Chủ Nhật, 18/12/2022 19:35

CEO TSMC: Thị trường chip đang bị bóp méo vì căng thẳng địa chính trị

Căng thẳng giữa hai siêu cường quốc thế giới đang bóp méo thị trường bán dẫn và xoá bỏ lợi ích của xu hướng toàn cầu hoá, CEO của TSMC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, nói trong một bài phát biểu hôm 17/12.

CEO TSMC, C.C. Wei

C.C. Wei, CEO của TSMC, cho biết đại dịch COVID-19 và chiến sự Nga – Ukraine sẽ tiếp tục làm gián đoạn chuỗi cung ứng chip, song tình thế đối đầu địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc là thách thức mới lớn nhất mà ngành này đang phải đối mặt.

“Đối đầu địa chính trị đã khiến toàn bộ thị trường bán dẫn trở nên méo mó. Trước đây, bạn tạo ra một sản phẩm và có thể bán nó cho toàn thế giới. Bây giờ, một số sản phẩm không được phép bán, một số quốc gia nói rằng bạn không được phép nhập cảnh, một số quốc gia khác nói rằng bạn chỉ có thể sử dụng một số sản phẩm bản địa”, vị CEO nói, ám chỉ tới căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tình thế này đã phá huỷ toàn bộ khả năng sản xuất và hiệu quả do xu hướng toàn cầu hoá mang lại. “Những rào cản này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của nền kinh tế tự do. Điều này thực sự tồi tệ”, ông Wei nói.

Nhà sản xuất chất bán dẫn tiên tiến nhất thế giới này đã thấy mình bị cuốn vào “làn đạn” căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ vào những năm gần đây. Họ không còn có thể phục vụ một số khách hàng Trung Quốc nếu không có giấy phép của Mỹ do những quy định hạn chế mà Washington đặt ra đối với việc sử dụng công nghệ của nước này.

Theo ông Wei, khía cạnh đáng sợ nhất của tình hình hiện nay là sự tin tưởng và hợp tác lẫn nhau đang biến mất.

“Điều mà tôi cảm thấy tồi tệ nhất là lòng tin lẫn nhau và sự hợp tác quốc tế đang suy yếu. Bây giờ, nếu bạn yêu cầu Mỹ và Trung Quốc hợp tác với nhau, điều đó không hề dễ dàng. Trước đây, sự tin tưởng và hợp tác lẫn nhau là chìa khóa để con người đạt được những tiến bộ, và bây giờ, yếu tố này đang suy yếu. Đó không phải là một dấu hiệu tốt”, CEO TSMC nói.

Bình luận này được đưa ra ngay sau khi ông Wei trở về từ Mỹ, nơi TSMC đang xây dựng một nhà máy sản xuất chip trị giá 40 tỷ USD ở Arizona trong bối cảnh Washington nỗ lực tự sản xuất chất bán dẫn quan trọng. Trước đó, người sáng lập của TSMC, Morris Chang, cũng nhận định rằng toàn cầu hóa và thương mại tự do gần như đã hết thời.

Ông Wei cũng bày tỏ sự dè dặt của mình trước nỗ lực kiểm soát hoạt động sản xuất chất bán dẫn quan trọng của các quốc gia.

“Mọi người đều muốn xây dựng nhà máy bán dẫn của riêng mình, nhưng điều đó có thực tế không? Nếu dễ dàng như vậy thì đã có các nhà máy sản xuất chip ở khắp mọi nơi trên thế giới rồi”, ông nói. Theo ông, ngành công nghiệp chip đòi hỏi một hệ sinh thái hoàn chỉnh được phát triển bởi nỗ lực tích lũy của nhiều nhà cung cấp và những người chơi khác trong nhiều thập kỷ.

“Lấy chính TSMC làm ví dụ. Ngay cả trong chính công ty của chúng tôi, việc chuyển giao công nghệ mà chúng tôi đã phát triển từ thành phố Hsinchu của Đài Loan (Trung Quốc) đến nhà máy của chúng tôi ở Đài Nam đòi hỏi rất nhiều công việc khó khăn, vất vả, chưa nói đến việc chuyển từ Hsinchu sang Mỹ”, ông nói.

Đồng thời, ông Wei lần đầu tiên nói rõ ràng rằng chính trị không ảnh hưởng đến quyết định mở rộng sang Nhật Bản và Mỹ của TSMC. Sony, công ty cung cấp cảm biến hình ảnh cho Apple, và TSMC đang cùng nhau xây dựng một nhà máy ở tỉnh Kumamoto của Nhật Bản.

“Chúng tôi ở Nhật Bản chỉ vì khách hàng Nhật Bản này [Sony] cũng là nhà cung cấp quan trọng cho khách hàng lớn nhất của chúng tôi [Apple]. Và nếu sản phẩm của khách hàng lớn nhất của TSMC không bán chạy, nó cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh khác của công ty”, ông chia sẻ.

Ông cũng khẳng định thêm TSMC không bao giờ thành lập nhà máy ở nước ngoài vì các ưu đãi của Chính phủ, hoặc vì Chính phủ Mỹ hay Nhật Bản yêu cầu họ phải làm vậy. “Chúng tôi sẽ chỉ đến những quốc gia đó vì nhu cầu của khách hàng. Nhu cầu của khách hàng là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”, vị CEO cho hay.

Nói về tham vọng sản xuất chip 2 nanomet của Nhật Bản, ông cho rằng đó sẽ là một nhiệm vụ khó khăn đối với quốc gia này, vì không thể mới bước chân vào ngành công nghiệp chip lại có thể nhanh chóng vượt qua những người chơi lâu năm ở đó.

TSMC, Samsung và Intel là những công ty duy nhất có thể sản xuất chip tiên tiến và tất cả đều đặt mục tiêu đưa chip 2 nanomet vào sản xuất vào năm 2025.

Nhật Bản đang có kế hoạch lớn để giành lại vị trí của mình trong thế giới sản xuất chip toàn cầu. Để đạt được mục tiêu đó, công ty Rapidus đã được thành lập với sự hỗ trợ của Chính phủ và các công ty hàng đầu như Toyota, NEC và Sony. Rapidus cùng các đối tác đang đặt mục tiêu sản xuất chip 2 nanomet cực kỳ tiên tiến vào năm 2027.

Nhà sáng lập TSMC: Toàn cầu hoá sắp hết thời

Kim Dung (Theo Nikkei Asia)

FILI

Các tin tức khác

>   Trung Quốc 'đổi giọng' với ngành địa ốc (17/12/2022)

>   EU nhất trí áp thuế toàn cầu 15% với các tập đoàn đa quốc gia (16/12/2022)

>   IMF: Giá nhà ở châu Á có thể giảm mạnh trong năm 2023 (16/12/2022)

>   Trung Quốc tung gói hỗ trợ 143 tỷ USD để đối phó với lệnh cấm vận chip của Mỹ (16/12/2022)

>   Mỹ thêm 36 công ty Trung Quốc vào danh sách đen về thương mại (16/12/2022)

>   GDP Trung Quốc khó có thể vượt Mỹ trong vài thập niên tới (16/12/2022)

>   Chủ tịch Powell: “Fed sẽ tiếp tục thắt chặt cho tới khi hoàn thành nhiệm vụ” (15/12/2022)

>   Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không sẽ bùng nổ vào năm 2023 (15/12/2022)

>   Fed nâng lãi suất 50 điểm cơ bản, dự báo đỉnh lãi suất ở mức 5.1% (15/12/2022)

>   Công ty Nhật hợp tác với IBM để sản xuất chip tiên tiến (14/12/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật