Những người trẻ châu Âu lần đầu nếm mùi lạm phát
Tiền thuê nhà cao, lương thấp và chi phí thực phẩm leo thang đang khiến lao động trẻ châu Âu phải vật lộn để kiếm sống và lo lắng về tương lai.
Hồi tháng 5/2021, trong khi phần lớn thế giới vẫn đang đối phó với Covid-19, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã cảnh báo rằng thế hệ trẻ đang đối mặt với khủng hoảng lớn và có nguy hứng chịu “vết sẹo dài hạn” đối với sự nghiệp và thu nhập, theo Guardian.
OECD cũng phát hiện rằng ngày càng nhiều người trẻ bị trầm cảm và lo lắng về công việc và tài chính cá nhân. Những lo lắng này vẫn chưa biến mất, nhưng chi phí sinh hoạt tăng cao - thay vì đại dịch - dường như đang đóng vai trò là lực cản chính đối với cuộc sống của họ.
Trên khắp lục địa, những người dưới 30 tuổi cảm thấy thất vọng vì điều kiện kinh tế ngày càng tệ. Một số người trong số họ chia sẻ về những áp lực mà họ phải đối mặt trong việc kiếm sống qua ngày, thường là khi vừa học vừa làm.
Giá thuê nhà cao
Giá thuê nhà cao, lương thấp và tỷ lệ thất nghiệp cao ở Tây Ban Nha khiến việc sống chung với cha mẹ trở thành lựa chọn duy nhất của nhiều người ở độ tuổi đôi mươi. Ở mức 32%, Tây Ban Nha có tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao nhất ở cả Liên minh châu Âu (EU) và các nước thuộc OECD.
Aitana Moreno, 26 tuổi, là giáo viên và đang học thạc sĩ về phiên dịch. Cô vừa trở về quê hương Madrid, Tây Ban Nha từ Pháp, nơi trước đây cô từng làm công việc giảng dạy. Cô hiện sống với mẹ.
“Tôi phải vừa học vừa làm, và tôi sống với mẹ vì tôi không có đủ tiền để trả phí thuê nhà và học phí. Tôi không đủ khả năng sống một mình ở Madrid. Tôi cũng không thể thuê nhà chung vì không có công việc toàn thời gian. Không ai cho tôi thuê nếu tôi không có công việc 40 giờ/tuần”, cô chia sẻ.
Những người cố gắng sống độc lập có thể gặp khó khăn về tài chính. Chính phủ Tây Ban Nha năm nay đã giới thiệu một khoản trợ cấp thuê nhà đặc biệt trị giá 250 euro/tháng cho người trẻ có thu nhập dưới 23.725 euro/năm (gần 25.220 USD/năm). Khu vực Madrid cũng đã cắt giảm chi phí giao thông công cộng.
Diana Peinado, 26 tuổi, gần đây đã nộp đơn xin trợ cấp của chính phủ để đỡ được phần nào tiền thuê căn hộ rộng 40 m2 có giá 600 euro/tháng mà cô thuê chung với một người khác.
Khủng hoảng chi phí sinh hoạt tại châu Âu khiến người trẻ phải vật lộn để kiếm sống. Ảnh: Shutter Stock.
|
“Dù căn hộ này tiêu tốn của tôi 600 euro một tháng, chưa kể các hóa đơn, tôi đã chuyển đến khi biết mình đủ điều kiện nhận trợ cấp, nếu không thì tôi đã không làm như vậy. Chính phủ sẽ cấp cho tôi 250 euro và tôi sẽ rất nhẹ nhõm khi lập ngân sách mỗi tháng. Khoản trợ cấp đó sẽ không giải quyết được các vấn đề của tôi, nhưng tôi sẽ có thể tiết kiệm hơn một chút”, cô nói.
“Mặt khác, khoản trợ cấp này hạn chế theo một số cách. Bạn bắt buộc phải có một công việc dài hạn, nhưng hầu hết hợp đồng lao động trong ngành của tôi đều có thời hạn cố định, vì vậy tôi không thể thay đổi công việc dễ dàng như ý muốn”, Peinado cho biết thêm.
