Quỹ cổ phiếu tại Mỹ bị rút ròng kỷ lục
Giới đầu tư đã bán cổ phiếu với giá trị cao kỷ lục trong tuần tính đến ngày 21/12, mà theo BofA Global Research, nguyên nhân bán tháo có liên quan tới vấn đề thuế.
Các quỹ cổ phiếu của Mỹ đã bị rút ròng 41.9 tỷ USD trong tuần tính đến ngày 21/12, ghi nhận tuần bị bán tháo mạnh nhất từ trước đến nay, theo số liệu mà BofA, Citigroup, Barclays dẫn từ EPFR Global. Các quỹ cổ phiếu giá trị và quỹ thụ động lần lượt bị rút ròng kỷ lục, lần lượt là 17.2 tỷ USD và 27.8 tỷ USD, BofA Global Research cho hay.
Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2022 đến nay, các quỹ cổ phiếu vẫn hút ròng 166.5 tỷ USD, cho thấy các nhà đầu tư vẫn chưa hoàn toàn rút lui và thị trường cổ phiếu năm 2023 có thể giảm hơn nữa.
BofA cho biết thu thuế lỗ là nguyên nhân dẫn đến việc dòng tiền tháo chạy khỏi cổ phiếu cao kỷ lục. Đây là chiến lược liên quan đến việc bán lỗ các tài sản để bù đắp thuế trên thặng dư vốn.
Bên cạnh việc rút tiền khỏi cổ phiếu, nhà đầu tư cũng giảm nắm giữ tiền mặt 59.5 tỷ USD, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 02/2022. Họ cũng đã bán trái phiếu hạng đầu tư và lợi suất cao với số lượng cao nhất 9 tuần qua.
Ngược lại, quỹ trái phiếu thị trường mới nổi tại địa phương lại hút ròng lần đầu tiên kể từ tháng 04/2022. Quỹ cổ phiếu của khối thị trường này cũng ghi nhận tuần thứ 3 hút ròng liên tiếp với 3.2 tỷ USD.
Làn sóng bán tháo cổ phiếu diễn ra trong tuần mà ngân hàng trung ương Nhật Bản gây sốc cho cả thị trường tài chính khi quyết định nới biên độ mục tiêu của trái phiếu chính phủ dài hạn và điều chỉnh chính sách kiểm soát đường cong lợi suất trái phiếu.
Giới phân tích của BofA cho biết họ ưu tiên đầu tư vào hàng hoá hơn trái phiếu, cổ phiếu của các nước khác hơn là cổ phiếu Mỹ và cổ phiếu vốn hoá nhỏ hơn là cổ phiếu vốn hoá lớn. Xét về ngành, họ ủng hộ đầu tư vào cổ phiếu giá trị hơn cổ phiếu tăng trưởng, công nghiệp và ngân hàng hơn là công nghệ và quỹ đầu tư tư nhân.
Tuần trước, thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng mạnh khi một số ngân hàng trung ương lớn tăng lãi suất, bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương châu Âu, kèm theo nhiều cảnh báo rằng cần phải tăng lãi suất nhiều hơn để kiềm soát lạm phát. Đà phục hồi của chứng khoán Mỹ vào cuối năm nay bị chững lại khi số liệu kinh tế hỗ trợ cho quan điểm của Fed rằng nền kinh tế có thể chịu đựng được việc siết chặt chính sách hơn nữa, mà không rơi vào suy thoái.
Chỉ số S&P 500 của Mỹ giảm 3.6% trong 10 phiên gần nhất và đang ở mức thấp nhất hơn 6 tuần. Chỉ số này hiện chắc chắn đang rơi vào xu hướng giảm và có thể sẽ ghi nhận năm giảm mạnh nhất kể từ năm 2008. STOXX 600 của châu Âu cũng giảm từ mức cao nhất 6 tuần.
“Trong bối cảnh nhiều vấn đề của năm 2022 vẫn chưa được giải quyết, các nhà đầu tư nên chuẩn bị tinh thần đón một khởi đầu gập ghềnh cho năm 2023. Cuộc tranh luận giữa lạm phát và suy thoái, triển vọng kết quả kinh doanh, Trung Quốc mở cửa trở lại và xung đột Nga-Ukraine có thể vẫn là chủ đề chính của thị trường”, chiến lược gia Emmanuel Cau của Barclays cho biết.
Việc các quỹ trái phiếu bị rút ròng 10 tỷ USD trong tuần kết thúc vào ngày 21/12, khiến chỉ báo “Bull & Bear” của BofA giảm từ 3.1 điểm xuống 3 điểm.
Kể từ đầu năm 2022 đến nay, các quỹ trái phiếu của Mỹ chứng kiến dòng vốn rút lui đạt 257 tỷ USD. Các chiến lược gia của BofA dự đoán rằng loại tài sản này sẽ hoạt động hiệu quả hơn cổ phiếu trong nửa đầu năm tới.
Tại Vương quốc Anh, các quỹ cổ phiếu cũng ghi nhận dòng vốn chảy ra cao chưa từng thấy, ở 26.3 tỷ USD trong tuần kết thúc vào ngày 21/12, theo số liệu của EPFR Global. Với việc bị rút vốn liên tục trong 45 tuần qua, các quỹ cổ phiếu của châu Âu có thể có năm tồi tệ nhất từ trước đến nay, trừ năm 2016.
Kim Dung (Theo Reuters, Bloomberg)
FILI
|