Hàng nghìn nhân viên ngân hàng Mỹ sắp mất việc
Sau khi tăng trưởng mạnh trong thời kỳ đại dịch, những ngân hàng hàng đầu phải cắt giảm chi phí. Điều này khiến hàng nghìn nhân viên ngân hàng đối mặt với nguy cơ mất việc.
Làn sóng sa thải đã lan sang ngành ngân hàng. Ảnh: Reuters.
|
Hôm 12/12, Bloomberg đưa tin ngân hàng đầu tư Goldman Sachs đã vạch ra kế hoạch sa thải hàng trăm nhân viên. Gã khổng lồ Phố Wall muốn tái cấu trúc hoạt động kinh doanh tiêu dùng và đón đầu khó khăn trong năm tới.
Nguồn tin của Bloomberg cho biết nhà băng đang soạn thảo các kế hoạch có thể loại bỏ ít nhất 400 vị trí trong mảng ngân hàng bán lẻ.
Trước đó, ngân hàng đầu tư toàn cầu Morgan Stanley có trụ sở ở Mỹ được cho là sắp cắt giảm 1.600 vị trí.
Làn sóng sa thải
Giám đốc điều hành Goldman Sachs David Solomon cho biết ông muốn giảm tham vọng của ngân hàng trong mảng dịch vụ ngân hàng tiêu dùng. Dưới thời ông Solomon, ngân hàng đầu tư Phố Wall đã triển khai một số thương vụ mua lại nhằm xây dựng một công ty đa dạng hơn. Điều đó góp phần gia tăng lực lượng lao động của nhà băng.
Trong quý III, ngân hàng có tổng cộng 49.000 nhân viên, tăng 34% kể từ cuối năm 2018. Nhà băng không tiết lộ có bao nhiêu nhân sự trong mảng tiêu dùng.
Làn sóng sa thải đã lan sang ngành ngân hàng. Đầu tháng này, CNBC đưa tin theo một nguồn thạo tin, ngân hàng đầu tư toàn cầu Morgan Stanley sẽ cắt giảm khoảng 2% lực lượng lao động. Tập đoàn hiện có 81.567 nhân viên.
Đợt sa thải sẽ ảnh hưởng tới 1.600 nhân viên và gần như mọi ngóc ngách của ngân hàng đầu tư toàn cầu.
Các nhân viên ngân hàng đang đối mặt với nguy cơ mất việc khi tăng trưởng của ngành chững lại. Ảnh: Reuters.
|
Morgan Stanley nổi tiếng với bộ phận quản lý tài sản khổng lồ và các hoạt động tư vấn, giao dịch hàng đầu. Theo nguồn tin của CNBC, nhóm cố vấn tài chính là một trong số ít bộ phận miễn nhiễm với đợt cắt giảm.
Nhóm này tạo ra doanh thu cho công ty nhờ quản lý tài sản của khách hàng.
Cùng với các đối thủ khác như Goldman Sachs, Citigroup và Barclays, ngân hàng đầu tư có trụ sở ở Mỹ đã khởi động lại "nghi thức Phố Wall", vốn bị tạm dừng trong thời kỳ dịch bệnh. Đó là sa thải những nhân viên yếu kém mỗi năm.
Các ngân hàng thường cắt giảm 1-5% lực lượng lao động trước khi trả thưởng. Điều này giúp những nhân viên còn lại được thưởng nhiều hơn.
Ngành ngân hàng đã tạm dừng việc sa thải nhân viên thường niên kể từ năm 2020. Lần cắt giảm nhân sự gần nhất của Morgan Stanley là vào năm 2019.
Cắt giảm chi phí
Nhưng Bloomberg cho rằng các đợt cắt giảm nhân sự như của Goldman Sachs không chỉ dừng lại ở việc sa thải nhân viên yếu kém thường niên. Goldman Sachs đang đối mặt với áp lực chi phí lớn sau khi chi tiền mạnh tay cho công nghệ và quá trình tích hợp hoạt động.
Giới phân tích dự đoán lợi nhuận sau điều chỉnh của Goldman Sachs sẽ giảm 44% trong năm nay. Chi phí cho mảng tiêu dùng phình to, khối lượng giao dịch sụt giảm và tài sản sụt giá có thể đè nặng lên khoản tiền thưởng cuối năm.
"Chúng ta sẽ tiếp tục gặp rắc rối về chi phí, nhất là trong thời gian tới", ông Solomon cảnh báo tại một hội nghị diễn ra vào tuần trước.
Chúng ta sẽ tiếp tục gặp rắc rối về chi phí, nhất là trong thời gian tới
Giám đốc điều hành Goldman Sachs David Solomon
"Chúng tôi đã vạch ra một số kế hoạch giảm thiểu chi phí nhất định, nhưng có thể mất một thời gian để kế hoạch phát huy tác dụng", ông nói thêm. Vị CEO khẳng định cuối cùng, Goldman Sachs vẫn sẽ tiến nhanh và tìm ra cơ hội nhờ điều chỉnh quy mô công ty.
Nói với Reuters, Giám đốc điều hành Morgan Stanley James Gorman tiết lộ ngân hàng đang chuẩn bị cho "các đợt cắt giảm nhỏ". Nhưng ông từ chối tiết lộ thời điểm cụ thể và mức độ ảnh hưởng của việc sa thải.
"Một số người sẽ phải đi. Trong hầu hết doanh nghiệp, đó là những gì phải làm sau nhiều năm tăng trưởng", ông nói thêm.
Đại dịch đã tạo ra sự bùng nổ trong các giao dịch trên toàn cầu suốt 2 năm. Nhưng đà tăng trưởng bị chặn đứng trong năm nay. Nguyên nhân là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất mạnh tay để kìm hãm lạm phát.
Kể từ đầu năm đến nay, Fed tăng lãi suất tổng cộng 3,75 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 3,75-4%, mức cao nhất kể từ tháng 1/2008. Trong cuộc họp chính sách tháng 6, tháng 7, tháng 9 và tháng 11, Fed đều tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm.
Hàng chục nghìn người làm trong lĩnh vực công nghệ cũng đã mất việc trong thời gian qua. Các gã khổng lồ công nghệ như Amazon, Twitter và Meta - công ty chủ quản của Facebook - phải sa thải hàng loạt để cắt giảm chi phí.
Thảo My
Zing.vn
|