Thứ Ba, 22/11/2022 07:30

Vì sao hàng loạt biệt thự, resort bỏ hoang ở Đà Nẵng chưa được xử lý?

Gần 20 năm qua, chính quyền Đà Nẵng vẫn chưa xử lý dứt điểm tình trạng hàng chục căn biệt thự bỏ hoang dưới chân núi Sơn Trà.

Cận cảnh một căn biệt thự bỏ hoang dưới núi Sơn Trà. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Hàng chục năm qua, người dân và chính quyền Đà Nẵng luôn coi bán đảo Sơn Trà là "lá phổi xanh" của thành phố. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, với tốc độ đô thị hóa nhanh khiến bán đảo này chịu nhiều ảnh hưởng.

Minh chứng rõ nhất là chính quyền Đà Nẵng đã giao nhiều lô đất ven chân núi cho các doanh nghiệp tư nhân. Đến nay, dưới chân bán đảo đang tồn tại nhiều dự án dở dang, với hàng chục căn biệt thự bỏ hoang, cỏ mọc um tùm.

Dở dang "thiên đường nghỉ dưỡng"

Khoảng 20 năm trước, Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng có tham vọng biến bán đảo Sơn Trà thành "thiên đường nghỉ dưỡng" nên trải thảm đỏ thu hút các nhà đầu tư. Chỉ sau thời gian ngắn, vệt sườn phía đông của bán đảo này được phân giới, chuyển nhượng cho các doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp đã rầm rộ khởi công dự án với số vốn được công bố hàng trăm cho đến nghìn tỷ đồng. Đơn cử như dự án của Công ty CP đầu tư Đà Nẵng Sơn Trà.

Dự án bỏ hoang ảnh 1

Hàng loạt biệt thự xây xong phần thô rồi bỏ hoang dưới chân núi Sơn Trà. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Theo quy hoạch, dự án này có diện tích gần 60.000 m2, sở hữu hơn 500 mét chiều dài bãi biển bên vịnh Bãi Trẹm. Lúc đó, chủ đầu tư dự tính đầu tư 20 triệu USD với hứa hẹn biến khu đất này thành một khách sạn tiêu chuẩn 4 sao và 22 biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp và các dịch vụ giải trí khác như hồ bơi, sân tennis, spa, các dịch vụ thể thao bãi biển.

Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn dang dở, với hàng chục căn biệt thự bỏ hoang mà người dân gọi vui là những căn nhà "ma".

Cách đó chừng vài km là dự án Bai But Bay Resort của Công ty cổ phần Hải Duy (TP.HCM) và Công ty cổ phần đầu tư và dịch vụ TP.HCM (Invesco). Khu du lịch phức hợp này được khởi công năm 2005, tổng vốn đăng ký hơn 30 triệu USD, rộng trên 30 ha (20 ha đất dọc bờ biển và 10 ha mặt nước biển).

Chủ đầu tư từng khẳng định đây là “thiên đường” nghỉ dưỡng tại khu vực. Đã hơn 10 năm trôi qua, dự án chỉ là bãi cây dại với những căn nhà hoang, trông xám xịt như lô cốt nhìn ra biển.

Tương tự, năm 2018, UBND TP Đà Nẵng giao cho Công ty CP Xây dựng 79 hơn 194.968 m2 đất ở khu Ghềnh Bàn - Bãi Đa, có thu tiền. Khi đó, chủ đầu tư hứa sẽ xây dựng một khu du lịch sinh thái biển và 228 biệt thự cao cấp.

Tuy nhiên, đến nay khuôn viên của dự án vẫn chỉ là những quán cà phê dựng tạm, hoang sơ. Còn ông chủ của những dự án này là Phan Văn Anh Vũ thì đang thụ án tù liên quan đến những vi phạm về đất đai.

Có sai phạm

Cuối năm 2016, người dân phát hiện 40 móng biệt thự xây dựng trái phép ở sườn núi phía tây bán đảo Sơn Trà. Sau đó, hàng loạt cơ quan báo chí lên tiếng chỉ ra những dấu hiệu sai phạm của chính quyền địa phương và doanh nghiệp.

Trước tình hình đó, Năm 2017, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam cùng đoàn công tác của Chính phủ có buổi làm việc với lãnh đạo Đà Nẵng và công bố Quyết định số 2906 ký ngày 20/11/2017 về việc thanh tra toàn diện việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, xây dựng đối với các dự án đầu tư xây dựng trên bán đảo Sơn Trà.

