JPMorgan: Chứng khoán Đông Nam Á sẽ hồi phục vào nửa cuối năm 2023
Chứng khoán Đông Nam Á sẽ giảm vào đầu năm 2023 nhưng sẽ phục hồi mạnh vào 6 tháng cuối năm, theo JPMorgan.
Trong báo cáo, các chuyên viên phân tích JPMorgan nhận định “thị trường chứng khoán sẽ tăng mạnh rồi giảm mạnh, và cứ thế cho tới khi tạo đáy”. Họ lý giải đà giảm mạnh xuất phát từ việc sức mua trên thị trường suy giảm trong bối cảnh thắt chặt tiền tệ, tiền tiết kiệm không còn dồi dào và lãi suất cao hơn.
JPMorgan kỳ vọng chỉ số MSCI ASEAN “sẽ kiểm tra lại mức đáy của năm 2022 và có thể giảm xuống sâu hơn” trong nửa đầu năm 2023 do nhu cầu bên ngoài yếu hơn, các điều kiện tài chính bị thắt chặt hơn và tác động tích cực từ việc tái mở cửa đã phai nhạt.
Chỉ số MSCI ASEAN giảm 22% so với đỉnh xuống mức đáy năm 2022 trong tháng 10/2022. Sau đó, chỉ số này hồi phục 10% nhờ hy vọng Trung Quốc tái mở cửa và Fed đảo chiều chính sách.
Chỉ số này bao gồm các cổ phiếu vốn hóa vừa và lớn ở 4 thị trường mới nổi, 1 thị trường phát triển và 1 thị trường cận biên. Cả thảy, chỉ số MSCI ASEAN bao gồm 170 cổ phiếu từ thị trường Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.
Các nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại
Fed được dự báo nâng lãi suất lên 5% vào tháng 5/2023 và kinh tế Mỹ có thể suy thoái vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, “thị trường cổ phiếu vẫn chưa phản ánh hoàn toàn khả năng suy thoái cho tới khi nó thực sự xảy ra”, trích từ báo cáo của JPMorgan.
Các nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại như Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Malaysia sẽ bị tác động bởi sự chậm lại của kinh tế toàn cầu và nhu cầu yếu hơn.
Hơn nữa, việc Trung Quốc nới lỏng biện pháp kiểm soát dịch khó lòng bù đắp cho sự suy giảm của nhu cầu nước ngoài.
Chẳng hạn, nền kinh tế Thái Lan được dự báo sẽ bị tác động bởi sự suy giảm đáng kể về xuất khẩu, đầu tư tư nhân và sản xuất. Các chuyên viên phân tích JPMorgan hạ dự báo tăng trưởng GDP Thái Lan từ 3.3% xuống 2.7% trong năm 2023.
Singapore cũng được dự báo đối mặt với điều kiện kinh tế vĩ mô thách thức hơn. “Chúng tôi kỳ vọng sự suy giảm của nhu cầu nước ngoài sẽ tiếp tục gây áp lực lên lĩnh vực hàng hóa của Singapore, ngay cả khi lĩnh vực dịch vụ hồi phục”.
Đợt nâng thuế hàng hóa và dịch vụ từ 7% lên 8% sắp tới của Singapore cũng sẽ kéo giảm nhu cầu và triển vọng của lĩnh vực tiêu dùng, JPMorgan cho biết.
Trung Quốc tái mở cửa
Theo dự báo của JPMorgan, quá trình tái mở cửa kinh tế của Trung Quốc chỉ tác động tích cực khá hạn chế trong bối cảnh lạm phát cao trên toàn cầu.
Trung Quốc đại lục đã nới lỏng nhiều biện pháp chống dịch COVID-19 trong tuần trước, với các cơ quan chức trách công bố hàng loạt thay đổi sâu rộng như nới lỏng hạn chế đi lại trong nước, duy trì hoạt động kinh doanh và cho phép bệnh nhân COVID cách ly tại nhà.
“Lợi ích từ việc tái mở cửa Trung Quốc sẽ bị lấn át bởi tác động tiêu cực từ các cuộc suy thoái ở các nước phát triển”, các chuyên viên phân tích JPMorgan nói với CNBC. Họ nói thêm các thị trường ASEAN phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và nhu cầu từ các nền kinh tế phát triển.
Thế nhưng, nếu Trung Quốc nới lỏng hoạt động di chuyển quốc tế, đây sẽ là “chất xúc tác tích cực” với nền kinh tế Singapore. Du khách Trung Quốc chiếm gần 20% lượng khách du lịch tại Singapore trong năm 2019. Việc đón thêm lượng du khách từ Trung Quốc cũng sẽ tạo hiệu ứng dây chuyền tới tiêu thụ và lĩnh vực dịch vụ liên quan tới du lịch.
Dù vậy, JPMorgan ước tính tác động tích cực sẽ vẫn khá giới hạn trong bối cảnh lạm phát và nhu cầu suy yếu.
Việc Trung Quốc tái mở cửa kinh tế hoàn toàn cũng tạo lực đẩy với đà hồi phục du lịch của Thái Lan, theo báo cáo của JPMorgan. Tuy vậy, sự kiện này có thể gây áp lực lạm phát cho kinh tế Thái Lan.
“Có lập luận cho rằng việc Trung Quốc mở cửa sớm hơn dự báo gây ra áp lực lạm phát”, JPMorgan cho biết. Theo các chuyên viên phân tích tại ngân hàng này, lĩnh vực du lịch có thể kích thích tăng trưởng tiền lương và tiêu dùng, nhưng lại không tương quan chặt chẽ với lạm phát ở các quốc gia như Thái Lan, vì tại đây, bản chất của lạm phát chủ yếu là do tác động từ phía cung.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|