Nhật Bản trở thành quốc gia lớn duy nhất còn giữ lãi suất âm
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) vẫn duy trì lãi suất cực thấp, đẩy lùi những suy đoán cho rằng họ sẽ điều chỉnh lãi suất.
Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda và cộng sự đã giữ nguyên lãi suất âm, mức trần lợi suất 10 năm và chương trình mua tài sản sau cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày. Kết quả này cũng phù hợp với dự báo của 49 chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Bloomberg.
Đồng Yên trồi sụt sau quyết định trên, nhưng gần như không đổi quanh mốc 146.25 đổi 1 USD. Đồng tiền này leo dốc gần 4% so với mức đáy trong tuần trước và diễn biến này có thể đến từ sự can thiệp của Nhật Bản.
Trong các dự báo kinh tế mới nhất, BoJ nâng mạnh dự báo lạm phát lên 2.9% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2023, đồng thời dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ giảm xuống 1.6%.
Số liệu công bố trước đó cho thấy lạm phát ở Nhật Bản tăng nhanh nhất kể từ cuối thập niên 80 với mức 3.4% trong tháng 10. Tuy nhiên, BoJ cho rằng đà tăng này không bền vững.
Ông Kuroda tiếp tục khẳng định sẽ duy trì mức lãi suất thấp sau khi NHTW châu Âu vừa nâng 75 điểm cơ bản. Tuy nhiên, vị Thống đốc dường như rơi vào tình thế khó khăn vì lập trường bồ câu của ông có thể gây áp lực lên đồng Yên – vốn đang mất giá mạnh trong năm 2022.
Quyết định trên khiến Nhật Bản trở thành một ngoại lệ trong làn sóng nâng lãi suất trên toàn cầu.
Trong khi đó, Chính quyền của Thủ tướng Fumio Kishida vừa ra động thái để thúc đẩy đồng Yên, tăng chi tiêu để giảm thiểu tác động từ đà tăng của giá thực phẩm và giá năng lượng. Trong ngày 28/10, Thủ tướng Kishida công bố gói chi tiêu kinh tế trị giá 200 tỷ USD để xoa dịu nỗi đau từ lạm phát, nhưng chưa đưa ra các thông tin chi tiêu của gói này.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|