Làm thế nào để dòng vốn tín dụng lan tỏa được đến doanh nghiệp?
Ngoài nguồn vốn tín dụng, cần khơi thông các dòng vốn khác cho doanh nghiệp.
Trên đây là lưu ý của TS Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia tại tọa đàm “Tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp” được tổ chức sáng ngày 13/12/2022.
TS. Cấn Văn Lực
|
Cần khơi thông các dòng vốn khác cho doanh nghiệp
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa quyết định nới thêm 1.5-2%, tức nâng tổng tăng trưởng chỉ tiêu tín dụng cả năm 2022 lên 15.5-16%. Năm nay, tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế cũng tương đối lớn.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng không quá quan ngại việc hấp thụ vốn hiện nay, doanh nghiệp đang rất cần vốn, đặc biệt dịp cuối năm và nhất là trước Tết Nguyên đán. Chưa kể năm nay, doanh nghiệp phải đội chi phí rất lớn, tăng nhu cầu vốn thêm từ 7-14%, trong khi các kênh huy động vốn rất khó.
Trái phiếu doanh nghiệp có lượng phát hành giảm từ 35-40% so với cùng kỳ năm trước, riêng doanh nghiệp bất động sản càng khó phát hành hơn. Với doanh nghiệp bất động sản, qua rà soát nhận thấy khó khăn lớn nhất là pháp lý, còn vốn lại là câu chuyện khác.
Như rào cản pháp lý ở TPHCM có gần 1,000 dự án và Hà Nội khoảng 400 dự án, và cả nước có khoảng 239 dự án condotel, officetel đang bị vướng, với tổng giá trị khoảng 340 tỷ USD.
Về nới room tín dụng, ông Lực cho rằng đây là điều rất tích cực vì nhiều hồ sơ, công trình, dự án đang dở dang khi trái phiếu doanh nghiệp chưa phát hành được. Nay, cần vốn cho những khoản nợ đến hạn phải thanh toán, người mua nhà phải giải ngân tiếp. Đồng thời, giúp giá cổ phiếu của khối bất động sản phục hồi tích cực hơn trong mấy ngày vừa qua.
Ông Lực cũng lưu ý rằng cần chú ý các kênh dẫn vốn khác, như trái phiếu doanh nghiệp cần khẩn trương tháo gỡ, vì đây là kênh rất quan trọng với bất động sản và các doanh nghiệp khác. Vì các ngân hàng thương mại không thể cho vay quá nhiều với bất động sản để đảo nợ.
Ngoài ra, cần sớm sửa Nghị định 65 để tháo gỡ khó khăn cả về cung và cầu cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Cung là doanh nghiệp sẽ phát hành dễ thở hơn; còn cầu là các tổ chức như ngân hàng, quỹ đầu tư, quỹ mở, công ty khác… mạnh dạn đầu tư hơn vào các doanh nghiệp. Và kiến nghị Bộ Tài chính mở hơn nữa kênh phát hành ra công chúng, để tăng tỷ lệ trong tổng giá trị phát hành lên. Như trước đây phê duyệt hồ sơ trong 60 ngày thì nay giảm xuống còn 30 hoặc 15 ngày.
Và đầu tư công, liên quan đến cơ sở hạ tầng, xây lắp, nếu vẫn tắc như thời gian qua thì các doanh nghiệp sẽ nợ đọng vốn lẫn nhau từ 60,000-70,000 tỷ đồng.
Về các nguồn vốn khác, như mua bán, sáp nhập (M&A) cũng khá sôi động, nhất là dòng vốn M&A từ nước ngoài vào; cộng thêm vốn FDI giải ngân tốt và doanh nghiệp nước ngoài rất quan tâm về mua bán, sáp nhập.
Lượng vốn tín dụng trên chưa thể đáp ứng được, cần khơi thông các dòng vốn khác.
Giải quyết bài toán vốn cho doanh nghiệp trong bối cảnh rủi ro bất định
TS. Cấn Văn Lực đưa ra ý kiến cần cân bằng tốt hơn giữa kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng, vì nếu chặt hoặc lỏng quá đều không được. Và đây là bài toán khó mà ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý các nước đều đang gặp khó. Ông Lực cho biết đang kiến nghị với Chính phủ cân bằng lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, kiến nghị cân bằng giữa các rủi ro, vì thời gian qua có thể kiểm soát rủi ro mạnh quá làm tắc nghẽn không đáng có trong bối cảnh kinh tế đang tăng trưởng. Do đó, cần cân bằng giữa ngân sách và hỗ trợ doanh nghiệp.
Hiện, chính sách tiền tệ vẫn đang thu hẹp, tỷ giá tương đối cao, lãi suất cao, dự trữ ngoại hối tương đối nhiều. Do đó, cần nhận diện thêm về chính sách tài khóa. Ông Lực chia sẻ đang kiến nghị năm tới, chính sách tài khoá cần có thêm chính sách hỗ trợ người dân như thuế, phí, có thể giãn, hoãn, hoặc giảm. Kể cả chuyện trợ giá, xăng dầu, năng lượng có làm tiếp không…
Cái cân bằng tiếp theo là cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá, nếu bây giờ, muốn kiểm soát tốt tỷ giá như NHNN đã làm thời gian qua thì phải tăng lãi suất. Nhưng vấn đề là tăng đến mức độ nào? Doanh nghiệp có chịu được không? Ông Lực dự báo yếu tố tích cực là áp lực lãi suất, tỷ giá năm tới sẽ nhẹ hơn rất nhiều, khi Mỹ sẽ tăng lãi suất trong quý 1, 2, sau đó dừng lại. Và nếu đến quý 4 năm sau, kinh tế Mỹ suy thoái, họ có thể giảm lãi suất… Khi đó, Việt Nam tính toán việc cân bằng lãi suất và tỷ giá cho phù hợp.
Hàn Đông
FILI
|