CTS: Tỷ giá USD/VND ổn định và giảm dần trong nửa cuối năm 2023
Trong báo cáo Nhận định và dự báo diễn biến tỷ giá, lãi suất quý 4/2022, tầm nhìn 2023 phát hành cuối tháng 10, CTCK Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTS) cho rằng áp lực lên tỷ giá USD/VND có thể giảm dần trong nửa cuối năm 2023 khi Fed kết thúc lộ trình tăng lãi suất, do đó tỷ giá USD/VND dự kiến ổn định, có thể đi xuống trong nửa cuối năm.
Áp lực tỷ giá giảm dần vào cuối năm
Tỷ giá đã tăng khoảng 9% trong 9 tháng đầu năm và cân đối cung cầu ngoại tệ ghi nhận mức thâm hụt kỷ lục 18-20 tỷ USD, mức thâm hụt lớn nhất so với cùng kỳ trong nhiều năm gần đây. CTS đánh giá ảnh hưởng của việc tăng nhanh và mạnh lãi suất mục tiêu của Fed đến thị trường ngoại hối và tiền tệ của Việt Nam là rất sâu sắc và toàn diện. Tuy nhiên, ngoài tác nhân bên ngoài thì các yếu tố nội tại của thị trường trong nước cũng là nguyên nhân quan trọng khiến lượng lớn ngoại tệ thâm hụt từ đầu năm đến nay.
Thứ nhất, nhóm doanh nghiệp trong nước nhập siêu lớn (khoảng 22 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ 2021 là 19.75 tỷ USD) do giá cả nguyên vật liệu, hàng hóa trên thế giới tăng cao.
Thứ hai, nợ nước ngoài của khối doanh nghiệp ước tính tăng cao trong giai đoạn 2020 - 2021 (môi trường lãi suất thấp, tiếp cận dòng vốn dễ). Theo số liệu mới nhất của Bộ Tài chính, dư nợ nước ngoài của doanh nghiệp cuối năm 2021 gần 93 tỷ USD, dẫn tới áp lực trả nợ trong giai đoạn 2022 (môi trường lãi suất cao, tiếp cận dòng vốn khó).
Thêm vào đó là đà mất giá nội tệ (JPY, KRW) lớn của các thị trường xuất khẩu lao động lớn của Việt Nam như: Nhật Bản, Hàn Quốc có thể khiến lượng kiều hối giảm mạnh trong năm 2022, ước giảm khoảng 30% so với năm 2021, đạt khoảng 12.5 tỷ USD (giảm khoảng 5.5 tỷ USD).
Ngoài ra, thị trường ngoại hối trong nước ghi nhận doanh số giao dịch kỳ hạn để phòng ngừa rủi ro tỷ giá của các doanh nghiệp đột biến tăng khoảng 200% so với thời điểm bình thường, đẩy nhu cầu USD ngắn hạn tăng cao, gây áp lực lên tỷ giá.
Trong những tháng cuối năm 2022, CTS dự báo nguồn cung trên thị trường ngoại hối sẽ được bổ sung một lượng ngoại tệ từ kiều hối (dù dự báo không cao như hàng năm) và kỳ vọng dòng tiền từ doanh nghiệp xuất khẩu trong nước có thể phần nào giảm bớt áp lực cho tỷ giá USD/VND.
Với những dự báo về động thái lãi suất của Fed và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cùng với các nhận định nêu trên, CTS đã xây dựng các kịch bản của tỷ giá USD/VND, lãi suất, diễn biến trên thị trường mở (OMO), chính sách điều hành của NHNN dựa trên 3 kịch bản trong quý 4/2022 về lãi suất mục tiêu của Fed và chỉ số sức mạnh đồng USD (DXY), có kết hợp với các yếu tố trong nước như sau:
Kịch bản tỷ giá USD/VND, lãi suất, diễn biến trên thị trường mở (OMO), chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước
Nguồn: CTS
|
Dự báo tỷ giá USD/VND ổn định và giảm dần trong nửa cuối năm 2023
CTS dự báo năm 2023, tỷ giá nhìn chung vẫn đứng trước nhiều áp lực do Fed vẫn đưa ra thông điệp tăng lãi suất trong năm sau tại cuộc họp Ủy ban thị trường mở FOMC vào tháng 9/2022. Biểu đồ Dot plot tại cuộc họp FOMC tháng 9 chỉ ra Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2023 với lãi suất mục tiêu từ 4.5-4.75%. Nhiều khả năng, Fed sẽ tăng lãi suất mục tiêu tới giới hạn trong nửa đầu năm 2023.
Áp lực lên tỷ giá USD/VND có thể giảm dần trong nửa cuối năm 2023 khi Fed kết thúc lộ trình tăng lãi suất, do đó tỷ giá USD/VND dự kiến ổn định, có thể đi xuống trong nửa cuối năm. Theo các phân tích của CTS, tỷ giá ổn định về cơ bản sẽ tạo dư địa để NHNN độc lập trong điều hành lãi suất tiền đồng, điều tiết thị trường tiền đồng theo hướng bơm thanh khoản, duy trì lãi suất tiền đồng liên ngân hàng thấp để tiết giảm chi phí vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng.
Với kỳ vọng Fed ngừng tăng lãi suất và áp lực cho tỷ giá giảm dần, Việt Nam với tiềm năng tăng trưởng kinh tế tốt vẫn là điểm đến hấp dẫn, thu hút nhiều dòng vốn ngoại, gia tăng nguồn cung USD từ thị trường quốc tế; và không ngoại trừ khả năng NHNN có thể quay trở lại mua USD trong nửa cuối năm 2023 trên nền tỷ giá ổn định để củng cố lại dự trữ ngoại hối vốn đã giảm mạnh trong năm 2022.
NHNN mua vào ngoại tệ và bán ra VNĐ sẽ củng cố thanh khoản tiền đồng trên thị trường, góp phần giảm lãi suất nội tệ và hỗ trợ tăng trưởng năm 2023. Thanh khoản thị trường và lãi suất liên ngân hàng có thể dần ổn định trong nửa cuối năm 2023. Không ngoại trừ khả năng NHNN nới room tín dụng trong nửa cuối năm 2023 với kỳ vọng tỷ giá ổn định và lạm phát đạt mục tiêu dưới 4%.
Đông Tư
FILI
|