Nhà máy, chuỗi cung ứng Trung Quốc lại hỗn loạn vì dịch COVID-19
Việc đại dịch COVID-19 càn quét khắp Trung Quốc đang gây ra sự gián đoạn trên diện rộng, việc thiếu nhân công có thể khiến dây chuyền sản xuất và logistics của các nhà máy phải tạm ngừng, chuỗi cung ứng rơi vào hỗn loạn.
Sản xuất, logistics gián đoạn
Biến thể omicron của virus corona bắt đầu lan ra một số thành phố lớn kể từ khi chủ tịch Tập Cận Bình bất ngờ thay đổi chính sách Zero COVID hồi đầu tháng này. Theo một số ước tính, Bắc Kinh là thành phố có ca nhiễm bệnh tăng mạnh nhất, với hơn một nửa dân số đã nhiễm bệnh.
Nhiều nhân viên văn phòng đã bắt đầu làm việc tại nhà nhưng một số nhà máy đang nhận thấy lực lượng bị mỏng dần vì nhân công bị nhiễm COVID-19. Điều này đang gây ra sự gián đoạn ngày càng lớn đối với chuỗi sản xuất và cung ứng, các chủ doanh nghiệp và giám đốc điều hành cho biết.
Chủ của một nhà máy sản xuất bảng mạch in ở tỉnh Sơn Đông cho biết chỉ 20% nhân viên đến làm việc vào ngày 16/12, số còn lại đều báo nghỉ vì mắc COVID-19. “Hết người này đến người khác cho kết quả dương tính. Tôi lo là sẽ phải đóng cửa nhà máy”, ông nói.
Các doanh nghiệp ở Trung Quốc rõ ràng đang không biết phải đối phó như thế nào với việc số ca nhiễm COVID-19 tăng đột ngột sau khi chính phủ nới lỏng chính Zero COVID. Hai phương án phổ biến nhất hiện nay mà các chủ doanh nghiệp làm là hoặc nới lỏng tất cả biện pháp kiểm soát hoặc cách ly lực lượng lao động để giúp dây chuyền sản xuất tiếp tục hoạt động.
Quản đốc tại một nhà máy lắp ráp ô tô ở tỉnh Hà Bắc cho biết công ty của ông đang có ý định khôi phục lại mô hình vòng khép kín, tức là nhân viên sống và làm việc tại chỗ trong thời gian dịch COVID-19 nhằm duy trì hoạt động sản xuất và tránh lây lan virus.
“Nếu không làm thế, chúng tôi sẽ không còn công nhân nào làm việc được nữa”, ông nói.
Ở những nơi khác, chủ các nhà máy lại bỏ một số quy định hạn chế như xét nghiệm PCR và cách ly công nhân tiếp xúc với bên ngoài.
Theo Jörg Wuttke, chủ tịch Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc, các nhà sản xuất sẽ không thể dựa mãi vào mô hình vòng khép kín. Ông cho biết việc một số lượng lớn nhân công đã bị nhiễm bệnh và nhà máy thiếu các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan có nghĩa là những chiến lược này sẽ không còn hiệu quả nữa.
Tuy nhiên, có một số bằng chứng cho thấy tình trạng gián đoạn sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Nhà máy của Foxconn tại Trịnh Châu, nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới, là một trong những nhà máy đã dỡ bỏ các hạn chế nghiêm ngặt và sản xuất đang dần phục hồi, theo một nhân viên ở đây.
Tháng 10/2022, công nhân tại nhà máy này đã đình công sau khi công ty buộc họ phải ở lại khu ký túc xá trong khi nguồn cung thực phẩm và vật tư y tế sắp cạn kiệt. Đến tháng 12/2022, Foxconn đã bỏ quy định xét nghiệm PCR hàng ngày cũng như tháo dỡ các hàng rào kim loại nhằm ngăn nhân viên rời khuôn viên nhà máy.
Thậm chí, những công nhân bị dương tính với COVID-19 có thể tiếp tục làm việc hoặc cách ly trong ký túc xá. Nhân viên của Foxconn cũng khẳng định việc sản xuất đã trở lại bình thường sau khi công ty tuyển dụng công nhân mới và những người từng nghỉ việc cũng quay trở lại.
Giới chuyên gia cho rằng các nhà máy sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân công cho đến tháng 02/2023, sau Tết Nguyên đán. Sự bùng phát của biến thể omicron đã khiến làn sóng di chuyển hàng năm của hơn 290 triệu lao động nhập cư từ các tỉnh ven biển trở về quê để nghỉ tết diễn ra sớm hơn mọi năm.
Chen Long, một đối tác tại công ty cung cấp dịch vụ nghiên cứu Plenum, cho biết: “Những lĩnh vực phụ thuộc vào lao động nhập cư đang gặp khó khăn vì nhiều người đã về quê nghỉ lễ, dù 5 tuần nữa mới đến Tết Nguyên đán. “Mọi thứ sẽ khá yên ắng cho đến cuối tháng 01/2023”, ông nói.
