Nhiều nông sản mở cửa thị trường tỉ dân
Từ sầu riêng đến chuối, khoai lang, tổ yến… đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Bức tranh xuất khẩu nông sản thêm nhiều tín hiệu lạc quan trong những tháng cuối năm.
Ngày 10.11 vừa qua, Bộ NN-PTNT cho biết phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư xuất khẩu khoai lang, tổ yến VN sang nước này. Văn bản sau đó được hỏa tốc chuyển về VN và ngày 16.11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cũng đã chính thức ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch tổ yến sang Trung Quốc.
Thị trường khổng lồ
Ngành nông nghiệp VN liên tiếp đón nhận tin vui từ thị trường 1,4 tỉ dân. Sau khi đồng ý nhập khẩu thí điểm quả chanh leo (chanh dây) tươi từ tháng 7, đến nay Trung Quốc tiếp tục đồng ý nhập khẩu sầu riêng, chuối xanh, và giờ là khoai lang cùng tổ yến. Như vậy tính đến nay VN đang có 13 nông sản được xuất khẩu chính ngạch vào nước này.
|
Tổ yến VN sẽ được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. T.N
|
Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, cả nước có trên 22.000 nhà nuôi chim yến. Sản lượng yến khoảng 120 tấn, giá trị trên 500 triệu USD. Việc xuất khẩu tổ yến sang thị trường Trung Quốc sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội cho ngành yến VN phát triển nhờ đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm. Theo các chuyên gia trong ngành, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới với hơn 80% thị phần toàn cầu với sản lượng liên tục tăng trong thời gian qua: năm 2019 là 180 tấn, năm 2020 là 220 tấn và năm 2021 khoảng hơn 300 tấn.
Ở chiều ngược lại, VN có tiềm năng rất lớn và thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi chim yến do có bờ biển dài, nhiều đảo và các dãy núi nhô ra biển, ra các đầm, phá. Chất lượng sản phẩm tổ yến của VN được đánh giá vượt trội so với các nước trong khu vực. Nhờ vậy, sản phẩm tổ yến của VN được khách hàng Trung Quốc rất ưa chuộng. Ngành yến được đánh giá có giá trị kinh tế và tiềm năng xuất khẩu to lớn. Với lợi thế và tiềm năng đó, Bộ NN-PTNT năm 2019 đã đưa tổ yến vào danh mục chú trọng đàm phán với phía Trung Quốc để xuất khẩu chính ngạch.
Khoai lang là mặt hàng tiếp theo được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Công Hân
|
Không được như tổ yến, trong khoảng 2 năm qua, mặt hàng khoai lang cùng chuối, thanh long, dưa hấu… luôn nằm trong danh sách cần được “giải cứu”. Cũng chính vì vậy mà thời gian gần đây, diện tích trồng khoai lang giảm đáng kể vì thua lỗ. Riêng vùng trồng khoai lang lớn nhất miền Tây là H.Bình Tân (Vĩnh Long), theo thống kê của chính quyền địa phương, diện tích trồng khoai lang đã giảm từ 6.300 ha xuống chỉ còn gần 700 ha. Nhiều nông dân và doanh nghiệp (DN) địa phương hy vọng với nghị định thư cho phép xuất khẩu chính ngạch, diện tích trồng khoai lang tại địa phương sẽ sớm được phục hồi.
Nông dân và DN lạc quan
Thị trường Trung Quốc không chỉ lợi thế về quy mô mà còn về vị trí. VN có đường biên giới dài với nước này, rất thuận lợi cho việc buôn bán, vận chuyển, cung ứng, tạo ra lợi thế cạnh tranh hơn cho các sản phẩm, đặc biệt là hàng nông sản, so với các nước xuất khẩu khác.
Ông Huỳnh Ngọc Có, Giám đốc Công ty cổ phần khoai lang Nhật Thành (H.Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) nhìn nhận: “Một tin vui đối với những người sống bằng nghề trồng và kinh doanh khoai lang vì nhà nước đã “mở ra một con đường” để DN có thể đưa hàng chính thức vào Trung Quốc. Bản thân tôi và các DN đối tác phía Trung Quốc rất phấn khởi với nghị định thư này. Theo kế hoạch, khả năng họ có thể tiếp nhận lượng hàng hóa lên tới 150.000 tấn vào năm 2023 và tăng lên 300.000 tấn vào năm 2024”.
Ông Có cho biết thêm xuất thân từ nông dân rồi phát triển lên kinh doanh xuất khẩu khoai nên ông hiểu rõ vấn đề của chuỗi giá trị và cách làm truyền thống không còn phù hợp. Theo ông, “trước đây chúng ta cũng trồng, cũng xuất nhưng khi Trung Quốc đóng cửa thị trường thì mình gặp khó ngay lập tức. Nay nghị định thư đã mở cửa chính thức nhưng kèm theo đó là đòi hỏi chúng ta phải làm ăn nghiêm túc và bài bản”.
