Đường bộ ách tắc, rau quả Trung Quốc vào Việt Nam vì sao vẫn tăng mạnh?
Trong 11 tháng của năm 2022, nhập khẩu rau quả về Việt Nam ước đạt 1,87 tỉ USD, tăng gần 39% so với cùng kỳ 2021. Nguồn nhập khẩu lớn nhất vẫn là thị trường Trung Quốc.
Bất chấp hoạt động thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới đất liền bị gián đoạn, tốc độ nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc vẫn tăng mạnh. Số liệu của ngành hải quan cho biết, trong 10 tháng của năm 2022, kim ngạch nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai đạt gần 110 triệu USD giảm 2,2%. Tuy nhiên, hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam qua cảng Cát Lái đạt gần 313 triệu USD, tăng 154% so với cùng kỳ 2021.
|
Táo là mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu về Việt Nam lớn nhất. Chí Nhân
|
Có thể thấy, hàng rau quả của Trung Quốc đã chuyển hướng xuất khẩu qua cảng biển nhằm bớt sự ách tắc qua các cửa khẩu biên giới trên đất liền. Dự báo năm 2023, Việt Nam tiếp tục tăng nhập khẩu hàng rau quả về phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và ngành công nghiệp chế biến.
Các loại trái cây như táo, anh đào, nho, hạnh nhân, lê, quýt, hạt dẻ cười, cam, hạt óc chó… là những sản phẩm được người tiêu dùng nội địa ưa chuộng, ngoài ra còn phục vụ nhu cầu chế biến. Táo là mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu về Việt Nam lớn nhất. Cụ thể trong tháng 10, Việt Nam nhập khẩu táo đạt trên 23 triệu USD, tăng đến 70% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng đạt 214 triệu USD tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021. Nguồn nhập khẩu chính là New Zealand, Trung Quốc, Mỹ…
Bên cạnh đó, nho cũng là một trong những loại trái cây có kim ngạch nhập khẩu cao. Trong 10 tháng của năm 2022 đã gần 160 triệu USD, tăng 77,5% so với cùng kỳ năm 2021. Nguồn nhập khẩu chính từ Úc, Mỹ, Trung Quốc…
Nhóm hàng rau củ nhập khẩu vào Việt Nam như: tỏi, đậu xanh, hành tây, hành củ, nấm kim châm, khoai tây, nấm đùi gà, cải thảo, cải bắp… Bên cạnh đó là nhóm sản phẩm chế biến như: khoai tây chiên, rong biển, bột ớt, hạt dẻ cười tẩm ướp, hạt hướng dương…
Chí Nhân
Thanh niên
|