Giới đầu tư tích tiền mặt với tốc độ nhanh nhất kể từ khủng hoảng COVID-19
Trong tuần kết thúc vào ngày 2/11, giới đầu tư tích tiền mặt với tốc độ nhanh nhất kể từ cuộc khủng hoảng COVID-19 năm 2020, do biến động trên các thị trường tài chính gia tăng và tâm lý nghi ngờ về triển vọng lãi suất tại Mỹ kích thích xu hướng trú ẩn an toàn, BofA Global Research cho biết.
Các quỹ tiền mặt ghi nhận dòng vốn đổ vào đạt 62.1 tỷ USD trong tuần kết thúc vào ngày 02/11. Ngược lại, các quỹ đầu tư vào vàng bị rút vốn trong tuần thứ 19 liên tiếp, ghi nhận đợt rút vốn dài nhất kể từ năm 2014, BofA cho biết trong báo cáo “Flow Show” hàng tuần.
Các quỹ đầu tư vào chứng khoán nhận 6.3 tỷ USD, trong đó, quỹ thị trường mới nổi có tuần thứ hai liên tiếp chứng kiến dòng vốn đổ vào với 4.3 tỷ USD. Ngược lại, quỹ đầu tư vào chứng khoán châu Âu bị rút 900 triệu USD, ghi nhận 38 tuần bị rút vốn liên tiếp, BofA bổ sung.
Tuần trước, thị trường chứng khoán tăng mạnh khi nhà đầu tư tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể giảm tốc độ tăng lãi suất do kinh tế Mỹ có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Nhưng sau đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell lại dội một gáo nước lạnh vào giới đầu tư khi khẳng định lạm phát sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài và thị trường việc làm đang phục hồi nhanh chóng.
Chỉ số S&P 500 tăng gần 4% trong tuần trước, nhờ tâm lý lạc quan về kết quả kinh doanh quý 3/2022 của khối doanh nghiệp và triển vọng Fed tăng lãi suất chậm lại.
Tuy nhiên, chỉ báo “Bull & Bear”, được dùng để đo lường tâm lý của giới đầu tư - của BofA vẫn ở mức 0 trong tuần thứ 7 liên tiếp, ghi nhận chuỗi “bi quan tuyệt đối” dài nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 – 2009.
Kim Dung (Theo Reuters)
FILI
|