'Giá mà không lãng phí thì lương chắc đã tăng lâu rồi'
Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ giá mà nguồn lực đất nước không bị lãng phí thì đời sống của người dân sẽ sung túc hơn, vị thế đất nước được xác lập ở mức cao hơn, cơ hội cải cách trên mọi lĩnh vực sẽ còn to lớn hơn nữa.
Đó là trao đổi của một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) với tôi hôm qua, khi bình luận về báo cáo của Đoàn giám sát của QH việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.
Báo cáo giám sát tối cao cho thấy câu chuyện về những dự án đội vốn, hàng chục ngàn hecta đất, hàng ngàn tỉ đồng… bị lãng phí. Đây mới chỉ là giám sát trong phạm vi 15/18 bộ, khối tư pháp và 15 địa phương.
Nếu giám sát tất cả bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan trung ương có sử dụng ngân sách và tất cả 63 địa phương thì chắc hẳn con số lãng phí là rất lớn. Thậm chí lớn hơn rất nhiều con số 44.000 tỉ đồng mà kỳ họp Quốc hội (QH) này sẽ xem xét, quyết định để điều chỉnh tăng lương cơ sở ở khu vực công lập sau thời gian phải lùi lại vì khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra.
Thật đau xót!
Dẫu biết “giá mà” không phải là cách để nhìn nhận, đánh giá hay than phiền về thực tế lãng phí, thất thoát đang diễn ra ở nước ta khi thu nhập đầu người mới bước vào ngưỡng trung bình thấp. Nhưng sự thực là như nhiều đại biểu (ĐB) QH đã thẳng thắn bày tỏ: Giá mà nguồn lực đất nước không bị lãng phí thì chẳng những đời sống của người dân sẽ sung túc hơn, vị thế đất nước được xác lập ở mức cao hơn, mà ngay cả cơ hội cải cách trên mọi lĩnh vực sẽ còn to lớn hơn nữa.
Nhưng đấy là lãng phí có thể đo bằng đơn vị tiền bạc. Trên diễn đàn QH, các ĐB của dân còn bày tỏ nuối tiếc, trăn trở khi mà hằng ngày, hằng giờ còn đang diễn ra rất đa dạng các hình thức lãng phí khác. “Lãng phí pháp luật” mà ĐB Bế Trung Anh nêu ra là một ví dụ.
Trong ba nhiệm kỳ gần đây, khi đánh giá về những tồn tại, hạn chế của mình, bên cạnh “bắt lỗi” nguyên nhân thể chế, tức hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, chưa đồng bộ, còn chồng chéo, mâu thuẫn thì Chính phủ luôn thẳng thắn thừa nhận về phần mình “công tác thi hành pháp luật chưa nghiêm”.
Pháp luật ban hành ra nhưng công tác tổ chức, thi hành pháp luật lại không đến nơi đến chốn, pháp luật chưa “đi vào cuộc sống”. Hoặc khi va chạm với thực tiễn, bộc lộ bất cập mà luật pháp cụ thể lại không kịp thời điều chỉnh, sửa đổi, thì như ĐB Trần Hữu Hậu nhìn nhận, điều ấy còn gây ra loại lãng phí khác-lãng phí niềm tin.
Thực hành tiết kiệm thì khó có gì đắt hơn ví von của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi ông còn là trưởng Ban Tổ chức Trung ương: “Chỉ cần tiết kiệm 1% chi phí thường xuyên một năm thì đã có 10.000 tỉ, hai năm là đủ tiền để giải phóng mặt bằng cho sân bay Long Thành”.
Nhưng thực hành tiết kiệm suy cho cùng vẫn là cái gì cần chi thì phải chi, chi cho hiệu quả, chi để thúc đẩy phát triển. Thu đúng, chi đúng thì chắc hẳn cuộc giám sát tối cao về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của năm năm tiếp theo, 2021-2026, sẽ có tín hiệu vui nào đó.
CHÂN LUẬN
Pháp luật TPHCM
|