Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa đề xuất 5 giải pháp gỡ bí cho tình hình kinh tế hiện tại
Chiều 15/11, Công ty Chứng khoán VNDirect đã tổ chức tọa đàm về các kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp tại Việt Nam. Buổi tọa đàm có sự tham gia của bà Phạm Minh Hương - Chủ tịch HĐQT VNDirect, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia, ông Soon So Long - Tổng Giám đốc Maybank Việt Nam.
Tọa đàm về các kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp tại Việt Nam tổ chức chiều 15/11
|
Tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa đã có những lý giải về tình trạng xấu hiện tại của kinh tế Việt Nam và đưa ra các giải pháp để giải quyết vấn đề.
Theo ông Nghĩa, từ đầu năm đến tháng 10, tăng trưởng GDP vào khoảng 8%, lạm phát khoảng 3%. Như vậy, GDP danh nghĩa tăng khoảng 11%. Hay nói cách khác, GDP tính theo giá hiện hành tăng 11%. Trong khi đó, cung tiền M2 chỉ tăng được 3%. Giả định, vòng quay tiền không đổi, thì nền kinh tế thiếu tiền cung ứng để lưu thông GDP theo giá hiện hành một cách bình thường.
Rất may, trong quý 1, quý 2 và nửa đầu quý 3/2022, tình hình chưa căng thẳng nhờ cung tiền năm ngoái dư thừa lớn.
Theo thống kê, cung tiền năm 2021 tăng 11%, trong khi GDP danh nghĩa chỉ tăng khoảng 4.6%. Như vậy, có khoảng 6.4% tiền dư thừa từ năm 2021 được tiếp tục lưu hành trong các quý đầu năm 2022.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, thanh khoản của nền kinh tế bắt đầu suy kiệt.
Cũng vì lý do đó, nhu cầu tín dụng của nền kinh tế đang rất lớn dẫn tới lãi suất cho vay của NHTM tăng rất nhanh. Ví dụ, lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm khoảng 10%, lạm phát 3%. Ngược lại, ở châu Âu lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm là 3%, trong khi lạm phát 10%. Lãi suất thực âm gấp đôi lạm phát. Mỹ cũng tương tự, lạm phát Mỹ khoảng 8.5-9%, trong khi lãi suất cho vay khoảng 2.5% - 3%.
Tóm lại, các doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh trong điều kiện lãi suất so với lạm phát cao nhất thế giới. Nói cách khác, tỷ lệ lạm phát thuộc nhóm thấp nhất thế giới nhưng lãi suất tiền gửi và cho vay cao nhất thế giới.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa
|
Câu hỏi là làm sao để giải cứu tình trạng này? Ông Nghĩa cho biết đã khẩn trương làm đề án giải pháp do trực tiếp Thủ tướng chỉ đạo. Có một số giải pháp cơ bản sau.
Hiện Ngân hàng Nhà nước đã hút vào 600 ngàn tỷ đồng dẫn tới tiền không có trong lưu thông. Đồng thời, 900 ngàn tỷ đồng đầu tư công do phát hành trái phiếu Chính phủ đang bị đóng băng. Do đó, cần phải tìm cách giải phóng 900 ngàn tỷ đầu tư công đang bị "nhốt" tại hệ thống ngân hàng.
Thứ nhất, có thể dùng 300 ngàn tỷ đồng gửi vào 4 ngân hàng quốc doanh lớn và cho phép cho vay ngắn hạn. Đây là cách ngân hàng không lo mất thanh khoản.
Hai là trích một phần trong số tiền này thành lập khẩn trương quỹ bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp như Chính phủ Trung Quốc và Hàn Quốc đang làm. Quỹ sẽ mua lại trái phiếu, bảo lãnh, tái bảo lãnh trái phiếu rồi từ từ xử lý tài sản trong tương lai.
Thứ ba, Chính phủ cũng nên xem xét kéo dài điều kiện nhà đầu tư chuyên nghiệp của nghị định trước đó thêm 1 năm. Như vậy sẽ có thêm 1 năm để nhà đầu tư không chuyên tiếp tục đầu tư trái phiếu, sau đó, từ từ thu hẹp lại.
Thêm nữa là không hình sự hóa các vụ án, vì nếu như thế thì tài sản sẽ bị phong tỏa không xử lý được nữa.
Đồng thời, cho phép các doanh nghiệp tái cấu trúc nợ như một ngân hàng thương mại, làm đề án tái cấu trúc nợ và công khai ra thị trường.
Với các giải pháp này, có thể dần dần giải quyết các vấn đề của nền kinh tế trong vòng 1 - 2 năm để dứt điểm các vấn đề về trái phiếu. Trong vòng 2 năm thì chứng khoán sẽ hồi phục. Tiền sẽ được bơm ra từ các kênh, mặt khác, rủi ro từ kênh trái phiếu không còn nữa theo đó lãi suất sẽ đi xuống và tỷ giá hối đoái sẽ đi xuống.
Chí Kiên
FILI
|