Fed nâng tiếp 75 điểm cơ bản, báo hiệu có thể điều chỉnh cường độ nâng lãi suất
Fed đã nâng lãi suất 75 điểm cơ bản lần thứ tư liên tiếp và báo hiệu có thể thay đổi nhịp độ nâng lãi suất trong tương lai.
Trong một động thái đã được thị trường dự báo từ lâu, Fed nâng lãi suất 75 điểm cơ bản lên phạm vi 3.75%-4%, cao nhất kể từ tháng 1/2008. Đây là nhịp độ thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt nhất kể từ đầu thập niên 80.
Cùng với động thái nâng lãi suất, thị trường cũng chờ đợi thông điệp rằng đây sẽ là đợt nâng lãi suất 75 điểm cơ bản cuối cùng.
Tuyên bố lần này của Fed cũng báo hiệu về sự thay đổi về nhịp độ nâng lãi suất. Fed nhấn mạnh: “Để xác định mức độ nâng lãi suất trong tương lai, Ủy ban sẽ tính tới tác động tích lũy từ các đợt thắt chặt trước đây, độ trễ của chính sách tiền tệ tới hoạt động kinh tế và lạm phát, cũng như diễn biến kinh tế và tài chính”.
Trước đó, một số quan chức Fed cùng với các chuyên gia trên Phố Wall đã bàn về khả năng Fed nâng lãi suất chậm lại trong tương lai, cụ thể nâng 50 điểm cơ bản trong tháng 12 và nâng nhẹ hơn trong năm 2023.
Tuyên bố lần này cũng có đoạn nói rằng: “Ủy ban cho rằng việc tiếp tục nâng lãi suất sẽ là hợp lý, sao cho lãi suất lên mức đủ để kéo lạm phát về mức 2% theo thời gian”.
Thị trường sẽ chờ đợi cuộc họp báo của Chủ tịch Jerome Powell để có thêm manh mối về chính sách tiền tệ và dự báo trong tương lai.
Chủ tịch Fed Jerome Powell
|
Trong tuyên bố, Fed đánh giá chi tiêu và sản xuất của Mỹ chỉ tăng trưởng “khiêm tốn”, đồng thời lưu ý rằng “thị trường việc làm đã tăng trưởng mạnh trong vài tháng gần đây” trong khi lạm phát vẫn rất cao. Trong tuyên bố, Fed cho biết “sẽ cực kỳ chú ý tới rủi ro lạm phát”.
Fed tiếp tục nâng mạnh lãi suất khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn dao động gần mức đỉnh 40 năm. Đồng thời, thị trường lao động thắt chặt đã thúc đẩy tiền lương tăng mạnh.
Nhiều chuyên gia lo ngại Fed sẽ nâng lãi suất quá mạnh và đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Trước đó, ông Powell cho rằng vẫn có thể tạo ra “đợt hạ cánh mềm”. Tuy nhiên, kinh tế Mỹ gần như không tăng trưởng trong năm nay ngay cả khi tác động từ các đợt nâng lãi suất chưa thể hiện hoàn toàn.
Cùng với đó, chỉ số lạm phát yêu thích của Fed tăng 6.2% trong tháng 9/2022. Nếu loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng, chỉ số này tăng ở mức 5.1%. GDP giảm trong 2 quý đầu năm, nhưng tăng trưởng 2.6% trong quý 3/2022 nhờ xuất khẩu tăng mạnh bất thường. Cùng lúc đó, giá nhà ở giảm mạnh khi lãi suất vay thế chấp 30 năm vượt 7% trong những ngày gần đây.
Trên Phố Wall, thị trường đã leo dốc mạnh vì cho rằng Fed sẽ sớm giảm bớt nhịp độ nâng lãi suất. Trong tháng qua, chỉ số Dow Jones tăng 13%, một phần vì mùa báo cáo tài chính không quá nặng nề như dự báo và vì hy vọng Fed nâng lãi suất chậm lại. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ quay đầu giảm xuống gần 4%.
Hiện chưa có tín hiệu nào cho thấy Fed sẽ sớm ngừng nâng lãi suất, do đó mọi sự chú ý sẽ đổ dồn vào khả năng nâng lãi suất chậm lại. Thị trường đang dự báo xác suất 50% Fed sẽ nâng 50 điểm cơ bản trong tháng 12/2022. Thị trường cũng dự báo lãi suất của Fed sẽ đạt đỉnh ở gần mức 5%.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|