“Đó là một hành lang về pháp lý gắn liền với các tiêu chuẩn kỹ thuật mà chúng ta phải thực hiện để đưa hàng trực tiếp vào Trung Quốc. Các tiêu chuẩn gắn liền với mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Vì vậy, người nông dân phải liên kết với nhau và làm theo hướng dẫn về tiêu chuẩn kỹ thuật của DN. Nhưng DN cũng chỉ là trung gian nên nói đúng ra đó là yêu cầu của khách hàng, của thị trường. Nếu không đáp ứng thì chúng ta không bán được hàng. Theo ước tính của tôi, để sản xuất và xuất khẩu bền vững chúng ta không cần giá quá cao mà chỉ cần ổn định và chia sẻ lợi ích hài hòa giữa nông dân, nhà xuất khẩu và nhập khẩu. Chính vì vậy chuỗi liên kết cần phải công khai minh bạch. Khoai lang là loại cây dễ trồng, nhẹ chi phí đầu tư và công chăm sóc, nếu hài hòa lợi ích sẽ phát triển rất tốt”, ông Có nhấn mạnh.
Mặt khác, HTX Châu Thịnh Phong (H.Mường Khương, tỉnh Lào Cai) đang hưởng lợi từ nghị định thư xuất khẩu chuối. HTX có 550 ha trồng chuối chuyên xuất khẩu đi Trung Quốc. Hiện tại mỗi ngày đơn vị này đang xuất khẩu 4 - 5 container chuối sang Trung Quốc, giá hơn 8.000 đồng/kg là ở mức cao và ổn định so với nhiều năm trở lại đây. Ông Trần Văn Hùng, Giám đốc HTX, cho biết: “Phản ứng thị trường sau thông tin Trung Quốc ký nghị định thư là rất tích cực. Chuối xuất khẩu chính ngạch đã tạo niềm tin cho DN và nông dân yên tâm đầu tư vào sản xuất chứ không còn lo lắng thị trường bấp bênh, trồi sụt như trước đây nữa”.
Rút ngắn thời gian thông quan
Cũng theo ông Hùng, yêu cầu về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói không quá phức tạp, chỉ cần các cơ quan chức năng tích cực vào cuộc hướng dẫn, hỗ trợ nông dân, DN thực hiện đảm bảo yêu cầu xuất khẩu của Trung Quốc. Chuối được xuất khẩu chính ngạch nên cứ có hợp đồng mua bán, xe lên cửa khẩu là thông quan. Chỉ cần 2 ngày, thay vì mất đến 4 - 5 ngày như trước đây, là đưa được hàng đến người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) chia sẻ nông sản khi ký nghị định thư thì phía Trung Quốc sẽ giám sát chặt chẽ mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. DN chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch với các điều kiện quy định khắt khe, đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội. Nếu làm tốt thì việc xuất khẩu hàng nông sản sang Trung Quốc rất thuận lợi, khối lượng nhiều.
Đặc biệt, theo bà Hà, nghị định thư giúp cho công tác kiểm dịch thực vật hàng nông sản sẽ chủ động hơn và đẩy nhanh tốc độ thông quan. Bởi trong nghị định thư, Trung Quốc quy định rất rõ trên từng loại nông sản thì cấm những loại vi sinh vật gây hại gì. Cán bộ kiểm dịch tại cửa khẩu nắm rõ để tập trung vào những loại này thì thời gian kiểm dịch sẽ được rút ngắn so với trước đây là phải kiểm tra toàn bộ danh mục hơn 400 đối tượng kiểm dịch của phía Trung Quốc.
Bà Hà nhấn mạnh nghị định thư sẽ giúp việc điều tiết nông sản lên cửa khẩu chủ động hơn và góp phần giảm tình trạng ùn ứ ở tuyến cửa khẩu đường bộ biên giới phía bắc. “Trước đây xuất khẩu tiểu ngạch, hàng hóa đưa lên cửa khẩu đường bộ tuyến Lạng Sơn cứ “mạnh ai nấy làm”. Xe cứ lên cửa khẩu, bán được giá cao thì bán. Không bán được hay giá xuống thì nằm chờ giá lên nên xảy ra tình trạng ùn ứ chứ không phải là khó thông quan. Bây giờ chuyển sang xuất khẩu chính ngạch, DN phải chủ động nguồn hàng, chất lượng, quy cách đóng gói ra sao đều có quy định chi tiết và phải tuân thủ thì mới xuất khẩu được”, bà nói.
Khi xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc thì chỉ khi nào có hợp đồng giao dịch mới đưa hàng lên cửa khẩu thôi chứ không có chuyện đưa hàng lên ồ ạt như trước đây nữa. Vì vậy, sẽ giảm được áp lực ùn ứ cửa khẩu.
Bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT)
|
Phan Hậu
Thanh niên
|