Theo công cụ tìm kiếm bất động sản Idealista của Tây Ban Nha, giá thuê trung bình ở Madrid đã tăng 14% từ năm 2021 đến tháng 8 năm nay.
Ở London, giá thuê nhà thậm chí còn tăng nhanh hơn. Zoopla báo cáo mức tăng giá thuê trung bình theo năm ở London là 17%, vượt xa mức mà nhiều người trẻ có thể chi trả.
Hollie Clark, 27 tuổi, làm việc toàn thời gian cho một trang web thời trang và làm thêm 10h/tuần trong một quán rượu. Tiền thuê nhà của cô và bạn trai ở khu nội thành Hackney từng có giá phải chăng là 1.550 bảng Anh/tháng. Nhưng giờ giá thuê đã tăng thêm 650 bảng/tháng. Cô được thông báo “Trả thêm tiền hoặc rời đi”.
“Tôi chắc chắn sẽ rời đi. Tôi không thể tìm thấy bất chỗ nào dưới 1.700 bảng và hầu hết trong số đó chỉ có một phòng ngủ. Tôi sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho không gian nhỏ hơn”.
Lạm phát
Cùng với giá thuê nhà leo thang, lạm phát hai con số đối với các mặt hàng tiện ích, thực phẩm và các hàng hóa khác là điều mà nhiều người trẻ lần đầu trải nghiệm.
Trên khắp châu Âu, lạm phát trung bình gần 11% trong tháng 11, mức cao nhất trong 40 năm. Các quốc gia Baltic bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với mức lạm phát hơn 20%.
Joachim Valente, 23 tuổi, ở Toulouse, làm việc cho đến tháng 9 tại một xưởng in trong thành phố. Anh kiếm được 800 euro/tháng trước đây, nhưng giờ anh đã nghỉ việc để tiếp tục đi học. Thu nhập của Joachim vào khoảng 500 euro một tháng từ học bổng sinh viên cộng với bất cứ thứ gì mà bà của anh có thể dành dụm được.
Thế nhưng, tiền thuê căn hộ mà anh chia sẻ với hai người bạn là 1.000 euro/tháng và họ chia đều nhau.
Giờ đây, anh nghi ngờ quyết định quay lại trường của mình vào thời điểm này.
“Bây giờ thật khó khăn. Giờ tôi không còn sống theo cách như năm ngoái. Khi còn có một công việc dù là bấp bênh, tôi có thể đắn đo mua gì và tiết kiệm gì, nhưng giờ đây thì không. Tôi từng mua thêm thịt. Bây giờ tôi không mua nhiều, có thể một hoặc hai lần mỗi tháng, vì nó quá đắt. Giá thực phẩm tăng khoảng 10%, vì vậy thực sự phải cân nhắc những gì mình mua”.
Chính phủ Pháp đã giới hạn mức tăng giá năng lượng ở mức 4% (dù điều này sẽ thay đổi thành 15% vào tháng 1/2023), nhưng đối với những người trẻ đang phải vật lộn để kiếm sống, chẳng hạn như những người học việc có mức lương thấp hơn mức tối thiểu, chỉ 4 % tăng giá cũng là một thách thức.
Matteo Leroux, 22 tuổi, đang học việc ngành kỹ thuật điện, kiếm được 900 euro/tháng và sống một mình trong căn hộ ở Marseille có giá 400 euro/tháng. Giống như Joachim, anh đã ngừng mua thịt và đổi sang cá ngừ, nhưng vấn đề lớn nhất của anh trong mùa đông này là cái lạnh.
“Căn hộ của tôi không có vật liệu cách nhiệt. Đôi khi tôi muốn bật máy sưởi nhưng không thể vì điện quá đắt. Tôi đã mua một chiếc máy sưởi bằng gas, nhưng vì dãy nhà rất cũ, không có lớp cách nhiệt, cửa sổ cũng không lắp kính nên vẫn lạnh”.
Lương thấp
Ở Lithuania, mức lương trung bình là 1.678 euro và mức lương tối thiểu hàng tháng là 720 euro trước thuế. Mức này được cho là thấp tại đây và nhiều thanh niên đã bỏ đi.
