7-Eleven tăng tốc chuyển đổi cửa hàng Ministop sau thâu tóm
7-Eleven, thuộc sở hữu của Lotte Group, đang tăng tốc để hoàn thành kế hoạch chuyển đổi các cửa hàng Ministop vào cuối năm tới khi công ty đạt mục tiêu củng cố vị thế là một trong ba nhà điều hành chuỗi cửa hàng tiện lợi hàng đầu Hàn Quốc.
Lotte CVS 711, công ty con của Lotte Group, gần đây đã chuyển thêm 20.5 tỷ won (16 triệu USD) cho Korea Seven, nhà điều hành chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven, để xúc tiến việc chuyển đổi thương hiệu Ministop trên khắp Hàn Quốc. Tháng 01/2022, Korea Seven đã chi 313.3 tỷ won để mua lại nhà điều hành hệ thống cửa hàng tiện lợi Ministop Korea từ Aeon Group của Nhật Bản.
Một lãnh đạo của Korea Seven nói với The Korea Herald rằng: “Với số vốn mới [từ Lotte CVS 711], công ty kỳ vọng có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi giữa hai thương hiệu. Kế hoạch của chúng tôi là chuyển đổi 100% cửa hàng Ministop vào cuối năm 2023”.
Tính đến tháng 11/2022, 850 cửa hàng tiện lợi đã được chuyển từ thương hiệu Ministop sang 7-Eleven, chiếm 32.6% tổng số 2,600 cửa hàng Ministop ở khắp Hàn Quốc.
“Lĩnh vực cửa hàng tiện lợi đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi xu hướng liên tục gia tăng quy mô. Tăng mạnh số lượng cửa hàng là điều quan trọng nhất hiện nay”, lãnh đạo của Korea Seven cho hay. Theo người này, bằng cách tăng mạnh số lượng cửa hàng, các chuỗi cửa hàng tiện lợi có thể có lợi thế hơn khi đàm phán với nhà cung cấp và giảm thiểu chi phí cần thiết để sản xuất hàng háo độc quyền của họ.
Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy Korea Seven đang thua lỗ lớn. Theo báo cáo kết quả kinh doanh hàng quý mới nhất, lợi nhuận hoạt động của Korea Seven giảm 18.6% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 7 tỷ won.
Các chi phí bổ sung phát sinh trong quá trình chuyển đổi, như thay biển hiệu, đổi mới thiết kế nội thất cửa hàng và mở rộng hoạt động tiếp thị, là nguyên nhân khiến lợi nhuận sụt giảm. Trên thực tế, chi phí quản lý và bán hàng của Korea Seven đã tăng 42% lên 317.2 tỷ won trong quý 3/2022.
Phí bản quyền thương hiệu phải trả cho trụ sở ở Mỹ và Nhật Bản cũng được cho là một phần khiến doanh thu tại Hàn Quốc giảm sút. Cụ thể, Korea Seven đã trả khoản phí tích luỹ lần lượt là 23.8 tỷ won và 2.5 won cho hai trụ sở ở Mỹ và Nhật Bản trong quý 3 năm nay.
Đến năm 2021, lĩnh vực cửa hàng tiện lợi của Hàn Quốc đang được thống trị bởi hai công ty hàng đầu là CU với 15,855 cửa hàng và GS25 với 15,499 cửa hàng. Trong khi đó, 7-Eleven vẫn ở vị trí thứ 3 với 11,173 cửa hàng. Với việc mua lại khoảng 2,600 cửa hàng Ministop, 7-Eleven dự kiến sẽ cạnh tranh trực diện với các đối thủ lớn hơn.
Kim Dung (Theo Korea Herald)
FILI
|