Ngăn chặn rửa tiền qua tiền ảo, bất động sản
Việt Nam hiện không thừa nhận tiền ảo, tiền điện tử và tiền kỹ thuật số nhưng thực tế có một thị trường ngầm hoạt động rất mạnh nên cần có các quy định để xử lý
Ngày 1-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, các đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền.
Có thị trường ngầm về tiền ảo
Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến của ĐB lo ngại tội phạm rửa tiền lợi dụng tiền ảo, tài sản ảo để thực hiện các hành vi vi phạm, trong khi pháp luật còn khoảng trống.
ĐB Nguyễn Thanh Hải (đoàn Thừa Thiên - Huế) cho biết khoản 4 điều 3 của dự thảo luật quy định "Giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là giao dịch bằng tiền mặt, bằng vàng hoặc ngoại tệ được thực hiện một hoặc nhiều lần trong một ngày, có tổng giá trị bằng hoặc vượt mức do Thủ tướng Chính phủ quy định". Tuy nhiên, hiện nay có hoạt động liên quan đến tiền ảo giao dịch trên nền tảng online đang rất phổ biến nhưng chưa được kiểm soát. "Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm cụm từ "hoặc giao dịch khác" vào quy định ở điều 3 nêu trên" - ĐB Hải đề xuất.
ĐB Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng đồng tình khi cho rằng các hình thức rửa tiền sẽ ngày càng tinh vi hơn nên đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về phòng chống rửa tiền đối với tiền ảo, tài sản ảo để kịp thời ngăn chặn các hành vi rửa tiền. Cụ thể, cần đưa hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, nền tảng công nghệ số, cung ứng dịch vụ liên quan tiền điện tử, kỹ thuật số, tiền ảo, tài sản ảo vào điều 4 dự thảo luật.
Cho biết Công an TP Hà Nội đang điều tra vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, rửa tiền lên tới hàng ngàn tỉ đồng, ĐB Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội, đề nghị cần có quy định về quản lý tài sản ảo, tiền ảo để đưa vào diện đối tượng phải báo cáo về phòng chống rửa tiền. Theo ông Trung, Việt Nam hiện không thừa nhận tiền ảo, tiền điện tử và tiền kỹ thuật số nhưng thực tế đang có một thị trường ngầm hoạt động rất sôi động, rất mạnh. Do đó, cần có các quy định để xử lý vấn đề này.
Qua thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và hoạt động phòng chống rửa tiền nói riêng của Công an TP Hà Nội, nổi lên hoạt động liên quan đến sử dụng thông tin, giấy tờ giả để mở tài khoản hoặc thuê người khác mở tài khoản, sau đó bán tài khoản cho các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Mục đích của hành vi này là nhằm che giấu thông tin về tài sản của cá nhân, tổ chức thực sự quản lý, sở hữu tài sản.
Đại biểu Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) đề nghị có quy định phòng ngừa rửa tiền qua bất động sản. Ảnh: PHẠM THẮNG
|
Nguy cơ rửa tiền qua bất động sản
Cùng với ngân hàng, bất động sản (BĐS) là lĩnh vực có nguy cơ cao bị tội phạm rửa tiền sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội, do đó ĐB Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung các quy định chặt chẽ hơn để phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực này. "Qua đấu tranh phòng chống tội phạm cho thấy các đối tượng phạm tội thường rửa tiền bằng cách nhờ người thân, gia đình mua, chuyển nhượng, tặng, cho BĐS. Chính vì vậy, việc quy định và thực thi các quy định về phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực này là rất cần thiết" - bà Chung nhấn mạnh.
Để cụ thể hóa các quy định về phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực BĐS, ĐB Thái Thị An Chung kiến nghị bổ sung tổ chức đấu giá tài sản đối tượng báo cáo giao dịch theo quy định tại dự thảo luật; đồng thời, bổ sung các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh BĐS tại điều 33 của dự thảo luật. Cùng với việc sửa đổi Luật Phòng chống rửa tiền, việc sửa đổi Luật Kinh doanh BĐS theo hướng quy định các giao dịch BĐS phải thực hiện thanh toán qua hệ thống ngân hàng là rất cần thiết để chống thất thu thuế, chống rửa tiền và minh bạch thị trường BĐS.
ĐB Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng) cũng nhìn nhận các giao dịch BĐS thường có giá trị lớn, trong khi hệ thống thông tin để có thể truy xét nguồn gốc, quá trình giao dịch chưa đầy đủ đã ảnh hưởng tới hiệu quả của công tác phòng chống rửa tiền. Theo ĐB Tân, tại dự thảo luật đã đưa các biện pháp phòng ngừa rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh BĐS như thực hiện báo cáo giao dịch đáng ngờ, báo cáo giao dịch có giá trị lớn.
Tuy nhiên, vị ĐB đoàn Hải Phòng cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu các quy định liên quan thủ tục giao dịch, phương thức giao dịch, thanh toán giao dịch BĐS, việc kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu của các cơ quan quản lý về đất đai, xây dựng, công chứng tại các luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở, Luật Công chứng. Theo ông, việc này nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong các quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền.
Ngày 2-11, QH thảo luận tại tổ về án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp QH (sửa đổi).
Định giá đất phù hợp với giá trị thị trường
Cùng ngày, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã trình bày Tờ trình về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Chính phủ đã báo cáo QH một số chính sách mới, quan trọng của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Về thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, dự thảo luật đã quy định cụ thể điều kiện, tiêu chí, các trường hợp nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để công khai, minh bạch trong thực thi và giám sát.
Về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, Ủy ban Kinh tế của QH đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, quy định cụ thể hơn về điều kiện, tiêu chí cụ thể đối với trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, xác định rõ tính chất vì lợi ích quốc gia, công cộng để tránh lạm dụng, thu hồi đất tràn lan, không đúng bản chất, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất thu hồi.
Về cơ chế, chính sách tài chính, giá đất, dự thảo luật bỏ quy định khung giá đất, quy định cụ thể nguyên tắc định giá đất phù hợp với giá trị thị trường, bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, trung thực, khách quan; bảng giá đất được xây dựng định kỳ hằng năm. Về giá đất, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ nguyên tắc định giá đất "phù hợp với giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường"; quy định rõ các tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất cũng như yêu cầu về HĐND cấp tỉnh quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá đất.
|
MINH CHIẾN
Người lao động
|