Dự báo năm yếu tố sẽ định hình nền kinh tế thế giới năm 2023
Theo trang abc.net.au, nếu một cuộc suy thoái toàn cầu xảy ra vào năm tới như nhiều chuyên gia dự báo, lãi suất có thể sẽ ổn định và thậm chí có thể giảm xuống, song có thể chỉ mang tính tạm thời.
Đồng đôla Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Trang mạng abc.net.au của Australia mới đây đăng bài viết nêu 5 yếu tố được dự báo có thể sẽ định hình kinh tế thế giới năm 2023, sau khi thế giới trải qua năm 2022 với nhiều thay đổi lớn.
Bài viết nhận định lãi suất là yếu tố cơ bản định hình thế giới. Chỉ trong vòng 7 tháng, thế giới chứng kiến mức tăng lãi suất chưa từng thấy. Tốc độ tăng chóng mặt này có thể chậm lại trong năm tới nhưng nếu lạm phát trở nên nghiêm trọng hơn, việc tăng dần lãi suất trong vài năm tới là không thể tránh khỏi.
Theo tác giả, lãi suất cao hơn không nhất thiết là một điều xấu. Tuy nhiên, việc thích nghi với một thế giới mới sẽ không dễ dàng, đặc biệt là một thế giới ngập trong nợ nần. Lãi suất ngày càng giảm và cuối cùng là lãi suất cực thấp trong 50 năm qua đã bóp méo các quyết định đầu tư, tạo ra “bong bóng” giá tài sản và đẩy nợ chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình tăng mạnh ở các nước phát triển.
Cùng với việc bãi bỏ quy định tài chính, lãi suất tăng đã thúc đẩy tăng trưởng và giúp chuyển cán cân thu nhập từ những người làm công ăn lương sang các nhà đầu tư. Tăng trưởng lợi nhuận dễ dàng vượt xa tiền lương.
Nếu một cuộc suy thoái toàn cầu xảy ra vào năm tới, như nhiều chuyên gia dự báo, lãi suất có thể sẽ ổn định và thậm chí có thể giảm xuống, song có thể chỉ mang tính tạm thời.
Yếu tố tiếp theo là kinh tế Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã vươn lên trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng hiện nay đang bị tác động do tình hình dịch COVID-19, “bong bóng” bất động sản đang “xì hơi," dân số già đi nhanh chóng. Tác động của kinh tế Trung Quốc đối với tăng trưởng toàn cầu, đặc biệt là lạm phát, được dự báo sẽ còn nghiêm trọng hơn.
Một yếu tố khác định hình thế giới năm 2023 là sức hấp dẫn của một nền kinh tế toàn cầu hóa bắt đầu giảm sút. Sự gián đoạn thương mại do đại dịch COVID-19 đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu và hàng hóa trầm trọng.
Bài viết nhận định thế giới đã chuyển sang phi toàn cầu hóa khi người tiêu dùng phải trả nhiều tiền hơn và giá cả tăng cao gây áp lực duy trì lãi suất cao hơn. Tuy nhiên, đối với nhiều quốc gia, mặt tích cực là việc phụ thuộc nhiều hơn vào hàng hóa và dịch vụ trong nước sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn cho thanh niên và tỷ lệ thất nghiệp sẽ thấp hơn.
Theo bài viết, khủng hoảng năng lượng cũng là một yếu tố làm thay đổi tư duy kinh tế. Thế giới đang một lần nữa chứng kiến một cuộc khủng hoảng năng lượng đã dẫn đến một đợt bùng phát lạm phát.
Các chính phủ, đặc biệt là ở châu Âu, đã bắt đầu đóng vai trò lãnh đạo trong quản lý kinh tế. Họ đã can thiệp vào thị trường năng lượng, đánh thuế cao hơn đối với các nhà sản xuất và phân phối số tiền thu được cho người tiêu dùng.
Cuộc khủng hoảng hiện nay có khả năng dẫn đến trần giá và sự can thiệp trực tiếp vào cái được cho là “thị trường tự do." Chính phủ của nhiều nước có khả năng sẽ can thiệp vào nền kinh tế nhiều hơn trước đây.
Chuyển đổi năng lượng cũng là một trong những yếu tố được dự đoán sẽ định hình thế giới năm 2023. Theo bài viết, thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt từ rất lâu trước khi có sự thay đổi bất ngờ này trong nền kinh tế toàn cầu. Thực trạng hiện còn cấp bách hơn nữa.
Tây Âu đang chứng kiến tình trạng thiếu nguồn cung khí đốt từ Nga do tác động của cuộc xung đột ở Ukraine. Nga đã cắt giảm nguồn cung khí đốt cho các quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và tác động của biện pháp này đã lan rộng trên toàn cầu.
Đặc biệt, Đức phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt của Nga cho phần lớn hoạt động sản xuất, và giá cả tăng đột biến đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế của nước này. Rất nhiều ý kiến cho rằng sẽ xảy ra suy thoái trong những tháng tới, nhưng khả năng phục hồi chi tiêu của người tiêu dùng có thể hạn chế thiệt hại.
Trạm nén khí của một hệ thống đường ống dẫn khí ở Leningrad, Nga. (Ảnh: TASS/TTXVN)
|
Không chỉ giá khí đốt, giá than cũng đã tăng vọt lên mức kỷ lục, dẫn đến giá điện tăng đột biến. Điều này tạo ra cơ hội và thách thức. Những mức giá cao hơn đó có khả năng đẩy nhanh nỗ lực sử dụng nhiên liệu sạch hơn. Một cuộc chạy đua đang diễn ra hiện nay giữa những người thúc đẩy sử dụng sử dụng hydro xanh, coi đây là nguồn cung cấp năng lượng cho tương lai và những người tin rằng năng lượng mặt trời và năng lượng gió sẽ chiếm ưu thế.
Cũng theo bài viết, chi phí tái cấu trúc nguồn cung cấp năng lượng của thế giới là rất lớn. Để bắt đầu cần phải nâng cấp lưới điện.
Hiện nay, các mạng lưới điện được thiết kế để vận chuyển năng lượng từ các nhà máy đốt than trên khắp đất nước. Khi các nhà máy đó đóng cửa và việc sản xuất năng lượng trở nên phổ biến hơn, lưới điện sẽ cần được xây dựng lại. Kết quả là giá điện sẽ đắt hơn, nhưng vẫn sẽ rẻ hơn so với việc không hành động gì và tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch./.
Thanh Tú
Vietnam+
|