Tháng 10/2019, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận số 269, khẳng định Sơn Trà có vị trí chiến lược trong công tác an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, theo kết luận 269 thì trong số 18 dự án trên Sơn Trà, có 7 dự án được chính quyền địa phương giao, cho thuê đất vi phạm về an ninh quốc phòng.

Đơn cử như kết luận nêu khi giao đất tại dự án Khu du lịch sinh thái biển, biệt thự cao cấp Ghềnh Bàn - Bãi Đa cho Công ty CP Xây dựng 79, các cơ quan chức năng thẩm định không đầy đủ về nhu cầu sử dụng đất theo quy định.

Xử lý thế nào?

Sau khi Thủ tướng yêu cầu rà soát và báo cáo về các dự án, TP Đà Nẵng kiến nghị điều chỉnh sáu dự án, bao gồm chuyển đổi công năng sang phục vụ du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, không có lưu trú; cắt giảm quy mô của 10 dự án; giữ nguyên hai dự án.

Dự án bỏ hoang ảnh 2

Dự án Bãi Đa vẫn đìu hiu. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Tại kỳ họp thứ 7 HĐND TP Đà Nẵng khóa X giữa tháng 7 vừa qua, Ban Đô thị có báo cáo thẩm tra về quyết định Nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch quốc gia Sơn Trà thuộc Phân khu sinh thái phía đông.

Theo Ban Đô thị, liên quan đến bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng đang thực hiện Kết luận 269 của Thanh tra Chính phủ. Nhiều nội dung khác chưa có số liệu, quyết định cuối cùng.

Ban Đô thị lưu ý việc phát triển du lịch tại bán đảo Sơn Trà cần xác định rõ đây là khu du lịch quốc gia hay khu du lịch của địa phương.

Việc nghiên cứu phát triển du lịch cần đảm bảo phạm vi, ranh giới sử dụng đất, ranh giới quy hoạch ba loại rừng và các chỉ tiêu sử dụng đất theo quy định.

Các dự án phát triển du lịch trên bán đảo Sơn Trà cần đánh giá kỹ tác động đến môi trường, cảnh quan, hạn chế việc can thiệp ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên, địa hình, địa mạo của khu vực.

Các dự án cũng phải có biện pháp thi công phù hợp, hạn chế san gạt địa hình, di dời cây xanh. Nghiên cứu đề xuất giải pháp giao thông phù hợp cho bán đảo Sơn Trà, đảm bảo an toàn và thân thiện môi trường.

Cũng theo Ban Đô thị, việc phát triển du lịch tại bán đảo Sơn Trà phải gắn với quốc phòng, an ninh, bảo tồn đa dạng sinh học. Trong đó, ưu tiên bố trí vùng đệm để kết nối giữa biển và núi, đảm bảo sự di chuyển thuận lợi của các loài sinh vật.

Như vậy, đến nay các dự án bỏ hoang ở Sơn Trà vẫn chưa được định đoạt khi mà cả Trung ương lẫn địa phương vẫn chưa có kết luận cuối cùng.

Đoàn Nguyên

Zing.vn

Các tin tức khác

>   Tân Bộ trưởng GTVT yêu cầu 'trảm' 3 nhà thầu dự án cao tốc (21/11/2022)

>   Bình Định và Công ty PNE AG ký bản ghi nhớ hợp tác dự án điện gió ngoài khơi 4.6 tỷ USD (21/11/2022)

>   Đề xuất hơn 30.000 tỷ đồng 'lên đời' sân bay Đà Nẵng (21/11/2022)

>   T&T, Hưng Thịnh, TH, Đèo Cả nhận biên bản ghi nhớ đầu tư vùng Tây Nguyên (21/11/2022)

>   Cần Thơ đấu giá nhiều khu đất trong năm 2022 (21/11/2022)

>   Hà Nội không cho doanh nghiệp có vi phạm nghiêm trọng được tham gia đầu tư các dự án nhà ở mới (21/11/2022)

>   Dự án KCN 400 ha của SAM tại Đắk Nông được chấp thuận chủ trương đầu tư (20/11/2022)

>   T&T và 3 doanh nghiệp Hàn Quốc đề xuất điều chỉnh tổng mặt bằng dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng (19/11/2022)

>   Thu hồi 1.500ha đất để thực hiện hàng chục dự án ở Bình Thuận (18/11/2022)

>   Chính phủ thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản (17/11/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật