Các doanh nghiệp lớn Hàn Quốc tạm ngừng kế hoạch đầu tư cho năm 2023
Gần 50% danh sách 500 doanh nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc, tính theo doanh thu bán hàng, chưa đưa ra kế hoạch đầu tư cụ thể cho năm tới vì tâm lý lo ngại nguy cơ suy thoái kinh tế khi lãi suất tăng nhanh và đồng USD mạnh lên, theo kết quả khảo sát của Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc trong giai đoạn ngày 17 – 25/11.
10% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ không có kế hoạch đầu tư trong năm tới, còn 38% nói rằng họ vẫn chưa có kế hoạch cụ thể.
Ngoài ra, 52% doanh nghiệp cho biết họ đã hoàn thành kế hoạch đầu tư cho năm tới.
Cứ 4 doanh nghiệp thì có hơn 1 doanh nghiệp cho rằng khủng hoảng trên thị trường tài chính và những khó khăn trong hoạt động huy động vốn là hai yếu tố chính khiến họ phải trì hoãn kế hoạch chi tiêu. Các doanh nghiệp Hàn Quốc đang chật vật để ứng phó với các tác động từ một loạt đợt tăng lãi suất vừa qua. Tính đến cuối tháng 11/2022, lãi suất thương phiếu tại Hàn Quốc là 5.51%, mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009.
Các yếu tố khác bao gồm sự suy yếu của đồng won so với đồng USD và tình trạng trì trệ của thị trường trong nước.
Đồng won của Hàn Quốc đã phục hồi so với USD trong tuần trước, lần đầu tiên trở lại dưới 1,300 won đổi 1 USD kể từ giữa tháng 08/2022. Trước khi phục hồi nhẹ, won đã mất giá so với USD trong suốt nhiều tháng.
Trong số các doanh nghiệp đã có kế hoạch đầu tư cho năm tới, 67.3% cho biết quy mô đầu tư sẽ tương tự năm 2022.
19.2% giảm đầu tư so với năm nay, còn chỉ có 13.5% dự định tăng chi tiêu trong năm 2023.
Các doanh nghiệp này cho biết kế hoạch chi tiêu mới của họ sẽ tập trung vào việc đảm bảo động lực tăng trưởng trong tương lai và tăng cường khả năng cạnh tranh trên toàn cầu.
Choo Kwang-ho, giám đốc nghiên cứu kinh tế của FKI, nói: “Trong bối cảnh thanh khoản thị trường giảm do lãi suất tăng, nếu suy thoái kinh tế xảy ra, lợi nhuận của các công ty sẽ xấu đi và họ sẽ gặp khó khăn với nguồn tài chính đầu tư. Cần phải đưa ra được kế hoạch để ổn định thị trường tài chính, từ đó ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng thị trường vốn, đồng thời làm chậm tốc độ tăng lãi suất”.
Kim Dung (Theo Korea Herald)
FILI
|