).
Bên cạnh đó, ACBS dự kiến thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ duy trì ở mức hiện tại để hỗ trợ VNĐ từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Cho nên, dự kiến lãi suất liên ngân hàng có thể tăng thêm 50-100 điểm phần trăm từ mức hiện tại trong tháng cuối của năm 2022 và có thể tăng thêm 50-100 điểm phần trong trong 6 tháng đầu năm 2023 khi Fed dự kiến tiếp tục tăng lãi suất. ACBS kỳ vọng NHNN sẽ tiếp tục duy trì chênh lệch lãi suất VNĐ và USD liên ngân hàng dương để hỗ trợ tỷ giá VND/USD, do đó, với việc lãi suất điều hành của Fed (FFR) tiếp tục cao và cao hơn vào cuối năm, ACBS không kỳ vọng NHNN sẽ hạ nhiều lãi suất liên ngân hàng trong những tháng tới. Ngoài ra, ACBS duy trì kỳ vọng lãi suất chính sách chính có thể tăng dần 50 điểm cơ bản vào cuối năm 2022 và tăng thêm 100-200 điểm cơ bản vào năm 2023.
ACBS cũng dự kiến những áp lực mất giá của VNĐ trong năm 2023 sẽ thấp khi:
Thứ nhất, USD suy yếu trong thời gian gần đây đã góp phần làm cho VNĐ mạnh. ACBS dự đoán xu hướng này có thể tiếp tục do Fed dự kiến giảm tốc độ tăng lãi suất vào năm 2023 và có thể dừng tăng lãi suất trong nửa cuối năm 2023.
Thứ hai, theo cổng thông tin của Chính phủ chuyên trang TPHCM, lượng kiều hối về TPHCM dự kiến đạt 6.8 tỷ USD trong năm 2022 (tăng so với 6.5 tỷ USD trong năm 2021).
Thứ ba, FDI giải ngân dự kiến tiếp tục tăng trưởng mạnh và giải ngân vốn FDI 11T2022 tiếp tục tăng 15.1% so với cùng kỳ, đạt 19.7 tỷ USD.
Thứ tư, rủi ro suy thoái gia tăng, đặc biệt là ở các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, EU và Trung Quốc. May mắn thay, như trong dự báo kinh tế của Fed báo hiệu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2023 của Mỹ sẽ tiếp tục tăng 0.5% vào năm 2023, do đó, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, một trong những nguồn cung cấp USD chính, có thể vẫn khả quan vào năm 2023, mặc dù tốc độ tăng trưởng có thể chậm lại.
Thứ năm, ngày 15/12, NHNN niêm yết lại tỷ giá mua USD (là tỷ giá NHNN mua USD từ các NHTM), đây là thông tin tích cực đối với thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Động thái này báo hiệu NHNN sẽ bắt đầu mua lại ngoại tệ từ các NHTM có trạng thái ngoại tệ dương. Đây là thông tin rất tốt cho thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong thời điểm này bởi nếu NHNN mua vào USD sẽ trực tiếp bơm thanh khoản vào hệ thống ngân hàng, giúp giảm bớt sự thiếu hụt thanh khoản cho hệ thống.
Nhìn chung, ACBS nhận định trung lập đối với tỷ giá trong 6 tháng đầu năm 2023 và dự kiến VNĐ có thể tăng giá nhẹ trong nửa sau năm 2023.
Hàn Đông
FILI
|