Ngoài nhân công, các chủ doanh nghiệp cũng đang phải giải quyết vấn đề về chuỗi cung ứng. Ông Wuttke của Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc cho biết số lượng tài xế xe tải dương tính với COVID-19 ngày càng tăng và điều này sẽ gây ra sự gián đoạn đối với hoạt động logistics.
Một số nhà máy sẽ buộc phải giảm tốc độ sản xuất do thiếu linh kiện từ những nhà cung cấp phải đóng cửa.
Jacob Cooke, giám đốc điều hành của WPIC Marketing + Technologies, công ty điều hành một số nhà kho trên khắp Trung Quốc, cho biết ông đã từng giao hàng chậm do các tài xế bị nhiễm COVID-19.
“Tuyến đường giao hàng giữa các thành phố lớn có nhiều điểm dừng để tài xế trao đổi hàng hóa. Chỉ cần một tài xế báo ốm, và mọi thứ sẽ bị hoãn lại vào một ngày khác”, ông nói.
Một nhà bán lẻ mỹ phẩm ở thành phố Thâm Quyến cũng cho biết hàng hoá của cô đang có nguy cơ bị giao trễ tới khách hàng do nhiều tài xế có kết quả xét nghiệm dương tính. “Hiện tại hệ thống giao hàng rất chậm”, cô nói.
Dấu hiệu bình thường hoá
Các nhà đầu tư đang hy vọng rằng tình hình gián đoạn chỉ mang tính ngắn hạn và Trung Quốc sẽ đẩy nhanh tốc độ mở cửa sau 3 năm bị cô lập với phần còn lại của thế giới.
“Nếu virus tiếp tục lây lan với tốc độ hiện tại, nhiều thành phố sẽ vượt qua đỉnh dịch vào giữa tháng 01/2023. Hoạt động kinh tế sẽ khôi phục nhanh chóng vào tháng 02/2023. Câu hỏi quan trọng bây giờ là tốc độ bình thường hoá sẽ như thế nào. Có vẻ như nó có thể diễn ra nhanh hơn nhiều so với dự kiến”, ông Chen nhận định.
Tuy nhiên, Shaun Rein, giám đốc của China Market Research Group, cảnh báo rằng người tiêu dùng Trung Quốc sẽ không đẩy mạnh chi tiêu khi đỉnh dịch qua đi. “Nhiều công nhân bị cắt giảm lương trong năm 2022. Niêm tin của người tiêu dùng đang rất thấp. Rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã ngừng hoạt động”, ông nói.
Cũng đã có những dấu hiệu cho thấy sự phục hồi của du lịch trong nước và quốc tế.
Các nhà phân tích của Citi cho biết: “Chúng tôi cho rằng nhu cầu ‘về nhà’ trong dịp Tết Nguyên đán có thể cao hơn kỳ vọng trước đây”. Họ trích dẫn dữ liệu của nhà cung cấp dịch vụ du lịch Qunar cho thấy lượng đặt vé máy bay trong kỳ nghỉ lễ tăng hơn 8 lần, được thực hiện trong tuần sau khi chính sách Zero COVID được nới lỏng vào ngày 07/12.
Ngoài ra, nhu cầu du lịch quốc tế cũng rất lớn sau một thời gian dài bị dồn nén. Lượt tìm kiếm chuyến bay trong thời gian giao thừa đã tăng lên mức cao nhất trong 3 năm qua trên trang du lịch Ctrip sau khi các hạn chế được nới lỏng.
Hua Yifan, giám đốc của nhà sản xuất quần áo Shanhui Dress tại thành phố Gia Hưng, là một trong những nhà xuất khẩu hưởng lợi khi các quy định hạn chế đi lại được nới lỏng. Ông Hua cùng phái đoàn gồm 100 nhà xuất khẩu đã đến Nhật Bản vào đầu tháng 12/2022 trong chuyến đi kéo dài một tuần do sở thương mại của thành phố tổ chức.
“Đây là lần đầu tiên tôi trực tiếp tham dự Hội chợ thời trang châu Á kể từ khi đại dịch bắt đầu vào năm 2020. Tôi rất háo hức được gặp những khách hàng mà tôi đã lâu không gặp”, ông Hua cho hay.
Trong chuyến đi, ông đã giành được các đơn đặt hàng trị giá 5 triệu USD từ 7 công ty Nhật Bản. Ông cho biết thị trường Nhật Bản thường đóng góp 50% doanh thu hàng năm của Shanhui.
Ông Cooke của WPIC Marketing + Technologies dự đoán rằng nếu chính phủ Trung Quốc tiếp tục nới lỏng, nó sẽ kích hoạt làn sóng đi lại của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài, những người đã không thể đến Trung Quốc để gặp gỡ nhân viên và đối tác kinh doanh trong 3 năm qua. Hoạt động đi lại bị hạn chế đã khiến rất nhiều khoản đầu tư không thể xảy ra trong thời gian qua.
Kim Dung (Theo FT)
FILI
|