Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Làm rõ giá đất phổ biến trên thị trường
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định bảng giá đất cần phải được ban hành hàng năm để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường, tránh trường hợp giá đất không phản ánh đúng giá đất thị trường.
Ông Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) - vừa thay mặt Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo một số nội dung tiếp thu, giải trình về dự án luật Đất đai sửa đổi sau phiên thảo luận tại kỳ họp 4 Quốc hội XV.
Làm rõ giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường (Ảnh minh hoạ)
|
Liên quan đến các khoản thu tài chính từ đất đai và điều tiết nguồn thu từ đất, một số ý kiến đề nghị có lộ trình rà soát, tổng kết thi hành các luật về thuế sử dụng đất để báo cáo Quốc hội; đề nghị quy định việc điều tiết hài hòa nguồn thu từ đất giữa Trung ương và địa phương.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, sẽ đề xuất cơ quan có thẩm quyền xây dựng lộ trình rà soát, tổng kết thi hành các luật về thuế sử dụng đất để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định. Về điều tiết nguồn thu từ đất, dự thảo Luật chỉ quy định mang tính nguyên tắc; việc điều tiết cụ thể thực hiện theo pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về đầu tư công.
Về quy định nguyên tắc đánh thuế đối với người quản lý, sử dụng nhiều đất đai hơn so với hạn mức, đối với trường hợp để hoang hóa đất đai không sử dụng, Nghị quyết số 18 khóa XIII về tiếp tục đổi mới chính sách đất đai đã xác định: “Quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang. Cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến đại biểu, phối hợp với các cơ quan để thể chế trong pháp luật về thuế”, ông Hà cho hay.
Về nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ nguyên tắc, cơ sở để định giá đất phù hợp với giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường; bổ sung nguyên tắc đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình; bổ sung các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, giá đất gắn với không gian sử dụng đất; xây dựng tiêu chí, cách thức xác định giá đất cho từng trường hợp.
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, hoàn thiện dự thảo theo hướng làm rõ giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu quy định các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá đất trong các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
Liên quan đến đề xuất quy định ban hành bảng giá đất định kỳ 5 năm, 3 năm hoặc 2 năm một lần; quy định điều chỉnh bảng giá đất khi có biến động từ 20% trở lên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, qua tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013, cho thấy việc ban hành bảng giá đất 5 năm 1 lần, điều chỉnh khi có biến động 20% chưa phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường.
Nghị quyết số 18-NQ/TW xác định: “Bỏ khung giá đất, có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường”. Do vậy, dự thảo Luật quy định bảng giá đất cần phải được ban hành hàng năm để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường, tránh trường hợp giá đất không phản ánh đúng giá đất thị trường.
Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà vừa gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tờ trình về việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đối tượng lấy ý kiến là các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; HĐND, UBND, các tổ chức chính trị - xã hội… Thời gian lấy ý kiến bắt đầu từ ngày 3/1 đến 28/2/2023. Chính phủ sẽ xây dựng kế hoạch và tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Ủy ban Kinh tế (cơ quan thẩm tra) phối hợp với Bộ TN&MT (cơ quan soạn thảo) sẽ tổng hợp, giải trình tiếp thu các ý kiến góp ý và chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
|
Luân Dũng
Tiền phong
|