Dù người từ 15 đến 25 tuổi chiếm 20% cư dân, nhưng có đến 47% là người nhập cư. Một số thanh niên có trình độ đại học vẫn cố gắng làm việc cho các công ty nước ngoài như một cách để nâng cao thu nhập của họ.
Dominykas, 26 tuổi, ở Vilnius, vừa bắt đầu làm việc từ xa cho một công ty về công nghệ thông tin của Anh để kiếm được nhiều tiền hơn so với mức lương từ một công ty tương tự có trụ sở tại Lithuania.
“Hồi mùa xuân, tôi nhận thấy chi phí sinh hoạt ngày càng tăng nhanh. Tôi bắt đầu tìm kiếm những cơ hội mới. Lạm phát trong 12 hoặc 24 tháng qua thật điên rồ. Mấy căn hộ cách đây vài năm có giá 400 euro/tháng giờ là 800 euro. Giá điện tăng ồ ạt trong một thời gian. Tại công ty trước đây của tôi, họ nói rằng sẽ không tăng lương do lạm phát”.
Alice Spada, 23 tuổi, thực tập sinh tại một doanh nghiệp ở Rome, kiếm được 800 euro/tháng nhưng tiền thuê căn hộ chung của cô ấy là 480 euro/tháng. Cô nhận được hỗ trợ tiền thuê nhà từ bố mẹ, nhưng vẫn không tiết kiệm được bao nhiêu.
Một cửa hàng giảm giá trên đảo Rhodes của Hy Lạp. Ảnh: AP.
|
“Tôi đã học rất nhiều nhưng kiếm được quá ít. Tôi biết mình rất may mắn khi có bố mẹ hỗ trợ, nhưng đó là điều không nên”.
Từng có kinh nghiệm làm việc ở Pháp một thời gian, Aitana ở Madrid tin rằng những người trẻ tuổi tìm việc ở Tây Ban Nha gặp nhiều khó khăn hơn. “Nhiều người không thể tìm được công việc phù hợp với họ hoặc với trình độ chuyên môn của họ, còn lương lậu thì tệ”.
“Dù trường đại học tôi đang theo là trường công lập nhưng học phí rất cao. Tôi vẫn phải trả khoảng 2.000 euro/năm trong khi ở Pháp thì miễn phí, bạn chỉ phải trả một khoản phí hành chính nhỏ”, cô cho biết thêm.
Lao động thời vụ cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi chi phí sinh hoạt tăng cao và thù lao giảm. Shaf Hussein, 28 tuổi ở London, làm việc toàn thời gian tại một cửa hàng bách hóa vào ban ngày và làm nhân viên chuyển phát nhanh cho các ứng dụng giao hàng vào buổi tối.
Shaf từng làm việc toàn thời gian cho nhiều ứng dụng giao hàng và có thể kiếm được khoảng 13 bảng/giờ, nhưng áp lực giảm lương - mà theo anh là do các nền tảng bổ sung thêm nhân công và thay đổi thuật toán của họ - khiến anh giờ đây may lắm mới kiếm được 10 bảng/giờ vào những lúc cao điểm.
“Nếu tôi không có công việc ở cửa hàng bách hóa này, tôi không biết mình sẽ ở đâu, vì số dư ngân hàng của tôi bằng không. Tôi có hai thẻ tín dụng để tích lũy tín dụng của mình, nhưng cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ập đến, giờ tôi mắc nợ và điểm tín dụng của tôi đã giảm xuống”.
Giống như Joachim và Mateo, Shaf đã thay đổi chế độ ăn uống của mình để đối phó với lạm phát. Anh cho biết mình thường đến một số nhà hàng, nhưng giờ chỉ mua các phần ăn giảm giá.
Aitana, Diana, Holly, Mateo, Joachim và Shaf đều nói rằng họ không lạc quan về tương lai của nền kinh tế ở đất nước họ.
“Tin tức rất hỗn loạn. Họ liên tục nói suy thoái, suy thoái, suy thoái, nền kinh tế đang suy thoái. Vì vậy, tôi không lạc quan”, Aitana nói.
Hồng Ngọc
ZING
|